Áp lực tăng vốn và lên sàn
(Tài chính) Nhiều năm qua, cứ đến kỳ đại hội cổ đông các ngân hàng đều trình cổ đông việc tăng vốn, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. Thế nhưng kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhiều ngân hàng luôn bị trì hoãn.

Khó tăng vốn
Điểm mặt một số nhà băng như VietABank, NamA Bank, Navibank, dù kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được xây dựng từ đầu, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện và phải hoãn trong nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường khó khăn, chứng khoán suy giảm và giá cổ phiếu ngân hàng rơi vào vùng nhạy cảm khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện đề án tái cơ cấu ngành.
Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ phải đối mặt với xu hướng hợp nhất hoặc sáp nhập (M&A). Vì thế, để có thể tránh làn sóng M&A ngày một nóng lên trong lĩnh vực tài chính, kể từ năm 2012 Ngân hàng Nhà nước triển khai đề án tái cơ cấu ngành, các ngân hàng thương mại nhỏ đã lên kế hoạch huy động vốn từ cổ đông hiện hữu, cổ đông mới và thu hút nguồn vốn từ cổ đông nước ngoài, với kỳ vọng tăng thêm tiềm lực tài chính, củng cố nội lực để tồn tại.
Trong tờ trình Đại hội cổ đông năm 2012, không ngân hàng nào bỏ sót việc tăng vốn điều lệ và cho biết sẽ cố gắng hoàn tất để nâng cao tài chính phục vụ cho tái cơ cấu. Tuy nhiên, đến nay chưa ngân hàng nào thực hiện được kế hoạch này.
Navibank lên kế hoạch tăng vốn rất sớm kể từ khi ngân hàng này niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2010. Thế nhưng, vốn điều lệ của Navibank đến thời điểm này vẫn ở ngưỡng 3.000 tỷ đồng, trong khi ngân hàng này đã xin hủy niêm yết, do cổ phiếu Navibank liên tục sụt giảm nên rất khó thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Hiện cả 2 sàn chứng khoán đã có gần chục ngân hàng niêm yết gồm VCB, CTG, ACB, EIB, STB, SHB, MB, BID. Các cổ phiếu này đều là những ngân hàng nằm trong top có kết quả hoạt động kinh doanh khả thi và tiềm năng tăng trưởng tốt, thu hút được nhà đầu tư. Tuy nhiên, giá cổ phiếu khối ngân hàng vẫn khó kỳ vọng bật mạnh trong quá trình tái cơ cấu, chỉ có thể tăng sau 2 năm nữa.
Hiện Navibank đang trong quá trình tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy không chịu áp lực tái cơ cấu bắt buộc và bản thân được tự tái cấu trúc bằng chính nội lực, song với mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, NamA Bank cũng nhận thức được việc nâng cao năng lực tài chính, từ đó nâng sức cạnh tranh nên đã sớm lên kế hoạch tăng vốn lên 3.700-4.000 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn này của NamA Bank được trình Đại hội cổ đông trong kỳ họp thường niên của năm 2011 và cổ đông đã thông qua. Tuy nhiên do thị trường khó khăn, NamA Bank đã phải hoãn việc tăng vốn sang năm 2014.
Trong kế hoạch tăng vốn điều lệ đưa ra tại Đại hội cổ đông năm 2012, VietABank cho biết sẽ phát hành cổ phiếu nâng vốn lên 5.000 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2011. Theo đó, VietABank dự kiến phát hành trên 10,8 triệu cổ phiếu để phân phối nguồn thặng dư vốn cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 3,49%; đồng thời chào bán cho cổ đông cũ trên 30,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ phân phối 10:1, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu; phát hành hơn 148,3 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư, đối tác trong - ngoài nước, với giá khởi điểm từ 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp nhà nước phải thu hẹp đầu tư ngoài ngành theo yêu cầu của Chính phủ, đã khiến một số ngân hàng không còn kỳ vọng vào các cổ đông chiến lược trong nước là tập đoàn tài chính lớn. Việc thoái vốn của cổ đông lớn là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) khỏi VietABank đã phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch tăng vốn của ngân hàng. Vì thế, VietABank đã dần điều chỉnh kế hoạch tăng vốn xuống còn 3.500 tỷ đồng trong năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Bên cạnh đó, các ngân hàng nhỏ kỳ vọng sẽ hút thêm được nguồn vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài. Navibank, NamA Bank, PG.Bank… có kế hoạch bán cổ phần cho đối tác ngoại để nâng cao tiềm lực tài chính, đẩy nhanh tái cơ cấu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, với các nhà băng nhỏ, quản trị yếu kém chưa hẳn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.
Vì thế, con đường ngắn nhất vẫn là chọn M&A để tồn tại và phát triển. Thực tế chứng minh, vốn điều lệ của các ngân hàng sau M&A đạt mức trên dưới chục tỷ đồng, như SCB trên 12.000 tỷ đồng, HDBank 8.000 tỷ đồng, PVComBank 9.000 tỷ đồng, VNBC lên kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng…
Ngại lên sàn
Theo yêu cầu, các ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng phải đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung, giao dịch công khai minh bạch, nhằm hạn chế, khắc phục sở hữu chéo. Thế nhưng, không ít kế hoạch niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng đại chúng đã được xây dựng từ rất lâu, trong đó có không ít nhà băng còn có ý định niêm yết trước thời kỳ khủng hoảng xảy ra năm 2008, nhưng đến nay vẫn bỏ lửng.
Nguyên nhân do thị trường không thuận lợi, niêm yết chỉ thiệt hại cho cổ đông khi thị giá cổ phiếu giao dịch ở mức thấp. Vì thế, các nhà băng muốn chuẩn bị nội lực tốt hơn để khi điều kiện thị trường thuận lợi đưa cổ phiếu lên sàn mới thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Ngay cả với các ngân hàng đã niêm yết như Navibank (NVB) đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc rút khỏi sàn HNX. Lý do Navibank đưa ra là việc giao dịch không đem lại hiệu quả như mong đợi trong suốt thời gian từ khi đưa cổ phiếu NVB lên sàn. Thông thường niêm yết cổ phiếu để tăng cường vốn, ổn định thanh khoản, nhưng Navibank đều không đạt được các mục tiêu này.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ Navibank xin hủy niêm yết là do những năm qua hoạt động của ngân hàng không mấy thuận lợi, các cổ đông lớn thoái vốn và ngân hàng đang nằm trong danh sách tái cơ cấu. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2013 của Navibank chỉ đạt 31,94 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng mạnh so với 3,47 tỷ đồng của 2012.
Còn lợi nhuận sau thuế cả năm cũng chỉ đạt 23,95 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với mức lãi 2,4 tỷ đồng của năm 2012. Tuy nhiên, nợ xấu của Navibank vẫn chiếm tới 6% tổng dư nợ cho vay tính đến hết năm 2013, trong đó nợ có khả năng mất vốn 438,32 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối 2012.
DongA Bank cũng không ít lần cho biết sẽ niêm yết cổ phiếu và kế hoạch này đã được trình Đại hội cổ đông thông qua các năm trước, coi đây là điều kiện cần thiết để minh bạch thông tin và tạo tính hấp dẫn cho cổ phiếu của ngân hàng. Tuy nhiên, khi kế hoạch trên của DongA Bank chưa kịp thực hiện, khủng hoảng xảy ra và chứng khoán sụt giảm khiến ngân hàng không còn mặn mà với việc lên sàn.
Hội đồng quản trị của DongA Bank đã hoãn kế hoạch niêm yết vô thời hạn và cho biết chỉ niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi để tránh thiệt hại cho cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ. Southern Bank, NamA Bank cũng có kế hoạch lên sàn HOSE cách đây vài năm. Tuy nhiên, đến nay Southern Bank vẫn chưa thể thực hiện kế hoạch này.