Áp lực tái cơ cấu và nợ xấu

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Năm 2013 được ví như “sao quả tạ” đối với ngành ngân hàng, không chỉ làm ăn gặp nhiều khó khăn bị dồn nén từ nhiều năm mà nhiều lãnh đạo còn dính líu đến pháp luật. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn nói rằng mùa đại hội cổ đông năm nay sẽ rất căng thẳng và không bình yên ở nhiều ngân hàng, không chỉ ở những con số chỉ tiêu, kế hoạch, lợi nhuận hay tỷ lệ biểu quyết… mà là những chất vấn từ các cổ đông về đội ngũ lãnh đạo cũ hay những người kế thừa sẽ làm nên chuyện gì…

Áp lực tái cơ cấu và nợ xấu
HDBank là một trong những ngân hàng suôn sẻ trong việc sáp nhập DaiABank. Nguồn: internet

Kết quả tái cơ cấu, hậu M&A

Mùa Đại hội cổ đông của ngân hàng năm nay dự kiến sẽ đến sớm hơn khi một số ngân hàng vừa đưa ra thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự. Đơn cử như Sacombank, ngày 25/2 sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội diễn ra vào ngày 25/3 tới, sớm hơn 1 tháng so với năm trước.

Một số ngân hàng khác như SCB, NamA Bank và nhiều ngân hàng cũng đang lên kế hoạch và dự kiến sẽ tiến hành Đại hội cổ đông sớm hơn năm ngoái. Một trong những điểm nóng của mùa Đại hội cổ đông ngân hàng năm nay được lãnh đạo của các nhà băng cho biết không chỉ là lợi nhuận, cổ tức mà chính là kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu như thế nào. Đáng chú ý là những ngân hàng sau thời kỳ M&A đã được cải tổ ra sao để tồn tại, phát triển.

Việc các ngân hàng tích cực tham gia bán nợ xấu cho VAMC được đánh giá tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là nợ xấu đã được xóa bỏ, nhất là khi thị trường mua - bán nợ chưa được hình thành. Bởi nếu sau 5 năm các khoản nợ xấu đó chưa được xử lý, các ngân hàng buộc phải nhận lại nợ từ VAMC.

TS. Trần Du Lịch

Trong 2 năm qua, cùng với chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu, các nhà băng đã tập trung vào việc cải tổ lại bộ máy hoạt động, không ít ngân hàng phải chọn con đường M&A để sống còn. Có thể nói, M&A không còn là những khái niệm mới đối với cơ quan quản lý cũng như tổ chức tín dụng của Việt Nam.

Chính làn sóng M&A đã tạo lực đẩy cho việc tái cơ cấu thành công, hình thành nên những định chế tài chính lớn hơn, mạnh hơn, có khả năng trụ vững trong môi trường cạnh tranh ngày một khốc liệt và qua đó lành mạnh hóa hệ thống tài chính - ngân hàng.

Một số thương vụ M&A điển hình trong lĩnh vực  tài chính - ngân hàng đã thành công như: hợp nhất Ficombank, TinNghiaBank, SCB thành ngân hàng hợp nhất SCB; DaiA Bank sáp nhập vào HDBank; Habubank sáp nhập vào SHB hay Western Bank hợp nhất PVFC; Tập đoàn Thiên Thanh mua lại TrustBank…

Tuy nhiên, kết quả cải tổ của các nhà băng này trong thời kỳ hậu M&A vẫn là dấu hỏi khi còn ít ngân hàng công bố kết quả tái cơ cấu… Do vậy tất cả sẽ được lột tả bởi Hội đồng quản trị và ban điều hành ngân hàng không thể từ chối, kể cả những vấn đề nhạy cảm trước chất vấn của cổ đông trong kỳ đại hội năm nay nhằm làm sáng tỏ các vấn đề. 

Navibank, ngân hàng xây dựng Việt Nam (VNCB)… là những cái tên nằm trong diện tái cơ cấu theo yêu cầu bắt buộc. Sau hợp nhất và bán lại, các nhà băng đã bắt tay thực hiện đề án tái cấu trúc theo yêu cầu và đề án đã được ngân hàng nhà nước chấp thuận. Thế nhưng, đến nay quá trình tái cơ cấu và kết quả thực hiện đề án của Navibank, VNCB vẫn chưa được tiết lộ, kể cả vấn đề về xử lý nợ xấu.

Trong khi đó, nhiều nghi vấn đặt ra, Navibank khó tránh được việc sáp nhập, hợp nhất nếu sau một thời gian không thể đủ lực để thực hiện đề án tự tái cấu trúc khi các cổ đông lớn đã thực hiện việc thoái vốn. Điều đáng nói là nhiều khoản vay bất thường của nhà băng này có liên quan đến nhóm công ty của cá nhân ông Đặng Thành Tâm, khiến vốn chủ sở hữu của Navibank có thời điểm giảm - tăng thất thường làm không ít cổ đông lo ngại.

SCB cho biết, sau 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, bước đầu đã đạt được những kết quả khả thi như: hoàn trả 100% tái cấp vốn, trả nợ ròng trên liên ngân hàng hơn 50% và giảm tỷ lệ nợ xấu…

Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, cho biết ngân hàng sẽ tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu hoàn tất tiến độ thực hiện cuối năm 2014.

Vì thế, trong kỳ đại hội lần này, SCB sẽ trình cổ đông phương án tăng thêm khoảng 200 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng cao tiềm lực tài chính, đẩy nhanh việc tái cơ cấu. Đồng thời, SCB chưa có chủ trương chia cổ tức trong quá trình thực hiện đề án này, vì lợi nhuận thu về phần lớn để trích lập dự phòng.

Vòng luẩn quẩn nợ xấu

Trong quá trình tái cơ cấu 2 năm qua, ngoài việc sắp xếp lại bộ máy, nâng cao tầm quản trị, vấn đề xử lý nợ xấu luôn được các nhà băng quan tâm hàng đầu. Đáng chú ý là kể từ khi VAMC ra đời, tranh thủ thời cơ các ngân hàng nhỏ, nhất là những nhà băng sau M&A đã nhanh chóng trút gánh nặng nợ xấu.

Chẳng hạn như SCB, chỉ trong quý IV/2013 đã bán 5.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC để kéo tỷ lệ nợ xấu xuống dưới ngưỡng an toàn 3%. Ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát nợ xấu để bán tiếp cho VAMC trong nửa đầu năm nay. Không chỉ SCB, nhiều nhà băng khác cũng đã tranh thủ cơ hội này để làm sạch bản cân đối tài sản trước khi gửi đến cổ đông trong mùa Đại hội cổ đông năm nay.

Một cổ đông của Navibank cho biết, ông đã lỡ bỏ tiền mua cổ phiếu NVB kể từ khi nhà băng này niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội vào giữa tháng 9/2010 và tiếp tục nắm giữ cho đến nay.

Tuy lượng cổ phiếu nắm giữ không nhiều, nhưng cổ đông này cho biết ông không thể thoái lùi, vì giá cổ phiếu NVB sụt giảm kể từ ngày lên sàn đến nay trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường. Cổ tức nhận được trong  3 năm qua không đáng là bao, song điều khiến cổ đông này lo ngại chính là việc nhà băng này đang được tái cơ cấu ra sao và liệu có đủ lực để củng cố, tồn tại.

Tổng nợ xấu VAMC đã mua lại của các ngân hàng đến cuối năm 2013 là 36.000 tỷ đồng. Nhưng liệu điều đó có làm vui lòng các cổ đông và “che mắt” được nhà đầu tư, khi thực tế cho thấy bán nợ xấu ngân hàng chưa hẳn trút được gánh nặng về nợ xấu.

Navibank là 1 trong 9 ngân hàng buộc phải tái cấu trúc theo yêu cầu của Chính phủ và ngân hàng nhà nước. Không chọn hình thức M&A, Navibank cho biết đang trong quá trình tự tái cơ cấu bằng nội lực theo đề án tái cấu trúc đã được ngân hàng nhà nước phê duyệt.

Tuy nhiên, với khối nợ xấu khổng lồ hiện nay (tính cuối năm 2013, nợ xấu của Navibank chiếm tới 6% tổng dư nợ, trong đó nợ có khả năng mất vốn 438,32 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối 2012), dù Navibank cho biết đã và đang tiếp tục rà soát các khoản nợ xấu để bán cho VAMC, nhưng trước mắt chỉ có thể làm sạch được bản cân đối kế toán, còn quá trình xử lý nợ vẫn là bài toán nan giải.

Chính nợ xấu vẫn chưa thể kiểm soát ngay buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng cao, ăn mòn lợi nhuận. SCB cho biết tổng dự phòng phải trích lập đến cuối năm 2013 là 3.000 tỷ đồng. Không thua kém, trong năm qua OCB cũng đã trích dự phòng tương đương với mức lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng.

Do đó, kế hoạch hoạt động dự kiến trình cổ đông trong kỳ đại hội thường niên lần này, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, cho hay chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng dự kiến cho cả năm nay cũng chỉ tương đương mức thực hiện của năm 2013.

Tỷ lệ cổ tức ở nhiều ngân hàng cũng sẽ được cắt giảm, vì theo lãnh đạo các nhà băng trong bối cảnh khó khăn chung, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng nên yếu tố quan trọng vẫn là đảm bảo an toàn, buộc hy sinh lợi nhuận để trích đầy đủ dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, với các cổ đông, kỳ vọng còn lại chỉ là cổ tức chi trả qua các năm, cho dù chỉ ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng mất khả năng chi trả cổ tức.