Ai được hưởng lợi từ hình thức đầu tư BT?
Đầu tư theo hình thức BT(xây dựng và chuyển giao) nhìn một mặt sẽ thấy mang lại lợi ích cho hạ tầng đô thị, song với cách làm như hiện nay, người được lợi nhiều nhất không ai khác lại là chủ đầu tư và nhóm lợi ích. Nhà nước bị thất thoát, lãng phí tài sản, đất đai.
Theo Báo cáo Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 ngày 21/5 vừa qua, quá trình triển khai các dự án theo hình thức hợp đồng BT đang xảy ra hàng loạt những sai sót thiếu chặt chẽ, minh bạch, tạo lỗ hổng gây thất thoát ngân sách và tài sản công.
Theo báo cáo này, kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT năm 2016 có nhiều kẽ hở, bất cập.
Phần thiệt thuộc về Nhà nước
Kẽ hở lớn dẫn đến thất thoát ngân sách của các dự án này là hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Điển hình, qua thanh tra, 5/5 dự án tại Hà Nội, 3/4 dự án ở Đà Nẵng, 2/2 dự án ở Bắc Ninh, 2/2 dự án tại Hà Nam, 3/3 dự án tại Thái Bình, 1/1 dự án ở Thanh Hoá đều là chỉ định thầu.
Việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá. Điều này là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước.
Bên cạnh đó, chưa có quy định về thời điểm nhà đầu tư phải góp đủ số vốn chủ sở hữu, dẫn đến nhà đầu tư không bắt buộc phải góp đủ vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tối thiểu.
Qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước tới nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn TP. Hà Nội. Tại thời điểm thanh tra, có 15 dự án theo hình thức hợp đồng BT, chỉ có một dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.
Tại một số dự án BT, có hiện tượng cơ quan chức năng TP. Hà Nội thẩm định, phê duyệt sai, ẩu, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định thu tiền sử dụng đất.
Cụ thể, tại dự án đường Lê Đức Thọ – Xuân Phương, do tính toán áp dụng đơn giá không chính xác, đã làm tăng giá trị hợp đồng BT hơn 19,5 tỷ đồng; tại nút giao thông Long Biên do công ty cổ phần Him Lam thực hiện, tăng giá trị lên tới hơn 60 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam làm chủ đầu tư cũng bị chậm tiến độ và phát sinh khoản chi phí lên tới 11,5 triệu USD.
Nhận định về thực trạng của các dự án BT, BOT đang được triển khai hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng về bản chất, BT hay BOT đều là các giải pháp tốt để giải quyết cơ bản các vấn đề về phát triển hạ tầng khi Nhà nước không có đủ ngân sách.
Dự án Khai Sơn xây dựng tuyến đường Long Biên |
Tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước
Ở nhiều nước trên thế giới, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đều rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi được thực hiện tại Việt Nam, phương thức đầu tư này đã bị "bóp méo" quá nhiều.
Đối với các dự án BT, bà Lan cho rằng đây lại là một hình thức rất "nguy hiểm", gây thất thoát lớn cho Nhà nước nếu quá trình triển khai không minh bạch.
Một vấn đề mà bà Phạm Chi Lan còn băn khoăn là "các dự án BT sẽ mang lại lợi ích cho ai". Thực chất, các dự án BT là sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ. Điều này dẫn đến việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, khi một con đường mới được xây dựng theo hình thức BT, chủ đầu tư lại được giao đất đối ứng ngay cạnh dự án đó. Như vậy, rõ ràng khi dự án được hoàn thành, giá trị bất động sản tại khu đất đó sẽ được tăng lên nhiều lần. Con đường mới xây đó không gì khác là phục vụ cho chính dự án của chủ đầu tư và cư dân tại đó sau này.
Đơn cử như tại dự án xây dựng đường Tố Hữu (đường Lê Văn Lương kéo dài) theo hình thức BT. Sau khi thực hiện dự án, chủ đầu tư – Tập đoàn Nam Cường được sử dụng 174,23 ha đất để khai thác tạo vốn. Diện tích đất này nay đã hình thành khu đô thị Dương Nội và một số khu đất khác dọc tuyến đường.
Một dự án khác gần đây có liên quan đến khu đô thị Khai Sơn City tại quận Long Biên, Hà Nội, dự án xây dựng tuyến đường 3,8 km tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh theo hình thức hợp đồng BT do công ty cổ phần Khai Sơn_thực hiện.
Theo hợp đồng, công ty cổ phần Khai Sơn sẽ được giao đất đối ứng để xây dựng khu đô thị Khai Sơn City hai bên tuyến đường với quy mô 38 ha. Hiện các căn biệt thự tại dự án đang được trào bán với giá từ 10 đến 20 tỷ/căn, trong đó giá đất là 60 – 90 triệu/m2.
"Như vậy, có thể thấy rõ, tuyến đường mới xây dựng phần nhiều phục vụ chính dự án của chủ đầu tư, làm tăng giá trị bất động sản của dự án", bà Phạm Chi Lan nhận định.
Về vấn đề này, PGS., TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cũng cho rằng nếu không quản lý chặt chẽ, sẽ dẫn đến tình trạng Nhà nước thiệt còn nhà đầu tư có lợi ích kép, đó là giá đất tăng lên trong quá trình đầu tư dự án và giá đất tăng lên khi dự án đã hoàn thành.
Theo ông Thanh, cần sớm hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để khắc phục những hệ lụy của dự án BT, thậm chí, cần luật hóa, ban hành bộ luật riêng về đầu tư BT.