Thỏa thuận Brexit vẫn còn cơ hội sống
Thủ tướng Anh Theresa May tối thứ Năm tuần trước (14/3) đã giành được sự ủng hộ của các nhà lập pháp về việc sẽ tiếp tục xem xét thỏa thuận Brexit một lần nữa, chỉ 48 giờ sau khi thỏa thuận của bà với EU bị Quốc hội Anh bác bỏ lần thứ 2.
Thành công hiếm hoi
Trong bản kiến nghị gửi tới Hạ viện Anh ngày 14/3, trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu về việc có lùi thời hạn nước Anh rời EU hay không, Thủ tướng May kêu gọi hạ viện một lần nữa xem xét để thông qua thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và EU thống nhất tháng 11/2018 và đã sửa đổi một vài điểm liên quan điều khoản chốt chặn liên quan đến đường biên giới giữa CH Ireland và Bắc Ireland. Nếu các nghị sĩ Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit sửa đổi trong cuộc bỏ phiếu thứ ba này, Thủ tướng May sẽ đề xuất với các nhà lãnh đạo EU một khoảng thời gian gia hạn Brexit ngắn từ ngày 29/3 sang ngày 30/6 tới, nhằm tạo điều kiện cho thỏa thuận trên được phê chuẩn.
Với 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua đề nghị của bà, cho bà thêm thời gian để thuyết phục những người nghi ngờ trong Đảng Bảo thủ của chính mình ủng hộ đề nghị của bà hoặc có nguy cơ hoãn lại Brexit một cách lâu dài.
Nước Anh đang chìm trong sự bế tắc chính trị về cách thức mà họ sẽ rời khỏi EU. Theo kế hoạch, đảo quốc sương mù sẽ kết thúc 46 năm thành viên của EU vào ngày 29/3 với mối đe dọa về một sự hỗn loạn kinh tế nếu không đạt được thỏa thuận Brexit.
Vì thế bà May chỉ cần đưa ra một lựa chọn đơn giản cho các thành viên của Nghị viện: Một là trở lại với thỏa thuận mà họ đã từ chối hai lần và lui lại thời điểm Brexit thêm 3 tháng. Hai là có nguy cơ bị mắc kẹt trong một thời gian gia hạn kéo dài hơn nhiều với các điều khoản do EU đặt ra song nhiều khả năng vẫn không có kết thúc như mong muốn vì những bế tắc trong nước.
Có thể nói kết quả bỏ phiếu tối thứ Năm là một thành công hiếm hoi của bà May trong thời gian gần đây, đặc biệt bà vừa trải qua 3 ngày đầy thử thách, thậm chí còn đe dọa tới vị thế chính trị của bà.
Khó khăn chưa hết
Tuy nhiên, vẫn có hơn một nửa số nghị sĩ Quốc hội thuộc Đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu chống lại đề nghị của bà, có nghĩa là bà đã phải dựa vào các đảng đối lập để vượt qua.
Bảy trong số đó là các bộ trưởng nội các, bao gồm thư ký Brexit Stephen Barclay - người mà trước đó chỉ 1 giờ còn thúc giục toàn bộ Hạ viện ủng hộ đề nghị của bà. Bên cạnh đó còn có các thành viên chính phủ khác như: Liam Fox, Andrea Leadsom, Penny Mordistic, Liz Truss, Chris Grayling và Gavin Williamson, tất cả đều bỏ phiếu chống lại đề nghị của Thủ tướng May. Điều đó cũng phần nào cho thấy sự chia rẽ ngay trong Chính phủ Anh về vấn đề Brexit và đó cũng là một vấn đề mà bà May cần phải giải quyết.
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm cũng đặt ra trước mắt bà May một cuộc họp khó khăn vào tuần tới với 27 nhà lãnh đạo EU còn lại, những người mà chính bản thân họ cũng đang bị chia rẽ về đề xuất gia hạn Brexit.
Tuy nhiên bà May hy vọng những rủi ro có thể xảy ra trong thường hợp gia hạn kéo dài sẽ khiến một số nhà vận động khao khát Brexit quay sang ủng hộ bà. Bà dự kiến sẽ trình thỏa thuận của mình để Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua một lần nữa vào ngày 20/3, trước cuộc họp của Hội đồng EU.
Ben Bradley - Nghị sĩ Đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit cho biết hôm 14/3 rằng, có khả năng hầu hết các thành viên nhóm Nghiên cứu châu Âu (ERG) ủng hộ Brexit có thể chuyển sang hỗ trợ đề xuất của bà May vào tuần tới. Những người khác, mặc dù vậy vẫn kiên quyết chống lại nó. Ngoài ra có lẽ có khoảng 15 người sẽ không bỏ phiếu cho bất cứ điều gì, ông nói.
Tương lai nào cho Brexit?
Trong một động thái chiến thuật khác, May cũng cam kết với các nhà lập pháp rằng nếu thỏa thuận của bà không được phê duyệt vào tuần tới, bà sẽ để Quốc hội toàn quyền kiểm soát một cuộc bỏ phiếu khác vào ngày 25/3.
Cuộc bỏ phiếu ngày 25/3 cũng sẽ đặt ra một mối đe dọa khác đối với những người theo trường phái Brexit cứng rắn vì các nghị sĩ có thể sử dụng cơ hội để bỏ phiếu cho một sự ra đi nhẹ nhàng hơn so với những gì mà bà May đang đề xuất. Điều đó có khả năng giữ cho Vương quốc Anh trong thị trường chung hoặc liên minh hải quan EU, điều mà nhiều nhà vận động ủng hộ việc ra đi không hề ưa thích.
Nghị viện Anh cũng bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo (334/85) phản đối việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về vấn đề Brexit, qua đó dập tắt hy vọng của những người ủng hộ Anh ở lại EU mong muốn một cuộc trưng cầu dân ý mới, mặc dù lãnh đạo Đảng Lao động Jeremy Corbyn nói rằng nhóm của ông vẫn đang làm việc với các kế hoạch cho một cuộc bỏ phiếu công khai khác.
Phản ứng trước kết quả bỏ phiếu tại Nghị viện Anh tối 14/3, EU đã để ngỏ cánh cửa gia hạn thời điểm Anh ra đi cho tới cuối tháng 5, mặc dù có một quan điểm giữa các nhà lãnh đạo và quan chức châu Âu rằng, họ cần Anh đưa ra lý do rõ ràng cho việc trì hoãn.
Chủ tịch EU Donald Tusk cho biết trước đó rằng, sẽ kêu gọi 27 quốc gia thành viên sẵn sàng gia hạn dài nếu Anh thấy cần phải suy nghĩ lại về chiến lược Brexit và đạt được sự đồng thuận xung quanh vấn đề này.