Ấn Độ muốn hợp tác nhiều hơn với Việt Nam
Trong thời kỳ kinh tế như hiện nay, có rất nhiều thuận lợi để Ấn Độ tăng cường đầu tư, hợp tác với Việt Nam. Ấn Độ đang đẩy mạnh chính sách Hành động hướng Đông để thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, thương mại, đầu tư toàn diện… giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Năm 2015, trị giá xuất khẩu (XK) hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang thị trường Ấn Độ đạt gần 2,1 tỷ USD, tăng 0,43% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu (NK) vào Việt Nam có xuất xứ từ Ấn Độ đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 1,6% tỷ trọng trong tổng NK của Việt Nam.
Các mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ là điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, than đá, cao su, quặng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất… Ngược lại, các DN nước ta NK dược phẩm, thức ăn gia súc, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất… từ Ấn Độ.
Nhiều triển vọng hợp tác, đầu tư
Đến nay, Ấn Độ có 84 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 285 triệu USD. Đầu tư của Ấn Độ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến nông sản và thực phẩm.
Khi tham gia TPP, Việt Nam được xem là nước có nhiều lợi thế nhất, qua đó, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) và GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 68 tỷ USD và 36 tỷ USD vào năm 2025. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG) có tác động tích cực đến KNXK nhiều mặt hàng của Việt Nam.
Việt Nam được hưởng đầy đủ ưu đãi từ cam kết giảm thuế của Ấn Độ và các nước ASEAN. Trong danh mục giảm thuế thông thường của Việt Nam gồm 80% số dòng thuế sẽ giảm xuống còn 0% bắt đầu từ ngày 31/12/2017. Trong đó, 9% tổng số dòng thuế được Ấn Độ linh hoạt giảm xuống 0% từ 31/12/2020.
Riêng với Ấn Độ, Việt Nam ưu tiên kêu gọi hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực: khoa học công nghệ, tài chính tín dụng, đặc biệt là công nghệ thông tin, tài chính viễn thông, năng lượng tái tạo.
Việt Nam đang xác định thương mại và đầu tư là một mục tiêu chiến lược, phấn đấu, kim ngạch thương mại giữa hai nước vào năm tài khóa 2015 - 2016 đạt 7,83 tỷ USD và đưa mục tiêu kim ngạch thương mại hai nước lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020.
Ông Parvathaneni Harish - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết: “Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam hiện là 1,1 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên đáng kể khi Việt Nam đang tích cực đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế. Hiện, Việt Nam đã trở thành một nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á, trở thành nước XK gạo và một số sản phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Ấn Độ đã công bố khoản tín dụng 1 tỷ USD cho việc kết nối vật lý và kỹ thuật số giữa Ấn Độ và ASEAN, chúng tôi khuyến khích các đối tác ASEAN sử dụng khoản tín dụng này”.
Chủ động hợp tác
Ông Tôn Sinh Thành - Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết: “Cùng với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, việc hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến các nước chưa tham gia, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ phải tìm cách thúc đẩy đàm phán các Hiệp định khác, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEV) để không bỏ lỡ cơ hội từ việc tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các hiệp định này đang mang lại nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho Việt Nam cũng như thúc đẩy Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam”.
Hiện, lĩnh vực năng lượng - khai thác dầu khí được coi là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của Việt Nam: Năm 2015, ngành dầu khí đóng góp 115,1 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước (chiếm 17% GDP). Trong khi đó, dầu khí lại là điểm yếu của Ấn Độ, khi Ấn Độ phải phụ thuộc 70% lượng dầu khí vào các nước Trung Đông. Nhưng hiện nay, giá giầu thế giới đang giảm mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ấn Độ.
Ở Việt Nam, Ấn Độ đang tích cực đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú II, với sản lượng 1.329MW, do tập đoàn TATA xây dựng với khoản đầu tư lên 2,2 tỷ USD. Cùng với đó, Ấn Độ đang mong đợi mở rộng lĩnh vực đầu tư dầu khí của tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh tại lô thăm dò ngoài khơi của Việt Nam.
Không giàu có về mặt dầu khí, nhưng với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm tài khóa 2015 - 2016 đạt 7,6%, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành “nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới”. Cùng với nền tảng phát triển tốt, nhiều lợi thế về “sức mạnh mềm” chiếm 1/3 thế giới và chú trọng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo được cho là bước đi lâu dài, bền vững của Ấn Độ.
“Đối với Việt Nam, ngành năng lượng tái tạo có nhiều tiềm năng để phát triển. Để làm tốt, các bạn hãy bắt đầu từ việc vận động người dân chuyển sang sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện - LED trên toàn quốc, hay thay thế các bóng đèn chiếu sáng đường phố bằng toàn bộ bóng đèn tiết kiệm điện”, Đại sứ Ấn Độ đưa ra lời khuyên.
Ông Parvathaneni Harish cũng cho biết, sử dụng bóng đèn tiết kiệm là một trong những chính sách trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tích cực và đầy tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khi đặt mục tiêu sản xuất 175 giga oat điện (GW) từ năng lượng mặt trời vào năm 2020, trong đó có 100 GW từ năng lượng mặt trời và 60 GW điện từ sức gió.
Trong bối cảnh hiện nay, để thu hút đầu tư, Việt Nam cần phát huy vai trò điều phối viên quan hệ Ấn Độ - ASEAN trong giai đoạn 2015 - 2018 để có thêm nhiều sáng kiến và khẳng định vai trò của mình cũng như chủ động tham gia các sáng kiến kết nối kinh tế, khoa học; đồng thời thúc đẩy việc triển khai FTA về hàng hóa giữa Ấn Độ và các nước ASEAN.
“Việt Nam cần tích cực và chủ động gặp gỡ các DN, các đối tác. Hãy tận dụng những thế mạnh của Ấn Độ về Khoa học - Công nghệ nhằm tranh thủ những thành tựu to lớn mà Ấn Độ đã đạt được trong nhiều lĩnh vực như: IT, hàng không vũ trụ, hạt nhân, y học, công nghệ sinh học… để khẳng định mình”, ông Tôn Sinh Thành kết luận.