Ai đẩy General Motors đến phá sản?

Theo CafeF

Lãnh đạo công ty, chính quyền Tổng thống Obama, chính phủ tiền nhiệm, giá dầu cao là đối tượng chịu trách nhiệm cho "thảm kịch" của GM.

Lãnh đạo

Xét theo quan điểm hiện tại, GM không phải là một công ty hoạt động có trọng tâm. Người sáng lập ra GM, ông Billy Durant đã cho các thương hiệu cạnh tranh với nhau mà thiếu sự giám sát tốt.

Ông Alfred P. Sloan, người tiếp quản GM vào thập niên 1920, áp dụng một loạt các biện pháp ngăn sự cạnh tranh không hợp lý giữa các thương hiệu bằng việc áp dụng kiểm soát tài chính và định vị lại mỗi thương hiệu. Dòng xe Chevrolet sẽ phục vụ cho số đông và Cadillac dành cho giới nhiều tiền. Dù vậy công ty vẫn hoạt động hết sức thiếu trọng tâm.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, GM ngày một củng cố địa vị thống trị trong ngành ô tô Mỹ. Năm 1962, GM thâu tóm 50,7% thị phần ngành. Dù GM có đi chậm về một đổi mới công nghệ hay một mẫu thiết kế xe nào bởi hãng có sức mạnh quá lớn để lấn át mọi đối thủ.

Sau đó, ban lãnh đạo vì thế quyết định nâng mức lương, trợ cấp y tế, hưu trí cho người lao động. Điều kiện sống của nhiều công nhân Mỹ vì thế được cải thiện. Thế nhưng quyết định đó lại khiến chi phí của GM đội lên và trở thành gánh nặng.

GM vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hãng xe nước ngoài. GM đơn giản đã không chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để ứng phó với chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ từ Toyota và nhiều công ty ô tô Nhật khác vào thập niên 1980.

Toyota lại phát triển hệ thống sản xuất hoàn toàn khác với công nghệ dây chuyền sản xuất hàng loạt mà GM vẫn sử dụng, sau nhiều thập kỷ được Henry Ford hoàn thiện. Hạ tầng cơ cở của GM theo cơ cấu, mỗi phân nhánh có một quá trình sản xuất riêng, phụ tùng, kỹ thuật riêng

Cần thêm cơ hội việc làm cho người dân, Chính phủ Mỹ khuyến khích doanh nghiệp Nhật mở nhà máy tại nhiều bang. Ba hãng xe hàng đầu của Mỹ cho rằng họ có thể thắng được đối thủ với chi phí nhân công và nhiều lợi thế khác, nhưng họ đã nhầm.

Các hãng xe Nhật lập nên nhà máy ở các bang miền Nam và gần biên giới, nhân công nơi đây trẻ, chi phí thấp hơn. Hãng xe Nhật cũng tạo lập được quan hệ mới giữa giới chủ và người lao động. Một ngành ô tô mới ra đời. Áp lực cạnh tranh tại Detroit tăng cao.

Chính phủ tiền nhiệm

GM đã phải ứng phó với thách thức từ phía Nhật mà không có hỗ trợ từ chính quyền liên bang. Chính quyền cựu Tổng thống Clinton cũng giống như nhiều chính quyền tiền nhiệm đã không thể tìm ra cách buộc Nhật mở cửa thị trường ô tô. Chính phủ lúc đó cũng không giải quyết được vấn đề thiếu hụt trong hệ thống chăm sóc y tế.

Cựu giám đốc điều hành của GM khuyến khích GM áp dụng các chiến lược của Toyota. Năm 2001, CEO Rick Wagoner đã thuê Lutz để cải tiến kiểu dáng xe. Ngoài ra ông Wagoner cũng quyết định đầu tư vào việc đổi mới các dòng xe. GM quyết định nỗ lực cạnh tranh với mẫu hybrid Prius tiết kiệm nhiên liệu của Toyota bằng chiếc xe điện chạy pin ion lithi Chevrolet Volt.

Ông tập trung sự điều hành vào một ban thống nhất, thuyết phục nghiệp đoàn ô tô đảm nhận trách nhiệm liên quan đến chi phí y tế. Đầu năm 2008, GM dường như đang trong quá trình chuyển mình đầy thành công và ấn tượng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Thế nhưng đó là thời điểm giá xăng tăng và khủng hoảng kinh tế ngày một trầm trọng hơn. Người tiêu dùng Mỹ đổ xô sang dùng xe tiết kiệm nhiên liệu mà phần lớn các mẫu xe này của các hãng nước ngoài. Doanh số ô tô sụp đổ cùng vớn nền kinh tế.

“Phương thuốc” liệu có đúng bệnh?

Chính quyền cựu Tổng thống Bush đã hỗ trợ cho GM và Chrysler bằng cách cung cấp khoản vay khẩn cấp. Các chuyên gia ngành cho rằng chính quyền Tổng thống Obama hiểu ngành sản xuất ô tô và sẽ đưa ra biện pháp hỗ trợ. Nghiệp đoàn ô tô Mỹ đã giúp quản lý 5 bang.

Thế nhưng Tổng thống Obama lại tìm đến liên minh của ông để có câu trả lời cho bài toán ngành ô tô. Ông đưa chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng Steve Rattner đứng đầu nhóm giải cứu ngành ô tô. Ông Rattner cho rằng việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 là hợp lý đối với GM. Ông Wagoner đã bị sa thải ngay khi ông thể hiện sự phản đối. Ông Fritz Henderson được thay vào vị trí mới.

Trong lúc đó, Tổng thống Obama hỏi ý kiến những nhà môi trường học tại California để đưa ra luật mới về tiết kiệm nhiên liệu, chi phí vì vậy sẽ đội lên.

Cuối cùng General Motors với cái tên mới người ta hay gọi là Government Motors đã bị đẩy đến phá sản. Rattner và đồng sự trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng cũng như cơ quan pháp lý cho rằng sau 60 ngày, GM mới sẽ ra đời hiệu quả hơn. Khả năng này vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn.

Vậy tất cả yếu tố đằng sau sự sụp đổ của GM là ông Rettner, chính quyền Tổng thống Obama, chính quyền tiền nhiệm, giá dầu cao, Toyota, người tiêu dùng Mỹ, suy thoái kinh tế và chi phí lao động cao.