Áp lực tăng vốn, nhiều ngân hàng chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu
Trong bối cảnh tình hình thị trường trong nước và quốc tế đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng một số nhà băng đã có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao.
Thực hiện chỉ đạo của Thông đốc Ngân hàng Nhà nước, trong mùa đại hội cổ đông năm nay các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay. Do đó, hầu hết các nhà băng chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu, thậm chí có nhà băng còn xin không chia cổ tức do đang tái cấu trúc.
Nhiều ngân hàng chia cổ tức cao
Đạ hội cổ đông thường niên 2020 của HDBank diễn ra giữa tháng Sáu đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Theo đó, cổ đông HDBank sẽ được nhận gồm 50% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ phiếu thưởng, tổng cộng lên tới 65%. Vốn điều lệ của HDBank sau khi hoàn tất tăng thêm theo kế hoạch là hơn 16.088 tỷ đồng. Đây là một trong những ngân hàng có mức chia cổ tức cao nhất trong kỳ đại hội này.
Trước thắc mắc của cổ đông về việc những năm trước HDBank đều chia cổ tức bằng tiền mặt, lãnh đạo nhà băng này cho biết do yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước không được chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Ngoài ra, bản thân HDBank cũng muốn tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính nên việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là cần thiết.
ACB dự kiến tăng vốn điều lệ năm 2020 từ việc chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông cho cổ đông. Theo đó, gần 1,7 triệu cổ phiếu phổ thông sẽ được chia cổ tức năm 2019 từ 6.270 tỷ đồng lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi trích lập đầy đủ các quỹ của năm 2019. Vốn điều lệ tối đa dự kiến tăng thêm hơn 4.988 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức 16.627 tỷ đồng lên gần 21.616 tỷ đồng. Việc tăng vốn dự kiến hoàn thành trong quý IV.
Ngân hàng OCB cũng đưa ra mục tiêu chia cổ tức với tỷ lệ 25%-27% qua đó tăng vốn điều lệ năm 2020 lên hơn 11.275 tỷ đồng, trong đó bao gồm việc phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài là Ngân hàng Aozora (AOZ), Nhật Bản.
Đây được xem là những ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức cao trong bối cảnh tình hình thị trường trong nước và quốc tế đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh những ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu cao thì cũng có những ngân hàng xin không chia cổ tức khiến cổ đông "ấm ức."
Đơn cử như ABBANK đã quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, đồng nghĩa với việc không chia cổ tức.
Một ngân hàng khác cũng tiếp tục không chia cổ tức là Sacombank, điều này đã khiến nhiều cổ đông của Sacombank “bức xúc” trước việc nhiều năm rồi, ngân hàng này không chia cổ tức dù kết quả kinh doanh rất tốt, lợi nhuận tích lũy cũng đạt mức khá cao.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết: "Hiện lợi nhuận trích quỹ đã hơn 4.000 tỷ đồng và khi Ngân hàng Nhà nước cho phép thì Sacombank mới được chia cổ tức. Hội đồng quản trị cũng rất muốn được chia cổ tức bởi nhờ đó mà cổ phiếu mới tăng giá và Hội đồng quản trị mới có tiền để tiêu dùng. Hy vọng đến năm 2023 Sacombank sẽ thoát được cảnh tái cơ cấu, sẽ chia được cổ tức cho cổ đông."
Lo ngại nợ xấu tăng
Tại đại hội cổ đông, nhiều ngân hàng cũng đã đưa ra con số dự báo nợ xấu trong năm nay sẽ tăng hơn những năm trước do độ trễ của dịch Covid-19 tác động lên hoạt động của ngành.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết chỉ tiêu về nợ xấu năm nay của ngân hàng được duy trì ở mức tối đa là 1,5% trên tổng dư nợ. Con số này cao hơn gần gấp đôi so với thực hiện năm 2019 (0,78%), nguyên nhân là do tác động từ ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank lý giải hiện nợ xấu của ngân hàng chỉ khoảng 0,82% nhưng với diễn biến của dịch Covid-19, ngân hàng dự kiến nợ xấu lên tới 1,5%. Hiện ngân hàng trích lập dự phòng 12.400 tỷ đồng, trong đó có 50% cho dự phòng chung và 50% cho dự phòng cụ thể.
“Việc trích lập dự phòng dư ra như hiện nay không trái quy định bởi Vietcombank sẽ thực hiện kết chuyển vào 31/12 của năm tài chính. Hiện nay chỉ là mức tạm trích,” ông Thành nhấn mạnh.
Còn tại VietinBank, lý giải về việc tỷ lệ nợ xấu quý 1 tăng lên 1,8%, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ chia sẻ một phần là do xử lý thu hồi khoản nợ bị tác động rất lớn, những khoản nợ xấu đang thực hiện thu hồi thì chưa thu hồi được theo kế hoạch.
"Có những khách hàng bị khó khăn không chỉ là dịch bệnh mà cả những vấn đề nội tại khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Do đó, có nhiều khách hàng phải cơ cấu lại nợ, có cả những trường hợp theo Thông tư 01 và 02, làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng lên," ông Thọ cho biết.
Một số ngân hàng khác nợ xấu cũng tăng như Saigonbank, Sacombank. Tại Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong Ba tháng đầu năm, lên mức 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.
Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống.
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận dù tình hình nợ xấu được cải thiện trong những năm qua song khi dịch Covid-19 xảy ra, hệ thống ngân hàng cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Mặc dù chất lượng nợ xấu nội bảng hiện vẫn duy trì dưới mức 2%, song nợ xấu tiềm ẩn, có tính đến tác động của dịch Covid-19 có chiều hướng cao hơn cho dù các khách hàng đã được áp dụng các biện pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ…
Trước các lo ngại về rủi ro nợ xấu phát sinh ở ngân hàng trong thời gian qua, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa từ đầu, đặc biệt là với những ngân hàng đang phải tái cấu trúc theo kế hoạch đã được phê duyệt trước đây. Cơ quan quản lý cũng xác định chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng sẽ thay đổi vì dịch Covid-19, nên bản thân các tổ chức tín dụng sẽ phải rà soát, cập nhật và điều chỉnh và Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát sao, đặc biệt là với cơ quan thanh tra giám sát.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý 2 và 2,6-3% vào cuối năm.