An sinh xã hội: Bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động

Theo Dương Cầm/daibieunhandan.vn

Theo Ban Sổ - Thẻ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, việc bàn giao sổ BHXH nhằm minh bạch thông tin về quá trình đóng BHXH, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, tránh trường hợp doanh nghiệp giữ sổ BHXH của người lao động khi xảy ra tranh chấp lao động, gây khó khăn phức tạp cho cả cơ quan BHXH và người lao động trong quá trình giải quyết các chế độ BHXH.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bàn giao sổ cho hơn 14 triệu người

BHXH Việt Nam cho biết, năm 2018, đã cơ bản hoàn thành công tác bàn giao sổ BHXH cho trên 14 triệu người đang tham gia BHXH. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đã rà soát, chuẩn hóa và quản lý tập trung dữ liệu về quá trình tham gia, thụ hưởng BHXH của trên 14 triệu người lao động đang tham gia BHXH.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc bàn giao sổ BHXH mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực như người lao động chủ động hơn trong việc quản lý quá trình đóng - hưởng của bản thân; tham gia giám sát việc người sử dụng lao động và cơ quan BHXH thực hiện pháp luật BHXH cho mình. Từ đó, góp phần ngăn ngừa tình trạng người lao động bị trích trừ tiền lương để đóng BHXH nhưng chủ sử dụng lao động không nộp tiền về cơ quan BHXH, trốn trách nhiệm đóng thuộc chủ sử dụng và phần đóng của người lao động mà họ không biết.

Bên cạnh đó, việc người lao động được tự quản lý sổ BHXH của mình khi nghỉ việc sẽ kịp thời được giải quyết chế độ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp hoặc có ngay sổ BHXH để tiếp tục tham gia, cộng nối quá trình đóng BHXH khi chuyển sang làm việc tại đơn vị khác. Mặt khác, người sử dụng lao động tiết kiệm được chi phí, thời gian và nhân lực làm công tác quản lý sổ BHXH..

Khẳng định việc trao sổ BHXH cho người lao động quản lý là bước đầu thực hiện cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu về toàn bộ quá trình tham gia BHXH của người lao động đã được cơ quan BHXH nhập liệu vào hệ thống dữ liệu điện tử và liên tục cập nhật, bảo đảm việc cấp lại sổ BHXH một cách thuận tiện nhất trong trường hợp sổ BHXH bị hỏng hoặc thất lạc. 

Tại một số địa phương việc nhập dữ liệu và bàn giao trả sổ BHXH cho người lao động cũng được thực hiện có hiệu quả. Đơn cử như BHXH Hà Nội đã nhập dữ liệu, bàn giao trả sổ được 1.861.571 sổ BHXH (bao gồm cả sổ BHXH đã rà soát năm 2017, các trường hợp nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động, giải quyết BHXH 1 lần...), đạt 99,78% kế hoạch, cơ bản hoàn thành việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH. 

Vẫn còn vướng mắc

Mặc dù vậy, trong quá trình bàn giao sổ BHXH cho người lao động, tại một số địa phương cũng xảy ra tình trạng sổ BHXH vẫn chưa có người nhận. Lý giải về nguyên nhân của tình trạng trên, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, một số đơn vị sử dụng lao động chưa chuyển lại mẫu kê khai, rà soát về cơ quan BHXH do người lao động làm việc ở nhiều địa bàn, thường xuyên di chuyển nên chưa thu hồi được. Hoặc cũng có người lao động không đồng ý ký vào mẫu kê khai, rà soát…

Đây không phải là tình trạng cá biệt mà đã diễn ra ở nhiều nơi. Tại một số địa phương, cơ quan BHXH ủy quyền cho bưu điện trả sổ cho doanh nghiệp. Cũng có tình trạng người lao động không muốn nhận, sợ mất, nên lại gửi doanh nghiệp giữ. Vì vậy, sổ BHXH đến tận tay người lao động có thể chưa đạt tỷ lệ cao. 

Trước tình trạng một số người lao động cầm cố sổ BHXH, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Ðình Quảng cho rằng, tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và nguyên nhân xuất phát từ việc đời sống người lao động còn nhiều khó khăn. Không chỉ cầm cố sổ, tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng người lao động bán trợ cấp một lần sau khi thôi việc bằng cách ủy quyền nhận trợ cấp một lần.

Đại diện Ban Sổ - Thẻ, BHXH Việt Nam cho biết, việc cầm cố sổ BHXH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động cũng như người nhận cầm cố và cả cơ quan BHXH, doanh nghiệp có người tham gia BHXH. Hơn nữa, việc người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ BHXH và người nhận cầm cố sổ BHXH. Nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ, cơ quan BHXH sẽ không cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp này.

Đối với trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan BHXH phát hiện, người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với hành vi kê khai không đúng sự thật.