Áp thuế phòng vệ thương mại ngành đường: Nên hay không ?

PV.

Trước áp lực từ đường giá rẻ được trợ giá, bảo hộ quá mức từ các nước ồ ạt tràn vào Việt Nam, các chính sách thuế phòng vệ thương mại (PVTM) được đưa ra thảo luận nhằm đối phó và bảo vệ ngành sản xuất nội địa.

Khởi xướng điều tra, thảo luận chính sách thuế

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh. Số lượng đường nhập khẩu vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan chiếm 87,67%.

Không chỉ tràn vào ồ ạt, lượng đường nhập khẩu còn có giá rẻ bất thường. Đơn cử, giá nhập khẩu bình quân đường thô và luyện từ Thái Lan vào Việt Nam là 334 USD/ tấn, thấp hơn giá bán tại thị trường nội địa Thái Lan đang là 755 USD/ tấn và thậm chí rẻ hơn cả chi phí mía để sản xuất đường, hiện là 410 USD/ tấn.

Áp thuế phòng vệ thương mại ngành đường: Nên hay không ? - Ảnh 1
Giá đường mía nhập khẩu rẻ đến mức báo động gây ra nhiều thiệt hại với ngành mía đường nội địa.

Trước thực tế đó, ngành sản xuất đường Việt Nam đã cung cấp các thông tin, bằng chứng để chứng minh một số sản phẩm mía đường nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam, cũng như Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp quá mức ngành sản xuất mía đường của nước này.

Trên cơ sở hồ sơ từ đại diện ngành sản xuất mía đường trong nước, tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng cuộc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm mía đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Trước đó, để bảo vệ ngành sản xuất đường nội địa, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nếu kết quả cho thấy mặt hàng bị điều tra có biên độ bán phá giá hoặc mức trợ cấp vượt quá quy định của pháp luật và cam kết quốc tế, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất đường Việt Nam, nhiều khả năng trong thời gian tới công cụ thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp (2 trong 3 loại thuế PVTM) sẽ được kích hoạt để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước.

Những kịch bản áp thuế thương mại ngành đường

Xét về bản chất, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp có những điểm khác nhau về căn bản. Thuế chống trợ cấp gián tiếp lên án chính phủ nước xuất khẩu đã cung cấp các nguồn trợ cấp cho doanh nghiệp của họ. Điều này làm cho thuế chống trợ cấp mang tính nhạy cảm cao.

Trong khi đó, đối với thuế chống bán phá giá thì đối tượng bị áp dụng trực tiếp của công cụ này là các doanh nghiệp xuất khẩu đã tiến hành hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. Chính vì vậy, thuế chống bán phá giá là biện pháp PVTM được sử dụng phổ biến nhất trong thương mại quốc tế hiện nay.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, cả 2 loại thuế PVTM này đều giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và hỗ trợ ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại từ hàng hoá nhập khẩu gia tăng đột biến. Đơn cử như Mỹ, quốc gia nhập khẩu đường hàng đầu thế giới. Theo đó, nhờ áp thuế PVTM thành công, nước này đã bảo vệ được ngành sản xuất đường trong nước trước áp lực từ lượng đường nhập khẩu.

Tại Việt Nam, dự báo, với riêng ngành mía đường, nếu áp thuế PVTM thành công, nước ta sẽ bảo vệ được 1,5 triệu việc làm và ổn định sinh kế cho 35 vạn nông dân trong nước.

Thuế PVTM nếu được áp dụng sẽ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân và doanh nghiệp mía đường Việt Nam.
Thuế PVTM nếu được áp dụng sẽ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân và doanh nghiệp mía đường Việt Nam.

Tuy nhiên, áp thuế PVTM như thế nào là hợp lý để đảm bảo hài hoà lợi ích của nhiều bên, từ nông dân, nhà sản xuất, đến người tiêu dùng và quốc gia?

Thực tế cho thấy nếu áp thuế PVTM cao cũng đồng nghĩa giá đường sẽ được đẩy lên cao. Lúc này, nông dân có lợi thế là bán được mía giá tốt, tăng thêm thu nhập nhưng lại dễ rơi vào tình trạng chủ quan, không đầu tư cải thiện năng suất, dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh và mất đi lợi thế khi hội nhập.

Mặt khác, mức thuế cao sẽ khiến giá thành sản xuất các sản phẩm từ đường như bánh kẹo, nước ngọt… gia tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đường và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu giá đường cao, trong khi năng lực sản xuất nội địa chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ dễ phát sinh tình trạng nhập lậu đường, thị trường đường rơi vào tay các đầu nậu buôn lậu.

Điều này không chỉ đặt doanh nghiệp sản xuất đường trong nước vào thế bất lợi khi cạnh tranh với đường lậu, gây thiệt hại cho ngành mía đường mà còn khiến nhà nước bị thất thu nguồn thuế, phải tăng cường kiểm soát chống đường lậu, gian lận thương mại.

Ở một kịch bản khác, nếu áp thuế PVTM quá thấp, giá đường cũng sẽ được đẩy lên nhưng không đáng kể. Giá đường trong và ngoài nước tiệm cận nhau nên vấn đề nhập lậu đường sẽ được kiểm soát.

Thuế PVTM thấp cũng kéo theo giá đường vốn được cho là nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu của nhiều dòng sản phẩm chế biến thực phẩm, nước uống cũng giảm đi tương ứng. Giá thành đầu vào của các doanh nghiệp sử dụng đường giảm nên những sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng sẽ có giá thành “mềm” và cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, cả nông dân và nhà sản xuất đường sẽ cùng gặp khó khăn vì thu nhập từ mía, đường không đủ bù đắp chi phí trồng trọt và sản xuất. Nhà nước siết được tình trạng đường lậu nhưng chưa thể khôi phục toàn bộ ngành mía đường.

Có thể thấy, kịch bản nào cũng có những lợi ích và bất cập. Chính vì thể, để công cụ thuế PVTM phát huy tối đa vai trò ổn định thị trường, tái lập môi trường cạnh tranh công bằng và duy trì lợi ích hài hòa giữa các bên thì nhà nước cần thảo luận kỹ lưỡng để đưa ra một mức thuế PVTM hợp lý với cả đường thô lẫn đường trắng.

Đến nay, dù các vụ việc bán phá giá, bảo hộ quá mức vẫn đang trong quá trình điều tra, việc sớm áp dụng mức thuế suất hợp lý cho các mặt hàng đường nhập khẩu vào Việt Nam được cho là hết sức cần thiết.

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng vạn nông dân, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất phát triển, các biện pháp phòng vệ còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.