Bơm vốn vào AI, Blockchain: Lãnh đạo ngân hàng "chỉ lối" cho kinh tế cất cánh
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mang tính bước ngoặt, các lãnh đạo ngân hàng đều đồng lòng cho rằng, Việt Nam cần một cuộc chuyển dịch mô hình kinh tế mạnh mẽ, lấy công nghệ, đổi mới sáng tạo và vai trò tiên phong của khu vực tư nhân làm động lực cốt lõi.

Là ngân hàng đứng ra tổ chức một hội nghị lớn về đầu tư vào ngày 9/7/2025, thu hút hàng trăm chuyên gia tài chính và nhà đầu tư trong nước, quốc tế, bởi ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, việc duy trì tinh thần tích cực và dám nghĩ lớn là tiền đề để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam.
Vị CEO này tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu tham vọng, là tăng trưởng kinh tế 2 con số trong những năm tới nếu tái cấu trúc toàn diện và biết tận dụng các yếu tố vĩ mô thuận lợi như dân số trẻ, nền tảng chuyển đổi số, cùng với quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như AI, thương mại điện tử hay sản xuất linh kiện công nghệ cao…
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một trong những thách thức lớn nhất là năng suất lao động, nên cần đầu tư nhiều hơn vào những lĩnh vực có đà tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, để tăng hiệu quả sử dụng lao động và tạo giá trị bền vững.
Ông Jens Lottner đề xuất, Việt Nam cần chuyển dịch sang mô hình mới - nơi công nghệ, dữ liệu và đổi mới sáng tạo là động lực chính. Tuy nhiên, việc này cần hình thành dòng vốn đầu tư đủ mạnh, ước tính lên tới 1.200 tỷ USD. Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam cần cả kinh nghiệm, nền tảng và một khung pháp lý phù hợp.
Do vậy, Tổng giám đốc Techcombank đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, điều hành tỷ giá linh hoạt, phát triển thị trường trái phiếu, thúc đẩy tín dụng số hóa và tận dụng hiệu quả các FTA nhằm thu hút dòng vốn quốc tế vào Việt Nam.
Đồng thời cần mở rộng các kênh huy động vốn như thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư quốc tế và các tổ chức tài chính phát triển như IFC.

Cũng tại hội nghị này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, và CEO Vietjet nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của kinh tế tư nhân.
Nữ tỷ phú khẳng định năng lực sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là không giới hạn, và điều quan trọng hơn là "tinh thần dấn thân vô điều kiện". Nên để biến khát vọng này thành hiện thực, thị trường vốn được xác định là huyết mạch.
Theo bà Thảo, cần phải có những giải pháp quyết liệt để khai thông mạnh mẽ hơn nữa các kênh vốn, từ bất động sản công nghiệp, công nghệ cao đến tín dụng xanh.
Đặc biệt, nữ tỷ phủ nhấn mạnh đến việc phải tận dụng hiệu quả các FTA để thu hút dòng vốn quốc tế đầu tư vào các lĩnh vực như AI, blockchain, kinh tế tuần hoàn, công nghệ "Made in Vietnam", để Việt Nam tăng tốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ góc độ của ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế và đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống.
Ông Phan Đức Tú đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành cần chỉ đạo phát triển đồng bộ và cân bằng hơn giữa thị trường tài chính và thị trường vốn. Điều này không chỉ giúp tăng khả năng cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế mà còn giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng tập trung vào thế mạnh là vốn ngắn hạn và dịch vụ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo BIDV đề nghị tiếp tục hỗ trợ tăng vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Cũng đề xuất giải pháp hỗ trợ tăng trưởng, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB đề xuất, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào những công trình giao thông quốc gia trọng điểm, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu, để tạo hiệu ứng lan tỏa sang đầu tư tư nhân và toàn xã hội.
Đồng thời cần giải quyết các vấn đề trên thị trường bất động sản và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Lãnh đạo MB cũng nghị tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; tăng cung tín dụng và duy trì lãi suất cho vay thấp; đồng thời làm rõ quy định về đầu tư vào công ty công nghệ đối với các ngân hàng…
Có thể thấy, với khát vọng nâng tầm vị thế quốc gia, chuyển đổi mô hình kinh tế dựa trên công nghệ, các ngân hàng đang thể hiện tinh thần sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ và doanh nghiệp để phát triển cùng đất nước.