Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ở các nước và lộ trình thực hiện tại Việt Nam


Trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) giúp cho thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp minh bạch và có độ tin cậy cao, tăng khả năng so sánh trên phạm vi toàn cầu và là cơ sở để nhà đầu tư trong và ngoài nước đưa ra các quyết định kinh doanh.

Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, bài viết nhận diện những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính.

Đặt vấn đề

Chuẩn mực Báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (IFRS) cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày BCTC cho các công ty đại chúng. IFRS tập trung hướng dẫn, diễn giải chung nhất về cách lập BCTC hơn là thiết lập các quy tắc lập báo cáo ngành cụ thể. Bộ chuẩn mực cũng cung cấp cho các nhà đầu tư và các kiểm toán viên bức tranh toàn cảnh, rõ ràng về tài chính…

Triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 23/5/2017, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban soạn thảo “Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế tại Việt Nam” theo Quyết định số 918/QĐ-BTC. Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam.

Việc sử dụng IFRS mang lại nhiều lợi ích như: Tiết kiệm chi phí soạn thảo chuẩn mực và nhanh chóng hòa nhập vào chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) được chấp nhận; Sự hội nhập về kế toán giúp cho các công ty huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Trước những lợi ích mà IFRS mang lại, các tổ chức có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới như Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và một số tổ chức khác đều ủng hộ, hỗ trợ việc áp dụng IFRS trên toàn cầu.

Xu thế của hội nhập đòi hỏi các nước, cũng như Việt Nam cần có phương án và xây dựng lộ trình áp dụng hệ thống IFRS. Đến nay, trên thế giới đã có hơn 119 quốc gia thực hiện việc yêu cầu (bắt buộc) hoặc cho phép (không bắt buộc) các công ty niêm yết trên thị truờng chứng khoán của họ sử dụng IFRS khi lập và trình bày BCTC. Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam.

Theo đó, lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam theo 3 giai đoạn. Lộ trình này đã đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng áp dụng IFRS. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong trình bày BCTC, bài viết gợi ý một số vấn đề giúp DN Việt Nam cần quan tâm khi áp dụng IFRS để lập và trình bày BCTC.

Kinh nghiệm của các nước trong áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế

Tổng quát cho thấy, các quốc gia trên thế giới hiện nay đã và đang áp dụng IFRS theo 3 mô hình khác nhau như: (i) Áp dụng đầy đủ IFRS, những thay đổi không đáng kể; (ii) Các quốc gia chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường đã sử dụng IFRS làm cơ sở chính để xây dựng hệ thống chuẩn mực BCTC của riêng; (iii) Áp dụng ở các quốc gia - nơi hệ thống chuẩn mực kế toán được thiết lập trước khi IAS được thiết lập, vì vậy các nước, chủ yếu là các nước phát triển chỉ cần thay đổi để hợp nhất với IFRS. Tuy nhiên, dù cách tiếp cận và áp dụng IFRS ở mỗi quốc gia là khác nhau, song lộ trình và các bước tiến hành đều mang lại những kinh nghiệm tốt cho DN Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi trong quá trình ứng dụng IFRS vào lập và trình bày BCTC, cụ thể như:

Hoa Kỳ: Một trong những thách thức lớn nhất của Hội đồng Chuẩn mực kế toán Quốc tế (IASB) là đưa các BCTC theo IFRS vào thị trường chứng khoán (TTCK) Hoa Kỳ - một quốc gia có các TTCK lớn nhất thế giới và sự phát triển cao của hệ thống chuẩn mực kế toán. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) và Hội đồng Chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ (FASB) là hai đối tác chủ yếu với IASB trên con đuờng đi tìm một bộ chuẩn mực kế toán chất luợng cao toàn cầu.

Năm 2002, với sự ủng hộ của SEC, thỏa thuận Norwalk được ký kết giữa IASB và FASB nhằm xây dựng một bộ chuẩn mực kế toán quốc tế chất lượng cao toàn cầu. Với nỗ lực đó, đến tháng 11/2007, tại cuộc họp của FASB, SEC đã chấp nhận quy định mới là cho phép các công ty nuớc ngoài niêm yết được lập BCTC theo IFRS của IASB mà không cần điều chỉnh theo Chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP). Quy định mới này được SEC ban hành ngày 21/12/2007 và có hiệu lực từ ngày 4/3/2008.

Tiếp đó, ngày 27/8/2008, SEC đã công bố một đề xuất cho lộ trình thực hiện IFRS để lấy ý kiến rộng rãi. Năm 2010, SEC phát hành báo cáo đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng IFRS đối với hệ thống BCTC Hoa Kỳ. Về cơ bản SEC ủng hộ việc hướng đến một hệ thống chuẩn mực kế toán chất lượng cao chung cho toàn thế giới, trong đó dự kiến tất cả các công ty niêm yết của Hoa Kỳ sẽ bắt buộc tuân thủ IFRS kể từ năm 2015 với những điều kiện nhất định và được khuyến khích cho phép áp dụng từ năm 2010. Đến nay, quá trình hòa hợp giữa US GAAP của Hoa Kỳ với IFRS tuy còn chịu ảnh huởng của nhiều vấn đề kỹ thuật, cũng như ảnh huởng bởi quan hệ chính trị với IASB và với các quốc gia khác, nhưng những trở ngại trong việc hội tụ của Hoa Kỳ có thể từng buớc được vuợt qua.

Liên minh châu Âu (EU): Ngày 13/2/2001, EC (Ủy ban EU) chấp nhận một đề nghị về việc yêu cầu các công ty niêm yết của EU phải lập BCTC hợp nhất theo IFRS kể từ năm 2005. Quy định này cho phép các công ty không niêm yết cũng áp dụng IFRS. Năm 2003, Ủy ban Chứng khoán EU đã thông qua một chuẩn mực bao gồm 21 nguyên tắc nhằm phát triển và thực hiện một cách tiếp cận chung để thực thi IFRS (Choiand Meek, 2011). Việc yêu cầu các công ty niêm yết lập BCTC hợp nhất theo IFRS được sự ủng hộ và tán thành mạnh mẽ, hơn 7.000 công ty niêm yết đã thực hiện yêu cầu này từ ngày 1/1/2005.

Tuy nhiên, do còn một số vấn đề chưa thống nhất giữa EU và IASB, nên EU đã không chấp nhận toàn bộ IFRS và yêu cầu các công ty niêm yết chỉ sử dụng những tiêu chí IFRS nào đã được EU chấp nhận. Như vậy, hiện nay, trên nguyên tắc chung, EU áp dụng nguyên bản IFRS, nhưng không chấp nhận toàn bộ IFRS mà phê duyệt từng chuẩn mực để áp dụng. Hiện EU và IASB vẫn đang tiếp tục các cuộc thảo luận để giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên nhằm đạt đến sự thống nhất trong áp dụng IFRS.

Nhật Bản: Nhật Bản không quy định bắt buộc DN phải áp dụng IFRS mà để DN tự nguyện lựa chọn áp dụng. Theo đó, từ tháng 3/2010, các công ty đại chúng trong nước có thể lựa chọn 1 trong 4 chuẩn mực sau để lập và trình bày BCTC hợp nhất, gồm: Chuẩn mực kế toán Nhật Bản (JGAAP); IFRS; Chuẩn mực kế toán Nhật Bản có điều chỉnh; US GAAP. Tuy nhiên, kể từ năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2016, Nhật Bản không cho phép các DN niêm yết lựa chọn US GAAP để lập và trình bày BCTC.

Theo đó, các DN niêm yết và DN chuẩn bị niêm yết tại Nhật Bản được tự nguyện lựa chọn áp dụng chuẩn mực IFRS để lập và trình bày BCTC hợp nhất, nhưng phải áp dụng theo JGAAP khi lập và trình bày BCTC riêng để gửi cho các cơ quan có thẩm quyền (gồm: cơ quan thuế, cơ quan quản lý khác…). Nhật Bản cũng không cấm các DN áp dụng IFRS cho việc lập và trình bày BCTC riêng phục vụ cho các mục đích khác như để quản trị DN, để hợp nhất với BCTC của công ty mẹ ở nước ngoài, vay vốn trên thị trường quốc tế… Các công ty nước ngoài niêm yết tại Nhật Bản cũng được tự nguyện áp dụng chuẩn mực IFRS để lập BCTC hợp nhất cho mục đích niêm yết ở thị trường Nhật Bản.

Hàn Quốc: Ở Hàn Quốc, tất cả các DN niêm yết, tổ chức tài chính, DN nhà nước và các đơn vị có lợi ích công chúng khác đều thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng IFRS và không có ngoại lệ. Quy định trên được triển khai từ năm 2011. Ngoài các DN trên, tất cả các DN không niêm yết khác được tự nguyện áp dụng IFRS. Nếu đã áp dụng IFRS thì không bắt buộc phải áp dụng K-GAAP của Hàn Quốc.

Các DN nước ngoài niêm yết tại thị trường Hàn Quốc được tự nguyện lựa chọn một trong các khuôn khổ sau để lập và trình bày BCTC hợp nhất cho mục đích niêm yết tại Hàn Quốc, bao gồm: IFRS; IFRS được thông qua tại Hàn Quốc (K-IFRS); US GAAP. Các DN nhỏ và vừa được tự nguyện áp dụng IFRS. Các DN không niêm yết là DN nhỏ và vừa thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập được yêu cầu bắt buộc sử dụng K-GAAP nếu không chọn áp dụng IFRS đầy đủ. Các đối tượng bắt buộc áp dụng chuẩn mực K-IFRS đều được yêu cầu đối với cả việc lập BCTC hợp nhất và BCTC riêng. Còn các đối tượng bắt buộc áp dụng chuẩn mực IFRS để lập BCTC cho mục đích niêm yết như là các công ty nước ngoài niêm yết ở Hàn Quốc thì chỉ yêu cầu đối với BCTC hợp nhất. 

Malaysia: Hiện nay, các DN tại Malaysia hoạt động dựa trên bộ 3 khuôn khổ kế toán: Khung chuẩn mực BCTC cũ (FRS) được ban hành dựa vào IASB; Khung chuẩn mực báo cáo dành cho các tổ chức tư nhân (PERS) và khung chuẩn mực BCTC Malaysia (MFRS). Bộ 3 khuôn khổ này đều do Hội đồng Chuẩn mực kế toán Malaysia (MASB) ban hành và được các tổ chức áp dụng tùy thuộc vào từng loại hình tổ chức. Mặc dù việc áp dụng IFRS của Malaysia chậm hơn so với nước khác nhưng chuẩn mực kế toán Malaysia hoàn toàn theo sát chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS.

Cụ thể, từ năm 2008, MASB chính thức tuyên bố việc áp dụng IFRS. Ngày 19/11/2011, MASB ban hành khung chuẩn mực kế toán thứ 3 tuân thủ theo IFRS nhưng có sự điều chỉnh phù hợp với đặc thù của Malaysia và đặt tên là MFRS, thời gian có hiệu lực từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành MFRS thể hiện cam kết của Malaysia trong áp dụng IFRS, như vậy MFRS trở thành chuẩn mực đáng tin cậy trong việc hướng dẫn cho các DN niêm yết trình bày BCTC tuân theo IFRS. 

Trung Quốc: Trung Quốc đã chấp nhận xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán mới theo hướng hội tụ kế toán quốc tế trên cơ sở IFRS gồm 38 chuẩn mực kế toán có hiệu lực từ năm 2007. Bộ Tài chính Trung Quốc (cơ quan ban hành chuẩn mực kế toán Trung Quốc) đang sửa đổi chuẩn mực kế toán quốc gia theo hướng phù hợp hơn với IFRS.

Tuy nhiên, cơ quan này chưa thông báo bất kỳ kế hoạch nào nhằm áp dụng trực tiếp các IFRS tại Trung Quốc. Ở Trung Quốc, các DN đại chúng trong nước không bắt buộc phải áp dụng chuẩn mực IFRS. Các DN này phải áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc gia của Trung Quốc (ASBE) cho việc trình bày BCTC tại Trung Quốc đại lục. Hiện nay, ở Trung Quốc chưa có DN nước ngoài niêm yết ở thị trường Trung Quốc, do vậy, không có quy định liên quan nào về việc các công ty này có được phép áp dụng chuẩn mực IFRS hay không.

Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý

Ngày 18/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 480/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính cập nhật, ban hành bổ sung chuẩn mực BCTC theo hướng phù hợp với IFRS, nhất là các chuẩn mực BCTC của nền kinh tế thị trường phát triển và gắn liền với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là yêu cầu được đề cập tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 23/5/2017, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban soạn thảo “Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế tại Việt Nam” theo Quyết định số 918/QĐ-BTC. Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình áp dụng IFRS dự kiến như sau:

Giai đoạn 1 từ năm 2020-2021: Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án để đảm bảo hỗ trợ các DN triển khai áp dụng IFRS từ năm 2022, như: công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng IFRS…

Giai đoạn 2 (2022-2025): Giai đoạn áp dụng tự nguyện, cụ thể:

(1) Đối với BCTC hợp nhất: Các DN sau có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; Công ty mẹ là công ty niêm yết; Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; Các công ty mẹ khác.

(2) Đối với BCTC riêng: Các DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập BCTC riêng.

Giai đoạn 2 (từ sau năm 2025): Giai đoạn áp dụng bắt buộc, cụ thể:

(1) Đối với BCTC hợp nhất: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất cho từng nhóm DN (các đối tượng gồm: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; Công ty mẹ là công ty niêm yết; Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; Công ty mẹ quy mô lớn khác). Các công ty mẹ khác không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng nêu trên có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất.

(2) Đối với BCTC riêng: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN, pháp luật có liên quan và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập BCTC riêng cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.

Giai đoạn 3 áp dụng bắt buộc với một số đối tượng từ sau năm 2025. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi DN Việt Nam phải có sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng áp dụng IFRS.

Từ kinh nghiệm của các nước, có thể thấy rằng, với lộ trình đặt ra, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thách thức, rào cản như: Thiếu nhiều nguồn lực trong triển khai thực hiện; Thị trường vốn và thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh; Tâm lý không muốn công khai về tình hình tài chính của một số DN; Đội ngũ nhân lực về kế toán chưa được đào tạo sâu về IFRS; Rào cản về ngôn ngữ; yếu tố văn hóa, tư duy và khía cạnh pháp lý… Do vậy, khi áp dụng IFRS các DN Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng IFRS và chuẩn mực BCTC: Hầu hết các quốc gia ở châu Á thừa nhận nhưng không bắt buộc áp dụng chuẩn mực quốc tế mà cho phép DN được lựa chọn giữa chuẩn mực quốc gia hoặc chuẩn mực quốc tế (bản chất là áp dụng IFRS tự nguyện). Một số quốc gia quy định cụ thể về một số đối tượng bắt buộc phải áp dụng IFRS còn các đối tượng khác thì được khuyến khích áp dụng.

Qua khảo sát thực tế, hầu hết các đối tượng áp dụng IFRS tại các nước là các DN đại chúng quy mô lớn. Như vậy, ở Việt Nam, ngoài các DN tự nguyện, bắt buộc áp dụng IFRS, cần thực hiện rà soát, ban hành mới hệ thống chuẩn mực BCTC Việt Nam (VFRS), thay thế cho 26 chuẩn mực kế toán hiện nay, áp dụng cho các DN còn lại. Trong đó, với đặc thù nền kinh tế Việt Nam, với phần lớn các DN có quy mô nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ thì cần được hướng dẫn riêng theo Luật hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ.

Thứ hai, về phạm vi, cách thức áp dụng IFRS: Phần lớn quốc gia đều tuyên bố áp dụng nguyên mẫu IFRS. Một số nước cho phép áp dụng IFRS cho cả BCTC hợp nhất và BCTC riêng, nhưng cũng có nước chỉ cho phép áp dụng IFRS cho BCTC hợp nhất. Một số ít các nước lựa chọn phương pháp áp dụng IFRS theo từng đợt, mỗi đợt áp dụng một số chuẩn mực theo khả năng của các DN. Như vậy, việc công bố áp dụng nguyên mẫu IFRS mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích, tuy nhiên DN cần xác định nhu cầu, khả năng và điều kiện của đơn vị mình một cách nghiêm túc để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Thứ ba, về quy trình công bố và chuẩn bị áp dụng IFRS: Việc áp dụng IFRS là một công việc tương đối phức tạp nên thông thường các quốc gia đều phải xây dựng kế hoạch và lộ trình áp dụng IFRS. Các DN cũng được thông báo để có đủ thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực (tối thiểu 3 năm kể từ ngày công bố chủ trương) khi triển khai áp dụng.…

Thứ tư, về xử lý sự khác biệt giữa chuẩn mực BCTC và chính sách thuế, cơ chế tài chính: Việt Nam hiện có 3 loại văn bản quy phạm pháp luật cùng tác động đến công tác tài chính của DN là chuẩn mực BCTC, chính sách thuế và cơ chế tài chính dẫn đến sự chồng chéo, không nhất quán trong cách thức tiếp cận và áp dụng các chính sách này, do DN cũng như cơ quan quản lý nhà nước chưa phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực BCTC, chính sách thuế và cơ chế tài chính. Điều này gây ra những khó khăn cho DN, do vậy, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính theo hướng cải cách, tạo sự bình đẳng trong việc áp dụng và thực thi pháp luật giữa các thành phần kinh tế; xác định và phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực BCTC và cơ chế tài chính, hạn chế vướng mắc trong việc trình bày BCTC và thực hiện các nghĩa vụ của DN.               

Tài liệu tham khảo:

1. Ðường Thị Quỳnh Liên (2017), Khó khăn, thách thức khi áp dụng IFRS tại Việt Nam và lộ trình thực hiện;

2. Nguyễn Thế Thọ (2017), Áp dụng IFRS đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt nam lợi ích, thách thức và lộ trình;

3. Những điểm cần lưu ý khi chuyển đổi từ IAS sang IFRS, http://www.misa.com.vn/tin-tuc/chi-tiet/newsid/5197/Nhung-diem-can-luu-y-khi-chuyen-doi-tu--IAS-sang-IFRS;

4. CPA Australia, Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, Vnexpress.net.

5. Doanh nghiệp Việt Nam cần lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế, Thoibaokinhdoanh.vn.

(*) Lê Thị Thu Hương - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2021