Áp dụng bảo lãnh thuế với các trường hợp chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ hoàn thuế, Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 của Bộ Tài chính đã bổ sung hướng dẫn về việc cho phép áp dụng bảo lãnh thuế trong các trường hợp chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ.
Thực tế hiện nay, đối với các trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì doanh nghiệp phải tính thuế theo mức thuế suất MFN (đối với trường hợp áp dụng ưu đãi thuế quan) hoặc mức thuế suất phòng vệ thương mại cao nhất (đối với hàng hóa thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng) để được thông quan hàng hoá và phải khai sửa đổi, bổ sung sau khi có chứng từ chứng nhận xuất xứ và thực hiện các thủ tục hoàn thuế.
Điều kiện trên làm chậm quay vòng vốn của doanh nghiệp, lãng phí nguồn nhân lực của cả cơ quan quản lý (hải quan, thuế) và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục khai bổ sung, hoàn thuế.
Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ hoàn thuế, tại Điều 12 Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 của Bộ Tài chính đã bổ sung hướng dẫn về việc cho phép áp dụng bảo lãnh thuế trong các trường hợp.
Theo đó, đối với trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) hoặc thuế suất thông thường và được thông quan theo quy định. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt và thông quan theo quy định.
Trong trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng mức thuế theo các biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Công Thương quy định.
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp thì được áp dụng mức thuế suất theo khai báo của người khai hải quan và hàng hoá được thông quan theo quy định. Người khai hải quan nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại…
Trường hợp phải tiến hành xác minh tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt hoặc biện pháp phòng vệ thương mại, trong thời gian chờ kết quả xác minh, người khai hải quan xử lý, tính thuế theo các quy định nêu trên.