Ngành Hải quan chủ động cải cách, đổi mới kiểm tra chuyên ngành
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp với bộ, ngành hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý chuyên ngành theo hướng cải cách toàn diện hoạt động này.
Cải cách chính sách quản lý chuyên ngành
Tích cực triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo đó, Tổng cục đã phối hợp với các bộ tập trung triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Tổng cục đã tổ chức làm việc với từng đơn vị chuyên môn của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải để rà soát, chỉnh sửa nội dung Nghị định nhằm đảm bảo phù hợp với các Luật chuyên ngành, tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm thời gian, chi phí, thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan cũng đã tham gia ý kiến đối với 37 dự án xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành xây dựng, ban hành theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Công tác triển khai và hướng dẫn thực hiện chính sách quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng được Tổng cục Hải quan tích cực triển khai. Chỉ trong nửa đầu năm 2023, Tổng cục đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai và hướng dẫn thực hiện hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý và kiểm tra chuyên ngành.
Trong quá trình thực hiện, cơ quan hải quan chủ động rà soát các quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tập hợp để kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo các bộ, ngành xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc có ý kiến để kịp thời hướng dẫn các cục hải quan và doanh nghiệp thực hiện thống nhất.
Cũng trong nửa đầu năm, Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp với 07 bộ, ngành để rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.
Đặc biệt, Tổng cục đã tổ chức Hội nghị rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của Bộ Y tế theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam 2022. Các Danh mục thuộc chuyên ngành Bộ Y tế là những danh mục mang tính chất chuyên môn cao, rất phức tạp với 3500 dòng hàng.
Tiếp tục thực hiện các mục tiêu cải cách
Để thực hiện các mục tiêu cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đã được Chính phủ giao, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Hoàn thiện Hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình mới.
Đồng thời, theo dõi bám sát tình hình triển khai thực hiện các quy định pháp lý tại các Luật, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn liên quan theo từng nhóm các mặt hàng cụ thể. Kịp thời tổng hợp kiến nghị của Hải quan địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, trao đổi với các cơ quan bộ quản lý chuyên ngành để có hướng dẫn kịp thời đối với những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo công tác giám sát hải quan nhưng vẫn đáp ứng quy định pháp luật và yêu cầu về chính sách mặt hàng.
Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn vướng mắc, bất cập, gây kéo dài thời gian, tăng chi phí cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp để kiến nghị các đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành.
Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan liên quan về triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành để tiếp tục báo cáo Chính phủ, kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo hướng cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục chủ động tham gia, góp ý vào các dự án xây dựng nghị định, thông tư liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành xây dựng; đôn đốc các bộ, ngành sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, chuẩn hóa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt nhóm các bộ, ngành quản lý những mặt hàng có cơ chế quản lý đặc thù như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ... để kịp thời cập nhật chính sách mới, tham gia đào tạo, tập huấn cán bộ hải quan địa phương và cộng đồng doanh nghiệp khi triển khai thực hiện.