Thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Từ hôm nay, Thông tư 39/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, chính thức có hiệu lực thi hành. Không ít chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ “kích thích” người dân tham gia BHYT.
Không thay đổi cơ cấu giá
So với các quy định hiện hành, Thông tư 39 không thay đổi cơ cấu giá khám, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1,15 triệu đồng sang mức 1,39 triệu đồng. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho biết, từ thời điểm 15/1, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp giá cho hơn 1.900 dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở mới. So với quy định hiện nay, mức giá điều chỉnh tăng bình quân 3,23%, trong đó giá khám bệnh, giường/ngày tăng bình quân 11,1%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3,01%.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tăng giá lần này không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng... vì được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100%.
Đối với người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5% (trong khi tỷ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 3,23%) nên mức độ tác động không đáng kể. Với trường hợp có thẻ BHYT, phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả chỉ tăng bình quân 3,23% trong số đồng chi trả 20% đó.
Ngoài ra, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở (hơn 8,3 triệu đồng). Điều này sẽ bảo đảm cho người bệnh không phải chịu gánh nặng quá lớn về tài chính nếu như bị trọng bệnh.
“Việc tính đúng, tính đủ của giá viện phí như hiện nay sẽ giúp người dân không phải mua vật tư y tế bên ngoài, do đó, nếu có thẻ BHYT, người dân sẽ được bảo hiểm về kinh tế nếu như bị bệnh” - Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên khẳng định.
Trước đó, tháng 7/2018, Bộ Y tế đã giảm giá 70/88 dịch vụ với mức từ 6% - 24%, sau khi BHXH và Bộ Y tế đã khảo sát và nhận định các dịch vụ y tế này chưa tính đúng, tính đủ, tính sát với sử dụng thực tế. Với mức tăng viện phí lần này, nhiều dịch vụ y tế cũng “chưa bằng” giá trước tháng 7/2018.
Ông Nguyễn Nam Liên thông tin thêm, theo lộ trình, cuối năm 2019, viện phí sẽ tiếp tục được tính thêm chi phí quản lý và tùy tình hình cân đối Quỹ BHYT, viện phí có thể sẽ được tăng hàng năm theo lương cơ sở, bên cạnh đó căn cứ vào nhu cầu sử dụng dịch vụ thực tế, viện phí sẽ được điều chỉnh giảm phù hợp.
Kích thích người dân tham gia BHYT
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, hiện cả nước có gần 83 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ trên 87% dân số; khoảng 13% dân số còn lại chưa tham gia. Trong đó, không ít đối tượng là những hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có thu nhập theo mùa vụ chưa tham gia BHYT. Đây là đối tượng sẽ gặp nhiều khó khăn khi giá viện phí được điều chỉnh.
“Với những người tự chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh thì viện phí mới được tính đủ các chi phí trực tiếp và tính cả lương nhân viên y tế chắc chắn sẽ trở thành gánh nặng, nhất là với những gia đình chẳng may có người thân mắc bệnh hiểm nghèo” - Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên nhận định.
Theo tính toán của các chuyên gia, có những dịch vụ người không thẻ BHYT sẽ phải chi trả tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng cho một dịch vụ. Đơn cử, với dịch vụ PET/CT, nếu người bệnh có BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán một phần theo quy định (tối đa 80%), ngược lại, nếu không có thẻ BHYT, phải tự thanh toán 20,5 triệu đồng.
Hay với dịch vụ chụp CT Scanner toàn thân từ 256 dãy không thuốc cản quang, người bệnh không có thẻ BHYT phải trả tới 6,6 triệu đồng. Ngay với chi phí giường bệnh, việc nằm hồi sức tích cực vài chục ngày sẽ khiến người bệnh không có thẻ BHYT phải chịu chi phí lên tới chục triệu đồng.
Chưa kể, những bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như điều trị ung thư hay thực hiện các kỹ thuật cao trong điều trị mà không có BHYT thì chi phí rất lớn, từ hơn 7 triệu đồng đến hơn 28 triệu đồng/dịch vụ; một số phẫu thuật khác thường gặp từ 2,5 triệu đồng - 5,9 triệu đồng; một số phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý về gan mật, lồng ngực, tiêu hóa, ổ bụng cũng lên tới 80 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng/dịch vụ.
Trước việc viện phí tăng, người dân thường băn khoăn về việc tăng viện phí liệu có tăng chất lượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định, dù tăng giá hay không tăng thì bệnh viện vẫn luôn cải tiến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Với cơ chế tự chủ hiện nay thì chất lượng dịch vụ là vấn đề sống còn của các bệnh viện.