Ẩn số giá dầu và cổ phiếu dầu khí

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Thị trường dầu hôm 27/8 đã phục hồi mạnh, với giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng vọt hơn 3,4% sau thông tin sản lượng của các nhà sản xuất dầu thuộc nhóm OPEC sụt giảm đáng kể trong tháng 7, cũng như trước tình trạng nguồn cung dầu tại Mỹ suy yếu.

Mở cửa đầu ngày tại 53,77 USD/ thùng, hợp đồng kỳ hạn dầu thô WTI duy trì đà đi lên mạnh mẽ trong ngày và đóng cửa tại 55,61 USD/ thùng, tức tăng 1,84 USD, tương đương 3,4%. Tính từ mức đáy gần nhất tại 50,52 USD/ thùng vào ngày 07/8, giá dầu WTI của Mỹ đã tăng hơn 10% chỉ trong vòng  3 tuần qua.

Hợp đồng kỳ hạn dầu Brent cũng có xu hướng đi lên tích cực khi tăng gần 2,3% lên 59,6 USD/ thùng. Tính từ mức đáy ngày 07/8 tại 55,88 USD/ thùng, gía dầu Brent cũng đã phục hồi được gần 6,7%.

Chất xúc tác thúc đẩy thị trường dầu vọt mạnh vào hôm qua đến từ dữ liệu của Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung (JMMC) của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố vào hôm qua cho biết mức độ tuân thủ sản lượng đã cam kết trong tháng 7 của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC là 159%, tỷ lệ cam kết cao nhất hàng tháng từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, thị trường càng đi lên mạnh mẽ sau khi dữ liệu công bố từ Viện xăng dầu Mỹ (API) cho thấy nguồn cung dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/8 đã giảm đến 11,1 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự báo. Hiện tại các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi dữ liệu chính thức từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố vào hôm nay, mà theo dự báo của các nhà phân tích cũng sẽ chứng kiến sự sụt giảm 4,7 triệu thùng trong tuần trước.

Diễn biến khởi sắc trên thị trường dầu mỏ trong 3 tuần qua đã hỗ trợ rất nhiều cho cổ phiếu nhóm năng lượng. Cổ phiếu Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE:PVD) đã có 7 phiên tăng trong 9 phiên gần đây. Cụ thể tính từ mức thấp ở 15.250 đồng/cp vào ngày 15/8, chỉ trong gần 2 tuần qua giá cổ phiếu PVD đã tăng hơn 23%, chạm mức cao nhất tại 18.850 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 27/8.

Tuy nhiên, đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn có sự phân hóa. Ngược với PVD, cổ phiếu một ông lớn khác trong ngành dầu khí là Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX:PVS) sau khi chạm mức cao nhất ở 21.800 đồng/cp vào ngày 22/8, đánh dấu mức tăng 10% so với mức đáy ngày 15/8, thì kể từ đó đến nay đang điều chỉnh trở lại. Dù vậy, trước diễn biến giá dầu phục hồi mạnh vào hôm qua, nhóm cổ phiếu dầu khí được kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đi lên.

Trong khi đó, cổ phiếu Tổng CTCP Vận tải dầu khí (HOSE:PVT) cũng thể hiện đà tăng tích cực thời gian qua. Tính từ ngày 23/7 đến ngày 20/8, giá cổ phiếu PVT đã tăng gần 19%, trước khi có dấu hiệu điều chỉnh trở lại trong 4 phiên vừa qua khi chạm kháng cự tại vùng 18.500 đồng/cp. 

Sự đi lên của cổ phiếu PVT thời gian qua chủ yếu đến từ sóng ngành đang diễn ra ở nhóm cổ phiếu Logistic hơn là do diễn biến giá dầu, cũng như trước kết quả kinh doanh tích cực 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể kết quả kinh doanh bán niên cho thấy lợi nhuận sau thuế của PVT đã đạt 437 tỷ đồng, vượt 105% kế hoạch 400 tỷ đề ra cho năm nay. Ngày 13/8 vừa qua PVT cũng vừa chia cổ tức 10% cho cổ đông.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ và Iran không có dấu hiệu hạ nhiệt và khả năng chưa có các cuộc đàm phán tháo gỡ, giá dầu có thể tiếp tục được hỗ trợ khi xuất khẩu dầu của Iran bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước lệnh cấm vận của Mỹ. Dù vậy hôm thứ 2 đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Pháp tuyên bố rằng ông sẵn sàng có cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani để giải quyết những căng thẳng. Do đó, giá dầu cũng như diễn biến giá của nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ là ẩn số khó lường từ nay đến cuối năm, trước tình hình địa chính trị khó dự đoán.