Ảnh hưởng của các nhân tố đào tạo đại học đến ý định khởi nghiệp của sinh viên
Trên thế giới và Việt Nam, có rất nhiều tác giả đã nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Để có góc nhìn tổng thể về vấn đề này, tác giả trích lọc và trình bày một số nghiên cứu liên quan đến các vấn đề về nghiên cứu khoa học; từ đó đánh giá sự ảnh hưởng của các nhân tố của đào tạo đại học đến ý định khởi nghiệp của sinh viên và đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả đối với hoạt động đào tạo và học tập tại các trường đại học.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên hiện nay, bao gồm: (i) Môi trường giáo dục; (ii) Nguồn vốn; (iii) Ý kiến người xung quanh; (iv) Đam mê; (v) Thái độ. Kết quả này tương thích với 5 nhóm nhân tố được đề xuất trong mô hình nghiên cứu ban đầu.
Giới thiệu
Khởi nghiệp (Startup) là thuật ngữ nói về những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung, nghĩa hẹp chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp.
Qua quá trình tìm hiểu các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã được công bố có liên quan tương đối đến đề tài, cho thấy: Thứ nhất, hầu hết các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đều nêu thực trạng về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu ngoài nước chỉ nêu các nhân tố ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp; Thứ hai, các nghiên cứu thực nghiệm chủ yếu tập trung ở các tổ chức kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân; Thứ ba, tác nhân chính tác động đến ý định khởi nghiệp là nhân tố tâm lý, chưa đánh giá được tính khách quan.
Trên quan điểm kế thừa, phát triển những công trình nghiên cứu trước đây, bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng quyết định đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Nhằm đánh giá đúng đắn ý định khởi nghiệp, bài viết xem xét các nhân tố ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đào tạo đại học đến ý định khởi nghiệp của sinh viên; Trong đó, các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên được đề xuất trong mô hình nghiên cứu bao gồm các nhân tố: (i) Môi trường giáo dục; (ii) Nguồn vốn; (iii) Ý kiến người xung quanh; (iv) Đam mê; (v) Thái độ.
Cơ sở nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
Các mô hình lý thuyết về hành vi dự định
Mô hình Thuyết hành động hợp lý TRA
(TRA) được xây dựng từ năm 1967 và được hiệu chỉnh mở rộng theo thời gian từ đầu những năm 70 bởi Ajzen và Fishbein (1985). Mô hình TRA cho thấy, xu hướng tiêu dùng là yếu tố dự đoán tốt nhất về hành vi tiêu dùng. Để quan tâm hơn về các yếu tố góp phần đến xu hướng mua thì xem xét hai yếu tố là thái độ và chuẩn chủ quan của khách hàng.
Trong mô hình TRA, thái độ được đo lường bằng nhận thức về các thuộc tính của sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ chú ý đến những thuộc tính mang lại các ích lợi cần thiết và có mức độ quan trọng khác nhau.
Yếu tố chuẩn chủ quan có thể được đo lường thông qua những người có liên quan đến người tiêu dùng (như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…); những người này thích hay không thích họ mua. Mức độ tác động của yếu tố chuẩn chủ quan đến xu hướng mua của người tiêu dùng phụ thuộc: (1) Mức độ ủng hộ/phản đối đối với việc mua của người tiêu dùng; (2) Động cơ của người tiêu dùng làm theo mong muốn của những người có ảnh hưởng (Fishbein và Ajzen, 1975)
Mô hình Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB)
Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) được phát triển bởi Icek Ajzen vào năm 1988. Lý thuyết đề xuất mô hình có thể đo lường hành động của con người được hướng dẫn. Nó dự đoán sự xuất hiện của một hành vi cụ thể, với điều kiện là hành vi cố ý. Ý định hành vi bị tác động bởi 3 yếu tố: thái độ, yếu tố chủ quan và cảm nhận kiểm soát (Ajzen, The Theory of Planned Behaviour)
Mô hình nghiên cứu
Trên cở sở tham khảo các đề tài trong nước và nước ngoài, tác giả tổng hợp các biến quan sát phổ biến nhất và đề xuất mô hình nghiên cứu cho đề tài. Các yếu tố được nhắc đến nhiều nhất trong các mô hình nghiên cứu ảnh hưởng đến ý định hành vi sẽ được giữ lại trong mô hình.
Cụ thể như: (1) Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp; (2) Ý kiến người xung quanh; (3) Môi trường giáo dục; (4) Nguồn vốn; (5) Sự đam mê. Ngoài ra, đối với nhóm các yếu tố ngoại vi, chỉ có 2 yếu tố “giới tính” và “tuổi” được chọn khảo sát nhằm cụ thể hóa từng cá nhân và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến việc chấp nhận triển khai hệ thống.
Như vậy, thông qua việc trình bày và bình luận các nghiên cứu liên quan trong và ngoài nước tác giả lựa chọn mô hình nghiên cứu theo lập luận như sau:
(1) Kế thừa và phát triển trên cơ sở sử dụng kết hợp có chọn lọc các lý thuyết và các nhân tố trong thang đo của các nghiên cứu đi trước, nhưng phù hợp với điều kiện tại Việt Nam và phù hợp với yêu cầu nghiên cứu của đề tài này;
(2) Xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.
Dựa trên mục tiêu nghiên cứu, bảng khảo sát và mô hình nghiên cứu của đề xuất các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên với 20 quan sát được xây dựng trong mô hình gồm 5 nhóm nhân tố, trên cơ sở lý thuyết nền đã trình bày ở trên, các giả thuyết nghiên cứu được xác định như sau:
- H1: Thái độ của sinh viên có ảnh hưởng cùng chiều với ý định khởi nghiệp của sinh viên.
- H2: Ý kiến người xung quanh có ảnh hưởng cùng chiều với ý định khởi nghiệp của sinh viên.
- H3: Môi trường giáo dục có ảnh hưởng cùng chiều với ý định khởi nghiệp của sinh viên.
- H4: Nguồn vốn có ảnh hưởng cùng chiều với ý định khởi nghiệp của sinh viên.
- H5: Sự đam mê có ảnh hưởng cùng chiều với ý định khởi nghiệp của sinh viên (khảo sát tại Trường Đai học Duy Tân).
Theo đó, phương trình hồi quy của mô hình nghiên cứu có dạng:
YDKN = β0 + β1.TD + β2.YK + β3.MT + β4.NV + β5.DM
Trong đó: (1) Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp; (2) Ý kiến người xung quanh; (3) Môi trường giáo dục; (4) Nguồn vốn; (5) Sự đam mê.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu kết hợp giữa nghiên cứu định tính với nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính được tiến hành thông qua phỏng vấn (qua email và thảo luận) 10 chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Nghiên cứu định lượng được thực hiện theo phương pháp thuận tiện, phát trực tiếp cho người được khảo sát. Số phiếu phát ra là 300 phiếu, thu về 286 phiếu hợp lệ. Thời gian khảo sát từ ngày 01/12/2020 đến ngày 31/4/2021.
Kết quả nghiên cứu
Đánh giá độ tin cậy của thang đo
Phân tích trên Phần mềm SPSS20 cho thấy, kết quả kiểm định Cronbach Alpha là đạt yêu cầu do hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0.6. Đây là điều kiện để phân tích nhân tố khám phá (EFA). Sau khi phân tích Cronbach Alpha, 20 biến được đưa vào để phân tích nhân tố EFA. Phân tích nhân tố nhằm nhóm gọn các biến quan sát ban đầu thành những nhân tố mới có ý nghĩa, đồng thời phát hiện cấu trúc tiềm ẩn giữa các khái niệm nghiên cứu (nhân tố ban đầu) theo dữ liệu thực tế nhằm hình thành những nhân tố mới có ý nghĩa sát với thực tế nghiên cứu.
Phân tích nhân tố khám phá EFA
Phân tích EFA của biến độc lập. Bảng 1 cho thấy, hệ số KMO là 0.775 (0.5 < KMO < 1). Kết quả kiểm định Bartlett’s với mức ý nghĩa Sig. là 0.000 nhỏ hơn 0.05, các biến quan sát trong tổng thể có mối tương quan với nhau và chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp.
Phân tích EFA của biến phụ thuộc. Kết quả cho thấy, hệ số KMO là 0.789 (0.5 < KMO < 1). Kết quả kiểm định Bartlett’s với mức ý nghĩa Sig. là 0.000 nhỏ hơn 0.05, các biến quan sát trong tổng thể có mối tương quan với nhau và chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp.
Mô hình có R2 = 0.423 và R2 hiệu chỉnh là 0.412. Nghĩa là, độ thích hợp của mô hình là 42,3% hay khác 41,2% là độ biến thiên của mức độ ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm được giải thích bởi 5 nhân tố ảnh hưởng, còn 58,8% được giải thích bới biến nằm ngoài mô hình chưa được đề cập.
Kiểm định mô hình hồi quy tuyến tính
Giá trị Sig. của phân tích ANOVA về sự phù hợp của mô hình hồi quy, Sig. < 0,01 có thể kết luận rằng mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thực tế. Hay nói cách khác, các biến độc lập có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc với mức độ tin cậy 99%.
Kết quả phân tích các hệ số hồi quy trong mô hình cho thấy, mức ý nghĩa của các thành phần Sig.=0,000 (nhỏ hơn 0,05), ngoại trừ nhân tố TDO có Sig=0,247>0,05 không đạt độ tin cậy. Do đó, các biến độc lập còn lại đều có tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Tất cả các thành phần đều có ý nghĩa trong mô hình và tác động cùng chiều đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, do các hệ số hồi quy đều mang dấu dương.
Phương trình hồi quy tuyến tính đa biến của nghiên cứu này có dạng:
Hồi quy chưa chuẩn hóa là:
YDKN = -3.114E-016 + 0.460MT + 0.254YK + 0.208NV + 0.318DM + e.
Hồi quy đã chuẩn hóa là:
YDKN* = 0.460MT* + 0.254YK* + 0.208NV* + 0.318DM*
Kết luận và khuyến nghị
Với mô hình lý thuyết các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên gồm 5 nhân tô: Thái độ; Ý kiến người xung quanh; Môi trường giáo dục; Nguồn vốn; Sự đam mê; Biến phụ thuộc là ý định khởi nghiệp của sinh viên. Nghiên cứu được thực hiện thông qua nghiên cứu định lượng bằng kỹ thuật điều tra sinh viên thông qua bảng câu hỏi nghiên cứu định lượng. Số mẫu thu thập để xử lý dữ liệu là 286 mẫu. Dữ liệu sau khi thu thập được phân tích bằng phần mềm xử lý thống kê SPSS 20.0
Thông qua việc tổng hợp cơ sở lý thuyết, nghiên cứu đã tổng hợp được 5 nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên: Sự đam mê, nguồn vốn, thái độ, ý kiến người xung quanh, môi trường giáo dục với 20 biến quan sát. Bằng các kỹ thuật phân tích hỗn hợp giữa định tính và định lượng, các nhân tố theo khía cạnh tiếp cận khác nhau được tiếp tục xây dựng và phát triển, gồm 20 biến độc lập, phân thành 5 thang đo. Kết quả phân tích EFA và phân tích hồi quy tuyến tính bội cho thấy, mô hình nghiên cứu có 4 nhân tố ảnh hưởng. Nhân tố “Môi trường giáo dục” là có ảnh hưởng nhiều nhất (hệ số = 0.460).
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm thúc đẩy việc phát triển ý định khởi nghiệp trong trường đại học như sau:
Một là, về môi trường giáo dục đại học. Bên cạnh việc nâng cao trang thiết bị giảng dạy, cơ sở đào tạo cần tổ chức các khóa đào tào, học tập, giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho sinh viên và đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo và ngoài nước. Xây dựng các bài giảng cung cấp thông tin, kiến thức, cập nhật tài liệu và các khóa đào tạo cho học sinh sinh viên trên hệ thống hướng nghiệp. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo cần tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; Tạo chính sách gọi vốn hỗ trợ các dự án, các ý tưởng khởi nghiệp.
Hai là, về sự đam mê. Nhóm khởi nghiệp đa số là giới trẻ và chủ yếu là sinh viên toàn quốc nói chung và sinh viên Trường Đại học Duy Tân nói riêng nên cơ sở đào tạo có thể tạo cho sinh viên tham gia các cuộc thi, sự kiện, diễn đàn liên quan đến khởi nghiệp. Vì khi tham gia, sinh viên không chỉ khám phá bản thân, nhận ra điểm mạnh, điểm yếu mà còn học hỏi từ nhiều dự án, mô hình khởi khởi nghiệp và có thể kết nối với các chuyên gia, từ đó khơi gợi mong muốn kinh doanh để được làm chủ, làm giàu.
Ba là, về nguồn vốn. Cơ sở đào tạo cần liên hệ với các doanh nghiệp để nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp. Quỹ đầu tư này ngoài việc giúp sinh viên hình thành, phát triển ý định khởi nghiệp mà còn hỗ trợ sinh viên những thông tin chính xác, đầy đủ và cần thiết về các chủ trương, chính sách pháp luật. Sau đó, các quỹ đầu tư cần cấp nguồn vốn cho những ý định khởi nghiệp mang tính khả thi, nhằm hỗ trợ tài chính trong bước đầu khởi nghiệp của sinh viên.
Cơ sở đào tạo cần liên hệ với nhà nước để có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp dưới các hình thức như cấp tín dụng lãi suất ưu dãi; chính sách miễn giảm thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho đối tượng sinh viên khơỉ nghiệp trong những năm đầu sau khi tốt nghiệp.
Bốn là, về ý kiến người xung quanh. Cơ sở đào tạo cần tạo điều kiện để sinh viên giao lưu, học hỏi để tự tin hơn về bản thân, làm việc và học tập trong môi trường có áp lực để sinh viên thích nghi.
Để ý định khởi nghiệp trong sinh viên tại Việt Nam ngày càng phát triển. Vì thế, cơ sở đào tạo cần nâng cao giảng dạy, như lập các website giải đáp thắc mắc cho sinh viên, lập các bài giảng về nhũng rủi ro, những bất cập có thể gặp trong quá trình khởi nghiệp, để sinh viên nắm rõ và chuẩn bị sẵn sàng, giúp sinh viên tự tin hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Doãn Chí Luân (2012), Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Đại học khối ngành Kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh;
2. Nguyễn Đình Thọ (2011), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, TP. Hồ Chí Minh, NXB Lao động – Xã hội;
3. Nguyễn Thu Thủy (2015), Nghiên cứu các nhân tốt ảnh hưởng đến tiềm năng khởi sự kinh doanh của sinh viên đại học, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;
4. Ajzen, I., Fishbein, M. (1975), Belief, attitude, intention and behavior: An introduction to theory and research, Reading, MA: Addison Wesley;
5. Begley, T. M, Tan, W. L. (2001), “The socio cultural environment for entrepreneurship: a comparison between East asian and Anglo- saxon countries”, Journal of international business studies, 32, pp. 537 – 547. 75;
6. Bird, B. (1988), “Implementing Entrepreneurial Ideas: The Case for Intention”, Academy of Management Review, 13, pp. 442-453.
(*) ThS. Nguyễn Lê Nhân – Trường Đại học Duy Tân.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.