Câu chuyện khởi nghiệp
Muốn khởi nghiệp thành công trước tiên cần phải học hành, lao động cho tốt bởi đây là giai đoạn rất quan trọng giúp tích lũy kiến thức và tạo dựng mối quan hệ. Một khi đã khởi nghiệp phải có mục tiêu rõ ràng, có chuyên môn sâu về lĩnh vực khởi nghiệp, phải có sự chuẩn bị tốt về sức chịu đựng (cả về tài chính lẫn sức khỏe) và sẽ tốt hơn khi chứng minh được trình độ, năng lực trước các tổ chức, cá nhân đang thành đạt để họ nhận đỡ đầu cho sự khởi nghiệp của mình.
Đó là chia sẻ chân tình của ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) xung quanh chủ đề khởi nghiệp đang được nhiều người quan tâm hiện nay, nhất là giới trẻ.
Ông Phục chia sẻ: “Một điều rất quan trọng đối với người khởi nghiệp là phải hiểu mình đang làm gì, phải biết chọn đúng thời điểm và phải biết chấp nhận mạo hiểm nữa thì mới có được thành công cao. Do đó, theo tôi tuổi đời tốt nhất nên từ 28 – 30 tuổi”.
Chia sẻ về chuyện chọn lĩnh vực thủy sản để khởi nghiệp, ông Võ Văn Phục kể: “Do trước đây ở Long An quê tôi có một doanh nghiệp thủy sản khá lớn, lương của người lao động rất cao, nên khi tốt nghiệp đại học (1994) tôi xin về làm cho một doanh nghiệp nhà nước ở Sóc Trăng với mong muốn là có thu nhập cao. Tại vì mình nghèo quá, nên hồi xưa luôn ước mơ được đi học, đi làm để có nhiều tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Cũng nhờ sự gian khổ từ nhỏ nên mình rất chịu thương, chịu khó, cộng thêm dám nghĩ, dám nói và dám làm nên cũng được lãnh đạo đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng phải mất 15 năm (năm 2009) tôi mới dám khởi nghiệp bằng việc thành lập Vinacleanfood”.
Giải thích thêm vì sao phải đợi đến 15 năm đi làm công ăn lương mới khởi nghiệp, ông Võ Văn Phục cho biết: “Thế hệ sinh viên kinh tế Trường Đại học Cần Thơ của tôi lúc đó không hề được tiếp cận với kiến thức khởi nghiệp, nên khi ra trường thì hầu hết chỉ đi làm thuê cho doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước. Tôi cũng không là ngoại lệ và vì thế phải đợi tích lũy đủ các điều kiện tôi mới dám khởi nghiệp. Đó là thời điểm năm 2009, khi Chính phủ có chương trình kích cầu sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007 - 2008, khi dự án của chúng tôi được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chọn đầu tư thông qua Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Lúc đầu cũng có vài anh em hùn vốn, nhưng do có nhiều vấn đề phát sinh nên họ thoái vốn dần. Bước ngoặt của công ty sau khởi nghiệp là khi tự mình mở được vùng nuôi vào năm 2016 và xây thêm một xưởng chế biến hàng giá trị gia tăng. Đây được xem là bước đi hơi mạo hiểm vào lúc này vì công ty chưa có nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm. Còn khi mở thêm xưởng chế biến tài chính thì không nhiều như một số công ty có nguồn gốc từ quốc doanh. Phải mất 3 năm công ty mới có đủ kinh nghiệm, tài chính và sự gan góc để hình thành được trang trại nuôi như ngày hôm nay. Nhưng bù lại, khách hàng rất ấn tượng sự đầu tư này khi toàn bộ diện tích khoảng 133ha, gồm 233 ao nuôi và ao vèo, là vùng nuôi có chứng nhận quốc tế.
Ông Phục kể tiếp: “Trong giai đoạn 2012 - 2013, công ty của tôi cũng rất lao đao, nhưng tôi vẫn kiên định đi theo con đường chất lượng bằng việc kết nối với những vùng nguyên liệu có đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc nên dù tài chính có khó khăn nhưng vẫn giữ được khách hàng. Sau đó, do có nhiều nhà máy phá sản nên khách hàng tập trung về công ty ngày càng nhiều hơn, lợi nhuận vì thế cũng ngày càng cao hơn. Hiện nay thương hiệu của công ty rất có uy tín trên thị trường, được nhiều khách hàng quan tâm”.
Sở dĩ lấy tên thủy sản sạch theo ông Võ Văn Phục là vì sau nhiều năm trong nghề nhận thấy nhu cầu thị trường, nhất là những nước giàu họ rất quan tâm đến sức khỏe, trong khi đó tình trạng thực phẩm nói chung và tôm nói riêng chưa thỏa mãn nhu cầu này. Ông Phục lý giải: “Chúng tôi lấy tên này để thu hút sự quan tâm khách hàng, thuận lợi cho công tác marketing. Nhưng phải nói là trong điều kiện Việt Nam lúc bấy giờ muốn giữ vững tiêu chí sạch này là không dễ. Cũng may là sau đó do sức ép của thị trường nên cũng có thuận lợi hơn, khi các doanh nghiệp đều phải làm theo chuẩn”.
Cũng theo ông Võ Văn Phục, khi chọn hướng đi này (thủy sản sạch), công ty cũng dự liệu rằng, sẽ có không ít khó khăn, thách thức, nhưng cũng nhìn thấy cơ hội phía trước là không nhỏ cho sự phát triển bền vững của công ty bởi nó phù hợp với xu thế tiêu dùng thế giới và giúp ngăn ngừa những rủi ro làm ảnh hưởng đến uy tín chất lượng sản phẩm của mình.
Ông Phục minh chứng: “Thực tế cho thấy, sự kiên định với mục tiêu trên từ khi khởi nghiệp đến nay, công ty đã được đền đáp xứng đáng khi có được những khách hàng uy tín, còn sản phẩm được cung cấp trực tiếp cho các nhà hàng, siêu thị lớn trên thế giới, tạo lợi thế lớn trong cạnh tranh cho công ty”.