Ảnh hưởng của ưu đãi đầu tư tới hoạt động doanh nghiệp Việt Nam
(Tài chính) Vào cuối thập kỷ 1980 và đầu những năm 1990, Việt Nam phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Nhằm thu hút vốn đầu tư từ các khu vực khác nhau của nền kinh tế, trong đó có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hàng loạt các chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành, trong đó nổi bật là các chính sách ưu đãi về thuế, về đất đai, về tiếp cận tín dụng và các chính sách ưu đãi riêng của từng địa phương.
1) Chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Theo thời gian, thuế suất thuế TNDN đã giảm từ 32% (năm 1997) xuống còn 28% (năm 2008), xuống 25% năm 2009 và xuống 22% kể từ ngày 1/1/2014. Theo lộ trình, mức thuế này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 20% vào năm 2016. Các ưu đãi về thuế TNDN được cấp cho các dự án đầu tư trong các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển khoa học và kỹ thuật, trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng đối với quốc gia và trong sản xuất phần mềm công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp mới thành lập trong khu công nghiệp hay khu chế xuất cũng được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
2) Thuế xuất nhập khẩu: Việc miễn thuế xuất nhập khẩu được áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu để gia công và được miễn thuế xuất khẩu cho cùng loại hàng hóa đó khi tái xuất. Các loại hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu để phục vụ gia công được miễn thuế xuất khẩu, ngược lại khi tái nhập khẩu các linh kiện cấu thành được miễn thuế nhập khẩu căn cứ vào giá trị xuất khẩu. Hiện tại, không còn sự phân biệt ưu đãi thuế xuất nhập khẩu giữa các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.3) Chính sách ưu đãi tài chính về đất đai: Luật Đất đai ban hành năm 2008 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài chọn hoặc (i) trả tiền thuê đất một lần hoặc (ii) trả tiền thuê đất hằng năm trong thời gian hoạt động. Các nhà đầu tư được hưởng lợi từ việc miễn tiền thuê đất và mặt nước đối với các dự án cả trong (i) thời gian xây dựng dự án được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt và trong (ii) các lĩnh vực được hưởng khuyến khích đặc biệt và đầu tư tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
4) Chính sách tín dụng: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vay tiền từ các ngân hàng Việt Nam được hưởng lãi suất ưu đãi tối đa 9%/năm đối với các dự án đầu tư thực hiện trong 5 lĩnh vực cụ thể là nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu, các ngành công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành công nghệ cao.Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng được hưởng những ưu đãi của chính quyền địa phương dưới các hình thức như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chi phí quảng cáo, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…
Theo báo cáo nghiên cứu về “Ưu đãi tài chính và hiệu quả doanh nghiệp: bằng chứng từ Khảo sát đầu tư công nghiệp Việt Nam UNIDO 2011” được thực hiện bởi UNIDO và Cục Đầu tư nước ngoài thì có một mối liên hệ giữa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và việc được hoặc không được nhận ưu đãi đầu tư. Về tổng thể, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs – Foreign Investment Enterprises) được nhận ưu đãi đầu tư dường như có hiệu quả hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp trong nước. FIEs có xu hướng tuyển dụng nhiều lao động hơn và năng suất lao động cũng như cường độ lao động vốn cao hơn các doanh nghiệp nội địa.
Kết quả nghiên cứu của báo cáo cũng cho thấy các FIEs ít tham gia vào hoạt động cung ứng và thương mại nội địa so với các doanh nghiệp trong nước, đồng thời các FIEs được nhận ưu đãi cũng có thị phần nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và kim ngạch xuất khẩu cao hơn doanh nghiệp nội địa. Một khác biệt có ý nghĩa được báo cáo đưa ra là mức lương bình quân của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được ưu đãi đầu tư cao hơn so với mức lương bình quân của các FIEs không được nhận ưu đãi. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các FIEs hoạt động trong các khu công nghiệp có hiệu quả hoạt động tốt hơn so với các doanh nghiệp trong nước, trong khi đó giữa các FIEs được ưu đãi và không được ưu đãi hoạt động trong khu công nghiệp thì hầu như không có khác biệt về hiệu quả hoạt động.
Xét về ảnh hưởng của ưu đãi đầu tư tới hoạt động doanh nghiệp ở cấp độ tỉnh, thành phố, báo cáo phát hiện rằng ở TP. Hồ Chí Minh dường như không có những khác biệt đáng kể giữa các FIEs được nhận ưu đãi đầu tư và FIEs không được nhận ưu đãi đầu tư. Đồng thời, các FIEs ở TP. Hồ Chí Minh cũng đạt hiệu quả tốt hơn các doanh nghiệp nội địa trong tiềm năng tạo việc làm. Trong khi đó, ở Bình Dương, các FIEs được ưu đãi đầu tư tạo ra được nhiều việc làm hơn so với các doanh nghiệp không được nhận ưu đãi. Còn ở Hà Nội, các chính sách ưu đãi đầu tư đã phát huy tác dụng khi các doanh nghiệp được ưu đãi có xu hướng đạt được hiệu quả hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp khác ở các chỉ tiêu như tạo việc làm, tăng trưởng doanh thu, năng suất lao động, giá trị gia tăng của lao động…
Khi xem xét mối liên quan giữa các ưu đãi đầu tư và quyết định đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, báo cáo đã nhấn mạnh rằng các ưu đãi có thể đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các ưu đãi tài chính có xu hướng đóng vai trò bổ sung chứ không phải là một nhân tố cần thiết trong tiến trình thu hút đầu tư.
Nói tóm lại, việc cấp ưu đãi đầu tư cần được xem xét cẩn trọng vì đây là chính sách rất tốn kém, ảnh hưởng đến hệ thống thuế quốc gia và những hạn chế về ngân sách mà nó tạo ra đối với nước sở tại, cụ thể là Việt Nam. Các ưu đãi cần phải được rà soát liên tục nhằm đánh giá tính hiệu quả của các ưu đãi và giám sát để xác định liệu các ưu đãi đó có thực sự mang lại kết quả như mong đợi hay không.
Tài liệu tham khảo: 2014, Fiscal incentives and enterprise performance: Evidence from the UNIDO Viet Nam Industry Investor Survey 2011, United Nations Industrial Development Organization and Ministry of Planning and Investment