Ai đứng sau vụ rò rỉ Tài liệu Panama?
Vụ rò rỉ Tài liệu Panama đang gây chấn động thế giới với việc hàng chục nguyên thủ quốc gia, nhiều quan chức, cựu quan chức cấp cao đã bị phát hiện là “rửa tiền”, tẩu tán tài sản ra nước ngoài để trốn thuế. Nhưng việc Mỹ hoàn toàn vô can trong vụ bê bối khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Vụ bê bối này thực chất nhằm vào ai và ai đang đứng đằng sau để giật dây?
Sau khi 11,5 triệu giấy tờ về thuế của Công ty Kinh doanh luật Panama Mossack Fonseca, một công ty “bình phong” cho các hoạt động rửa tiền, bị tiết lộ, 140 chính trị gia, trong đó có cả các cựu nguyên thủ quốc gia và đang đương chức, đã bị phanh phui có dính líu tới các hoạt độn trốn thuế và rửa tiền. Tuy nhiên, truyền thông thế giới đã bỏ qua thông tin về những nhân vật bị kết tội gian lận tài chính, trong đó có Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko, cha đẻ của Thủ tướng Anh David Cameron, Quốc vương Ảrập Xêút Salman ibi Abdullah-Aliz Al Saud... để đâm bổ đi tìm kiếm trong các tài liệu này “những dấu vết Putin” cũng như nhân vật đối kháng với các lợi ích của phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Đơn cử ra đây trong số những cái tên được “Tài liệu Panama” nhắc tới có các cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người thân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hay Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Điều tra cho thấy gia đình của ít nhất 8 thành viên đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu trong Bộ Chính trị Trung Quốc, trong đó có cả gia đình của Chủ tịch Tập Cận Bình, có sở hữu tài sản ở nước ngoài.
Có nhiều điểm nghi vấn về động cơ thực sự của vụ rò rỉ thông tin này, đằng sau những mỹ từ như minh bạch hóa hệ thống pháp luật của mỗi nước, lật tẩy các quan chức tham nhũng… đã xuất hiện ý kiến rằng ở đây có dấu hiệu của mưu toan hạ bệ uy tín của lãnh đạo các nước không chia sẻ lợi ích với phương Tây.
Ông Craig Murray từng là Đại sứ Anh tại Uzbekistan những năm 2002 - 2004, nhận định sợi dây từ Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), chủ thể đã công bố “Tài liệu Panama”, lại dẫn không chỉ từ Quỹ Soros (Soros Foundation), mà còn đến Quỹ Rockefeller (Rockefeller Foundation), Tập đoàn Carnegie và những tổ chức có thế lực khác. Hoạt động của tập đoàn quỹ này tài trợ hầu như tất cả các cơ cấu doanh nghiệp khổng lồ của Mỹ. Mặc dù thực tế là phần lớn vô số thông tin về tài khoản bình phong ở nước ngoài liên quan đến các công ty và doanh nghiệp phương Tây, nhưng các phương tiện truyền thông chỉ nắm lấy cho một số đoạn dường như liên quan đến Nga, và bỏ qua không chú ý đến những thứ khác.
Trong khi đó, các thông tin có hại cho Mỹ thường được giảm thiểu, trong khi phát hiện về các lãnh đạo không phải phương Tây, như Tổng thống Nga V. Putin, thường được “làm rùm beng”.
Thậm chí, chuyên gia tài chính người Đức Ernst Wolff còn khẳng định rằng, đứng đằng sau vụ việc không ai khác chính là tình báo Mỹ. Những gì đang xảy ra vào thời điểm này với “Tài liệu Panama” có thể nhìn nhận như một động thái của Mỹ nhằm tiêu hủy ốc đảo thiên đường thuế, để thoát thân và tự định vị như là một thiên đường thuế mới và lớn nhất. Ở Mỹ những bang như Nevada, South Dakota, Wyoming và Delaware đang là ốc đảo thuế và cáo giác này chỉ diễn ra với một mục đích là chuyển hướng dòng chảy tài chính.
Bê bối bùng phát ngày 3/4 sau khi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), có trụ sở tại Washington (Mỹ), công bố báo cáo điều tra được tiến hành trong suốt 1 năm qua bởi một nhóm gồm hơn 370 nhà báo từ 100 hãng truyền thông tại gần 80 quốc gia, dựa trên kho chứng từ về thuế bị rò rỉ của hãng luật Mossack Fonseca (trụ sở ở Panama) trong thời gian hoạt động từ năm 1977 tới cuối năm 2015. Các nhà báo đã tiến hành cuộc điều tra đối với khoảng 11,5 triệu chứng từ với khoảng 2,6 terabyte dữ liệu được lấy từ hệ thống nội bộ của Mossack Fonseca, có liên quan tới khoảng 214.000 doanh nghiệp tại nước ngoài và các nhân vật từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.