Anh: Triển vọng ảm đạm của lĩnh vực tài chính do Brexit
Kết quả khảo sát do Liên đoàn công nghiệp Vương quốc Anh (CBI) và công ty kiểm toán PwC vừa công bố ngày 25/3 cho thấy sự lạc quan của các công ty dịch vụ tài chính Anh đã giảm nhanh nhất kể cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.
Trong lúc sức ép đối với Thủ tướng Anh Theresa May ngày càng gia tăng vào thời điểm nước Anh có thể rời EU “không thỏa thuận” lớn hơn bao giờ hết, kết quả khảo sát do Liên đoàn công nghiệp Vương quốc Anh (CBI) và công ty kiểm toán PwC vừa công bố ngày 25/3 cho thấy sự lạc quan của các công ty dịch vụ tài chính Anh đã giảm nhanh nhất kể cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.
Kết quả cuộc khảo sát 84 công ty tài chính hàng đầu do CBI và PwC thực hiện cũng cho hay, hoạt động kinh doanh của các công ty này đang giảm ở mức nhanh nhất kể từ tháng 9/2012. Lĩnh vực quản lý đầu tư chứng kiến mức giảm mạnh nhất, trong bối cảnh các nhà đầu tư có xu hướng "găm" giữ tiền vào thời điểm các thị trường có nhiều biến động. Các công ty bảo hiểm được coi là điểm sáng hiếm hoi trong lĩnh vực tài chính.
Nhà kinh tế chủ chốt Rain Newton-Smith thuộc CBI cho hay, tình trạng báo động về niềm tin và sự lạc quan trong lĩnh vực tài chính nước Anh hiện đã tới mức cao. Số việc làm trên toàn ngành tài chính đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong bốn năm qua, chủ yếu do việc làm trong ngành ngân hàng bị cắt giảm, trong bối cảnh các ngân hàng cắt giảm số chi nhánh và chuyển việc làm ra nước ngoài để giảm chi phí.
EY - công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn tài chính, tư vấn và kiểm soát rủi ro - hồi tuần trước công bố báo cáo cho hay các công ty tài chính tại nước Anh đã cam kết chuyển khoảng 1.000 tỷ Bảng (khoảng 1.300 tỷ USD) tài sản từ “xứ sở sương mù” sang các nước châu Âu.
Số việc làm có thể chuyển sang “lục địa già” ở mức khoảng 7.000 việc làm. Động thái trên nằm trong kế hoạch ứng phó của các công ty trong lĩnh vực tài chính đối với tình huống xấu nhất là Brexit “không thỏa thuận”.
Trong khi đó, nỗ lực của Thủ tướng May nhằm đạt được tiếng nói chung với phe chống lại bà trong đảng Bảo thủ vẫn chưa mang lại kết quả, sau cuộc họp kín kéo dài ba giờ đồng hồ và kết thúc lúc rạng sáng 25/3 (tối 24/3 giờ Anh) tại tư dinh của bà May ở Chequers với các nhân vật chủ chốt trong đảng Bảo thủ vốn ủng hộ Brexit “cứng”.
Nhóm nghị sĩ "nổi loạn" trong đảng Bảo thủ, trong đó có cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, các ông Jacob Rees-Mogg, Iain Duncan Smith và cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, đã gia tăng sức ép, đồng thời thể hiện sự bất mãn đối với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May. Họ cho rằng Thủ tướng May chưa đưa ra được điều gì mới ngoài việc lặp lại những điều đã nói về thỏa thuận Brexit.
Giới quan sát cho rằng những diễn biến gần đây cho thấy khả năng thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May vượt qua được cuộc bỏ phiếu lần ba tại Hạ viện dự kiến trong tuần này được đánh giá là thấp. Thủ tướng May sẽ tiến hành các cuộc họp quan trọng trong ngày 25/3, trong đó có cuộc họp Nội các được chờ đợi vào sáng ngày 25/3 giờ địa phương và cuộc họp riêng với lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, để thảo luận cách giải quyết khủng hoảng Brexit.