Alibaba đạt doanh thu hơn 38 tỷ USD trong Ngày độc thân, hàng Mỹ không bị "ghẻ lạnh"

Theo M. Hồng/thoibaonganhang.vn

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã lập kỷ lục doanh số vào Ngày độc thân (11/11), sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới kéo dài trong 24 giờ.

Tổng giá trị hàng hóa bán ra đạt 12,01 tỷ USD chỉ trong giờ đầu tiên chương trình được triển khai.
Tổng giá trị hàng hóa bán ra đạt 12,01 tỷ USD chỉ trong giờ đầu tiên chương trình được triển khai.

Tổng giá trị hàng hóa - doanh số bán hàng trên các nền tảng mua sắm của Alibaba - đã vượt qua kỷ lục 213,5 tỷ nhân dân tệ của năm ngoái (gần 30,5 tỷ USD) ngay chiều hôm qua theo giờ địa phương và tiếp tục tăng trong suốt phần còn lại của ngày.

Kết thúc sự kiện, tổng giá trị hàng hóa đứng ở mức 268,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 38,3 tỷ đô la), tăng 26% so với cùng ngày năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng này là thấp hơn Ngày độc thân 2018 (tăng 27% so với Ngày độc thân năm 2017).

Đây là lần thứ 11 sự kiện Ngày độc thân thường niên được tổ chức - còn được gọi là lễ hội mua sắm “Double 11” vì diễn ra vào ngày 11/11. Trong khoảng thời gian 24 giờ, bắt đầu vào lúc nửa đêm, Alibaba đã giảm giá rất lớn các mặt hàng trên khắp các trang web thương mại điện tử như Tmall.

Doanh số bán hàng của Ngày độc thân của Alibaba năm ngoái đã vượt quá chi tiêu của người tiêu dùng trong bất kỳ ngày lễ mua sắm nào ở Mỹ như Thứ sáu đen hoặc Thứ hai điện tử.

Để giúp tăng doanh số, Alibaba có trụ sở tại Hàng Châu đã mở rộng số lượng mặt hàng giảm giá trong sự kiện năm nay và tăng cường phát video bán hàng trực tuyến (livestreaming) thông qua các nền tảng của mình để thúc đẩy bán hàng. Livestreaming đang trở thành một phần quan trọng cung cấp các trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng trên các trang thương mại điện tử Trung Quốc.

Người giới thiệu sản phẩm trực tuyến thường nói chuyện với những người theo dõi họ và nói các sản phẩm là tốt. Vào thứ Tư, Kim Kardashian đã thực hiện một buổi livestream thông báo nhãn hiệu nước hoa KKW của cô sẽ được bán trên Tmall.

Kỷ lục mới về doanh số của Alibaba đạt được trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp và cạnh tranh gay gắt ở trong nước. Trong khi Alibaba là cái tên thường được nhắc đến với sự kiện mua sắm lớn này thì các đối thủ cạnh tranh như JD.com và Pinduoduo cũng có cách để tăng doanh số. JD.com đã tiến hành một đợt giảm giá hàng hóa cho sự kiện “Double 11” nhưng tổ chức trước ngày 11/11. Ngay cả các nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á cũng nhảy vào sự kiện thu hút người mua sắm này.

Alibaba khởi đầu lễ hội mua sắm 11/11 với doanh thu tăng mạnh mẽ. Tổng giá trị hàng hóa bán ra đạt 12,01 tỷ USD chỉ trong giờ đầu tiên chương trình được triển khai. Trong vòng một tiếng rưỡi, doanh số bán hàng của Alibaba đã vượt quá tổng số đạt được vào Ngày độc thân năm 2016.

Một số sản phẩm bán chạy nhất vào đầu ngày bao gồm phiên bản 5G của điện thoại thông minh Huawei, Mate Mate 30 Pro, cũng như iPhone 11 Pro và Pro Max của Apple.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, có một số lo ngại rằng các thương hiệu Mỹ có thể bị người tiêu dùng Trung Quốc “ghẻ lạnh”. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Mỹ là quốc gia thứ hai chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị hàng hóa bán được trong ngày này.

Jacob Cooke, CEO của WPIC, một công ty tiếp thị và công nghệ thương mại điện tử giúp các thương hiệu nước ngoài bán hàng tại Trung Quốc, nói với CNBC rằng trang sức và may mặc là các loại sản phẩm phổ biến nhất từ ​​các nhà bán lẻ Mỹ bán tại sự kiện.

Ông cũng cho biết mọi hàng hóa mà công ty của ông quản lý “đều tăng doanh số so với năm ngoái”.

“Không có biểu hiện suy thoái nào ở đây. Không có bằng chứng cho thấy sự suy giảm tình cảm đối với các thương hiệu Mỹ”, Cooke nói.