Ấn Độ cấm xuất khẩu tấm, cơ hội cho lúa gạo Việt tăng tốc

Theo Lục Tùng/laodong.vn

Việc Ấn Độ ban lệnh cấm xuất khẩu tấm (gạo tấm) được xem như cơ hội cho lúa gạo Việt Nam tăng tốc.

Đầu tháng 9/2022, Ấn Độ ban bố lệnh cấm xuất khẩu tấm. Theo các chuyên gia, đây được xem như cơ hội để lập lại mặt bằng giá mới trên thị trường lúa gạo thế giới.

ThS. Nguyễn Phước Tuyên - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp, cho biết, bên cạnh vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đặc biệt niên vụ 2022-2023 Ấn Độ lại trúng mùa kỷ lục với dự báo đạt trên 130 triệu tấn, tăng gần 130 triệu tấn so niên vụ trước... Vì thế, việc quốc gia này cấm xuất khẩu tấm sẽ tác động lớn đến thị trường gạo thế giới.

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu tấm vào hồi đầu tháng 9.2022 được xem là cơ hội để lập mặt bằng giá mới cho thị trường lúa gạo thế giới.
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu tấm vào hồi đầu tháng 9.2022 được xem là cơ hội để lập mặt bằng giá mới cho thị trường lúa gạo thế giới.

Trước hết, là giảm áp lực để Việt Nam “thua trên sân nhà”. Số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập trên 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ, trong đó tấm chiếm tỷ lệ 60%, chủ yếu để phục vụ cho việc làm thức ăn chăn nuôi và chế biến. Đặc biệt là việc chế biến liên quan đến ngành bột, vì tấm và gạo bình dân của Ấn Độ có tỷ lệ Amylose (tinh bột) rất cao, nên lượng thu hồi bột cao.

Bên cạnh đó, việc cấm xuất khẩu tấm của Ấn Độ cũng ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc – khách hàng lớn của lúa gạo Việt Nam. Theo số liệu nhiều năm qua cho thấy, bình quân mỗi năm quốc gia này nhập khẩu tấm của Ấn Độ trên 2 triệu tấn tấm để phục vụ cho ngành chăn nuôi.

Theo nhiều chuyên gia, cơ hội để giá lúa gạo tăng tốc theo hướng có lợi cho người trồng lúa đang lớn dần.
Theo nhiều chuyên gia, cơ hội để giá lúa gạo tăng tốc theo hướng có lợi cho người trồng lúa đang lớn dần.

Vì thế, khi bị mất nguồn cung truyền thống, Trung Quốc sẽ chuyển hướng nhà cung cấp để bù đắp.

Với lợi thế địa lý và có nhiều giống lúa có hàm lượng tinh bột cao, giá bình dân, Việt Nam có cơ hội lớn là lựa chọn thay thế chủ chốt. Chỉ tính riêng 2 thị trường này, đã lên đến 3 triệu tấn tấm. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, những cơ hội này sẽ thúc đẩy giá gạo Việt Nam tăng. Điều này không chỉ mở rộng thị trường cho lúa gạo, mà còn nhiều khả năng kéo giá lúa trong nước tăng lên, theo hướng có lợi cho người trồng lúa.