Áp lực bán đe dọa thị trường tháng 5?
Khi thị trường chứng khoán vừa có một đợt tăng mạnh và giai đoạn kế tiếp lại trùng ngay vào tháng 5 thì khả năng “Sell in May” hoàn toàn có thể xảy ra.
Một trong những hiện tượng bất thường của thị trường chứng khoán (TTCK) mà mọi nhà đầu tư đều biết đó là hiệu ứng “Sell in May & Go Away”, có nghĩa là nên bán cổ phiếu vào tháng 5 và đi chơi bởi lo ngại sự ảm đạm cũng như giai đoạn điều chỉnh của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiệu ứng này đã dần không còn đúng với thị trường trong nhiều năm qua, đặc biệt, khả năng “đi chơi” trong tháng 5 năm nay sẽ thấp hơn do đại dịch vẫn còn đó, dòng tiền dù ít hay nhiều cũng khó đổ mạnh vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc giải trí và có thể tích tụ tại chứng khoán. Thế nhưng, xu thế ngắn hạn vẫn đang khó đoán định.
Nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh
Kể từ đầu tháng 4 tới nay, nhiều cổ phiếu đã có mức tăng giá hơn 30% trước diễn biến phục hồi của Vn-Index bất chấp lo ngại tình hình dịch Covid-19.
Không ít công ty chứng khoán đánh giá, thị trường tiềm ẩn rủi ro cao với biến động mạnh trước áp lực suy thoái toàn cầu do tác động của dịch bệnh, qua đó tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, tâm lý thị trường ổn định nhờ nhóm bluechip giữ nhịp, giúp các nhóm cổ phiếu khác cũng tăng giá mạnh.
Ước tính, trong khoảng từ đầu tháng 4 đến nay, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có mức tăng trung bình gần 7%, nhóm vốn hóa trung bình tăng hơn 4,3%, nhóm vốn hóa nhỏ tăng gần 6%, nhóm vốn hóa nhỏ - đầu cơ tăng 2,5 %, VN30 tăng hơn 7%.
Trong đó, một trong những cái tên đáng chú ý trên thị trường chứng khoán vừa qua là SAB của Sabeco đã ghi nhận mức tăng 38,2% từ 123.000 đồng/cp lên 170.000 đồng/cp (phiên 28/4). Nếu so với vùng đáy 115.500 đồng/cp, cổ phiếu SAB đã tăng hơn 47% chỉ trong hơn 1 tháng.
Lý giải đà tăng của SAB, bên cạnh bối cảnh chung tích cực, thì hồi cuối tháng 3 vừa qua, Sabeco đã có thông báo liên quan đến khoản phạt hành chính và lãi chậm nộp thuế hơn 3.000 tỷ đồng. Theo đó, công văn từ Cục Thuế TP.HCM thông báo rằng điều này đã không còn hiệu lực.
Đáng chú ý, chiếm đa số trong nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất thời gian qua là các mã cổ phiếu có tính đầu cơ cao như QCG của Quốc Cường Gia Lai, DCM của Khoáng sản Fecon, SJF của Sao Thái Dương... với mức tăng lần lượt là 42,3%, 15% và 39,8%.
Ngoài ra, các nhóm ngành cổ phiếu khác như săm lốp, phân bón, dược phẩm, y tế... cũng ghi nhận mức tăng tích cực trung bình là hơn 20% trong vòng gần 1 tháng qua. Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược của Chứng khoán Dầu khí (PSI), về tổng thể tháng 4 có thể được coi là tháng hồi phục của thị trường sau quá trình giảm điểm mạnh hồi tháng 2 và 3.
Điều này có thể nói lên sự nhất quán trong việc điều hành kinh tế, sự kiểm soát bệnh dịch của Chính phủ, các bộ ban ngành, các cơ quan quản lý, sự nghiêm túc thực hiện các quy định từ phía người dân.
Nhiều nỗi lo tháng 5
Thông thường, cuối tháng 4 sẽ là thời điểm các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I, sau đó thị trường sẽ vận động ổn định kéo giá cổ phiếu đi lên. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, tháng 5 còn là thời điểm có thể cân nhắc vào cổ phiếu nhiều nhất vì hết tháng 5 sang tháng 6 là giai đoạn báo cáo tài chính quý II có kiểm toán, các công ty sẽ phải làm ăn minh bạch hơn.
Nếu như mọi năm, tháng 5 là giai đoạn trũng thông tin, thì năm nay, tháng 5 sẽ là tháng cao điểm thông ti, từ chuyển động đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ đến mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp tái khởi động trở lại.
Ðây chính là động lực hỗ trợ giá cổ phiếu và thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu tư đến các doanh nghiệp có nội lực tốt. Theo thống kê, TTCK Việt Nam hiện có trên 600 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) trên 30 tỷ đồng năm 2019.
Dù nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực nhưng theo ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco, nhà đầu tư vẫn không nên chủ quan bởi chưa biết đại dịch sẽ đi tới đâu, trong khi giá cổ phiếu đã tăng lại một cách tương đối trong tháng 4.
“Theo tôi, các thông tin về tiến trình kiểm soát đại dịch trên thế giới, thông tin về thuốc đặc trị, cùng những thông tin về “làn sóng thứ 2” của virus mạnh mẽ ra sao sẽ tác động chủ yếu tới thị trường giai đoạn này. Thị trường hoàn toàn có thể tiếp tục hồi phục mạnh, hoặc quay lại về vùng đáy cũ, với xác suất mỗi kịch bản là 50%”, ông Khoa cho biết.
Thực tế, sự hồi phục của TTCK trong thời gian qua đến từ sự kỳ vọng các doanh nghiệp có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh hậu Covid-19. Tuy nhiên, giữa kỳ vọng và thực tế là 2 câu chuyện cần thời gian để thẩm định.
Báo cáo dự đoán khả năng suy thoái kinh tế của Bloomberg gần đây cho biết, xác suất suy thoái kinh tế đã đạt mức 100% trong năm nay, vấn đề là trong ngắn hạn, nhà đầu tư đang phớt lờ thông tin tiêu cực.
Hiện, nhiều quốc gia đã mở cửa nền kinh tế, nhưng chỉ mang tính cầm chừng và thận trọng trước rủi ro dịch có thể bùng phát trở lại. "Chừng nào chưa có thuốc chữa thì chừng đó nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, vẫn phải sản xuất - kinh doanh dưới mức tiềm năng", chuyên gia Bloomberg nhận định.
Do đó, tháng 5, TTCK dự báo có thể bước vào giai đoạn phân hoá mạnh dựa vào nền tảng riêng của doanh nghiệp, cũng như các thông tin về cổ tức mà doanh nghiệp công bố. Nhưng sau tâm lý hưng phấn, nhà đầu tư có thể nhanh chóng nhận ra rằng, khôi phục lại hoạt động kinh doanh sẽ phải mất nhiều thời gian hơn kỳ vọng sẽ khiến tâm lý tiêu cực có thể chiếm lĩnh.