Ấn Độ cân nhắc gia hạn lệnh cấm xuất khẩu lúa mì
Nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này đang xem xét mở rộng lệnh cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới tìm cách bổ sung dự trữ nhà nước và hạ giá trong nước.
Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì hiện nay dự kiến sẽ được xem xét vào tháng 4. Các quan chức cấp cao tại các Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thương mại có thể sẽ đưa ra quyết định về việc gia hạn lệnh cấm này vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4.
Các nguồn tin cho biết Chính phủ Ấn Độ dự kiến phải đến giữa năm 2024 hoạt động xuất khẩu lúa mì mới được nối lại.
Xuất khẩu tăng vọt sau khi xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2022 đẩy giá lúa mì trong nước tăng cao khiến Ấn Độ phải đưa ra lệnh cấm xuất khẩu vào tháng 5/2022, tuy nhiên việc này không ngăn được giá lúa mì trong nước tăng do nhiệt độ tăng đột ngột ảnh hưởng đến sản lượng hồi năm ngoái.
Mặc dù mùa vụ mới có vẻ đầy hứa hẹn nhưng thời tiết ấm hơn so với bình thường vào tháng 3 khi nông dân bắt đầu thu hoạch, vẫn có thể khiến vụ mùa bị thu hẹp.
Năm ngoái, lượng mua lúa mì của Chính phủ Ấn Độ giảm 53% xuống còn 18,8 triệu tấn, do giá thị trường mở tăng cao hơn mức mà Chính phủ đề xuất mua lương thực từ nông dân trong nước. Chính phủ mua gạo và lúa mì từ nông dân với giá do nhà nước quy định nhằm thực hiện chương trình phúc lợi lương thực lớn nhất thế giới.
“Ưu tiên hàng đầu là xây dựng kho dự trữ và giảm giá. Trọng tâm là mua càng nhiều càng tốt từ nông dân từ vụ mùa hiện tại và xây dựng kho dự trữ lúa mì", một nguồn tin Chính phủ cho biết.
Dự trữ lúa mì tại các kho của Chính phủ Ấn Độ đã giảm 47,9% xuống 17,2 triệu tấn vào ngày 1/1 vừa qua, mức thấp nhất trong tháng trong vòng 6 năm.
Năm 2023, Ấn Độ dự kiến thu hoạch kỷ lục 112 triệu tấn lúa mì. Nhu cầu lúa mì địa phương của Ấn Độ ước tính khoảng 105 triệu tấn và các thương nhân ước tính sản lượng năm ngoái giảm xuống còn khoảng 95 triệu tấn, dẫn đến giá cao kỷ lục.
Trước đó, ngày 13/5/2022, Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh dừng xuất khẩu lúa mì nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Theo đó, tất cả các thương vụ xuất khẩu lúa mì kể từ thời điểm ban hành lệnh cấm phải có sự cho phép của Chính phủ. Tuy nhiên, lệnh cấm không can thiệp vào các thỏa thuận xuất khẩu có từ trước.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal cho rằng, lệnh cấm xuất khẩu của nước này sẽ không ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá quyết định của New Delhi vẫn khiến giá lúa mì leo thang, gây nguy cơ mất an ninh lương thực, trong bối cảnh thị trường hàng nông sản toàn cầu đang chịu sức ép lớn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine./.