Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được MSCI nâng hạng trong 18 - 24 tháng tới

Tuấn Thủy

Thị trường chứng khoán có cơ hội lớn được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tháng 9/2025 theo tiêu chí của FTSE và có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của MSCI trong vòng 2 năm tới.

Việt Nam có cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chí của MSCI.
Việt Nam có cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chí của MSCI.

Đích đến mới nổi: Việt Nam đứng trước cơ hội lớn từ MSCI

Tại Tọa đàm Lực đẩy dòng vốn mới do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức, bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital đánh giá, Việt Nam đang tiến rất gần đến việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nâng hạng từ FTSE. Khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong tháng 9/2025 này là rất cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam hoàn toàn có khả năng được đưa vào danh sách theo dõi của công ty tài chính toàn cầu MSCI trong khoảng 2 năm tới. Đây sẽ là bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược, mở cánh cửa thu hút dòng vốn đầu tư tổ chức quy mô lớn và đưa thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, ổn định và bền vững hơn.

Theo đại diện Dragon Capital, nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ là sự công nhận của tổ chức xếp hạng quốc tế mà còn là kết quả tích lũy của nhiều năm cải cách thể chế, hiện đại hóa hạ tầng và nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, cởi mở. Với quyết tâm chính trị rõ ràng và sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Chính trị, Chính phủ cho đến các cơ quan quản lý, Việt Nam đang từng bước chuyển hóa mục tiêu nâng hạng thành chương trình hành động cụ thể và nhất quán.

Bà Minh cho rằng, 3 trụ cột chính trong lộ trình nâng hạng được xác định gồm: Cải cách thể chế và pháp lý; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài; và chủ động kết nối, trao đổi với các tổ chức xếp hạng như MSCI và FTSE Russell. Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã đáp ứng tương đối tốt nhiều tiêu chí định lượng của MSCI, trong đó bao gồm quy mô, thanh khoản và số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện.

“Chúng tôi tin rằng, nếu tiến trình cải cách tiếp tục được đẩy mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nâng hạng MSCI trong vòng 18 đến 24 tháng tới. Đây sẽ là một trong những cú hích quan trọng nhất để thị trường thu hút dòng vốn dài hạn và cải thiện mạnh mẽ chất lượng đầu tư,” bà Minh nhấn mạnh.

Thị trường chứng khoán sẽ là kênh dẫn vốn chiến lược giai đoạn tới

Việc Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI sẽ đưa thị trường chứng khoán tiếp cận dòng vốn thụ động từ các quỹ chỉ số hàng chục tỷ USD, đồng thời gia tăng sự quan tâm của các quỹ chủ động quy mô toàn cầu. Đây được xem là yếu tố “nền” giúp cải thiện thanh khoản bền vững và hỗ trợ định giá thị trường ở mức hợp lý hơn trong trung hạn.

Theo Dragon Capital, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 10%/năm và đưa đầu tư phát triển lên mức 30–40% GDP, thị trường chứng khoán đóng vai trò then chốt trong việc khơi thông nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã mở đường cho hàng loạt doanh nghiệp trong nước vươn lên quy mô lớn hơn, từng bước hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những doanh nghiệp này rất cần thị trường chứng khoán làm nền tảng để mở rộng vốn hóa và tiếp cận dòng vốn chiến lược.

Đáng chú ý, giai đoạn 2026-2027 được dự báo sẽ chứng kiến làn sóng IPO lớn từ các doanh nghiệp đầu ngành. Đây chính là chất xúc tác quan trọng để nâng quy mô và chất lượng thị trường, đồng thời đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn từ các tổ chức xếp hạng quốc tế. Song song, việc Việt Nam ký kết thỏa thuận thuế quan với Hoa Kỳ trong thời gian qua cũng đã giúp loại bỏ rủi ro lớn nhất đối với dòng vốn ngoại, tạo nền tảng vững chắc cho triển vọng 3–5 năm tới và xa hơn.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nâng hạng MSCI, thị trường chứng khoán Việt Nam cần tiếp tục cải thiện một số điểm như: tăng cường minh bạch thông tin, chuẩn hóa báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết và đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư. Trong đó, việc thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức và chuyển hóa hành vi của nhà đầu tư cá nhân từ ngắn hạn sang trung và dài hạn là yếu tố then chốt.

Theo lộ trình của Chính phủ, đến năm 2030, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt 120% GDP – tăng gần gấp đôi so với mức hiện tại. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài việc nâng hạng, thị trường cần tiếp tục mở rộng nền tảng niêm yết, phát triển sản phẩm mới, hoàn thiện hạ tầng giao dịch và cơ chế thanh toán, đồng thời thúc đẩy kết nối với các thị trường tài chính quốc tế.

“Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn phát triển mang tính bản lề. Việc được nâng hạng trong thời gian tới sẽ là bước tiến chiến lược để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn chủ lực cho nền kinh tế, đồng thời nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu,” bà Minh khẳng định.