Cam kết về phòng vệ thương mại trong các FTA và vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã và đang đặt ra những lợi ích, kỳ vọng đồng thời cũng là những thách thức được báo trước, trong đó có vấn đề về phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng đón nhận các cơ hội, cũng như ứng phó với những thách thức từ việc tham gia các FTA thế hệ mới.
Khát quát về các biện pháp phòng vệ thương mại
Bên cạnh những lợi ích to lớn, tự do hoá thương mại cũng có thể tạo ra nhiều rủi ro và tiềm ẩn gây thiệt hại cho các thành viên. Do đó, khi xây dựng các hiệp định thương mại, các nước vẫn cho phép thực hiện những chính sách mang tính rào cản nhất định để bảo vệ mình trước các hành vi thương mại không lành mạnh hoặc trong bối cảnh gia tăng đột biến hàng nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước của thành viên. Thông thường các rào cản thương mại được hiểu là những biện pháp thuế quan hoặc phi thuế quan, nhằm hạn chế, làm giảm sự dịch chuyển hàng hoá giữa các vùng lãnh thổ được thể hiện qua các công cụ thuế quan/phi thuế quan.
Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Các biện pháp PVTM đều giống nhau ở mục đích áp dụng là bảo vệ/hỗ trợ ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại từ hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, các biện pháp nói trên đều có sự khác nhau nhất định, đặc biệt là giữa biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ.
Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hoá nhập khẩu. Trong khi, biện pháp chống bán pháp giá là để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh thì biện pháp chống trợ cấp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa nội địa xuất phát từ các chính sách trợ cấp của Chính phủ nước xuất khẩu.
Đối với biện pháp tự vệ, công cụ này không nhằm đối phó với hành vi thương mại thiếu lành mạnh như phá giá, trợ cấp được dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự gia tăng của hàng nhập khẩu, dẫn đến những thiệt hại mang tính “nghiêm trọng” cho ngành sản xuất trong nước.
Các biện pháp về PVTM mà một số quốc gia áp dụng với một quốc gia thành viên khác phải thoả mãn yêu cầu của các quy định tại Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) và các hiệp định liên quan khác như: Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp dịnh trợ cấp và các biện pháp đối kháng và Hiệp định tự vệ…
Trong giai đoạn 2016-2018, Bộ Công Thương đã áp dụng 6 biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân bón DAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt thép như: phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu. Các biện pháp này đã giúp bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý và khuyến khích sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các FTA cần có những điều khoản về PVTM, đó là do sự lo ngại về những hệ quả tiêu cực tác động tới ngành sản xuất trong nước từ các hiệp định. Hầu hết các FTA nói chung, FTA thế hệ mới nói riêng đều có mục tiêu xóa bỏ toàn bộ các rào cản đối với thương mại, do vậy, hầu hết các thành viên tham gia FTA được kỳ vọng là sẽ hạn chế/không áp dụng các biện pháp PVTM trong nội khối.
Khi Chính phủ tham gia FTA, các ngành sản xuất cạnh tranh với hàng nhập khẩu cần phải được đảm bảo rằng họ có công cụ để bảo vệ chính mình trước những hệ quả chưa lường trước được khi thực hiện cam kết. Việc duy trì các biện pháp PVTM trong FTA có thể sẽ hỗ trợ hữu ích cho quá trình tìm kiếm sự ủng hộ của các doanh nghiệp đối với đàm phán, thực thi hiệp định. Tuy nhiên, căn cứ từng FTA cụ thể mà các biện pháp PVTM sẽ được quy định ở các mức độ và loại hình khác nhau. Các cấp độ thông thường của các biện pháp PVTM được quy định tại các FTA, bao gồm:
- Đối với biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp: Cấp độ của các quy định chống bán pháp giá và trợ cấp trong FTA được phân loại như sau: Không chấp nhận biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp áp dụng đối với thành viên của FTA; Quy định một cách không cụ thể; Quy định cụ thể biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp áp dụng đối với thành viên FTA.
- Đối với biện pháp tự vệ: Các FTA thường phân loại biện pháp tự vệ làm hai nhóm: Nhóm (1) biện pháp tự vệ song phương hoặc trong khuôn khổ FTA; nhóm (2) biện pháp tự vệ toàn cầu. Trong đó, nhóm (1) chỉ được áp dụng đối với các thành viên của FTA nhằm ứng phó với hệ quả khi thực hiện cam kết trong hiệp định như giảm thuế, hàng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Nhóm (2) là biện pháp tự vệ theo ý nghĩa của điều XIX-GATT và Hiệp định tự vệ của WTO. Cấp độ của biện pháp tự vệ cũng được phân loại tương tự chống bán phá giá và trợ cấp gồm: không cho phép, quy định không cụ thể và quy định chi tiết.
Cam kết và thực tế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam
Tính đến tháng 4/2020, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 55 đối tác thương mại thông qua việc đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong 16 FTA, Việt Nam đã ký kết và thực thi 13 FTA; 3 FTA còn lại đang được đàm phán bao gồm: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA với Israel và FTA với Khối thương mại tư do châu Âu (EFTA).
Các nội dung cơ bản về PVTM của Việt Nam trong các FTA như sau:
- Các nội dung về PVTM về cơ bản đều dựa trên các cam kết chung về PVTM trong khuôn khổ WTO.
- Tuỳ thuộc vào đối tác và tầm quan trọng của thị trường xuất khẩu, Việt Nam có thể linh hoạt trong phạm vi và nội dung áp dụng biện pháp PVTM.
- Về nội dung quy định, đa số các quy định về PVTM trong các FTA của Việt Nam liên quan đến biện pháp tự vệ. Một số ít hiệp định có đề cập đến các biện pháp khác nhau như: chống bán phá giá, chống trợ cấp theo hướng dẫn chiếu tới việc áp dụng quy định của WTO.
- Đối với trường hợp quy định bổ sung thêm ngoài các quy định của WTO, ngoại trừ EVFTA và CPTPP bổ sung thêm quy định đối với biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, các FTA khác của Việt Nam đều tập trung bổ sung thêm các quy định về biện pháp tự vệ song phương và khu vực. Đối với biện pháp tự vệ toàn cầu, các FTA của Việt Nam thường dẫn chiếu tới các quy định của WTO.
Thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với quy định của WTO và các cam kết quốc tế. Trong giai đoạn 2016-2018, Bộ Công Thương đã áp dụng 6 biện pháp PVTM đối với phân bón DAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt thép như: phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu. Các biện pháp này đã giúp bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý và khuyến khích sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ cần bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất này đang sử dụng khoảng 100.000 lao động, đóng góp khoảng 6,13% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Qua theo dõi tác động của các biện pháp PVTM, Bộ Công Thương nhận thấy, việc tăng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Nhờ các chính sách phù hợp của Nhà nước và nỗ lực của minh, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoái khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.
Các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng… vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước; đồng thời, giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng cho thấy, năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp được đảm bảo. Các biện pháp PVTM được áp dụng kịp thời đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hoá trong nước và bảo đảm giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh.
Vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia các FTA
Từ góc độ thực thi, để tận dụng tốt cơ hội mà các FTA mang lại, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, bên cạnh việc nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ, tìm hiểu cam kết cụ thể trong các FTA này, trong đó có cam kết về các biện pháp PVTM để có thể khai thác, sử dụng một cách phù hợp. Cụ thể như:
Thứ nhất, tăng cường nhận thức để sử dụng có hiệu quả công cụ PVTM trong các FTA mà Việt Nam tham gia:
- Tăng cường thông tin về PVTM trong các FTA qua kênh hiệp hội ngành hàng. Các hiệp hội có thể lấy thông tin hoặc tư vấn từ các đơn vị chuyên môn như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Cách thức này vừa hiệu quả, vừa đúng đối tượng và tiết kiệm được nguồn lực.
- Có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp để đánh giá mức độ cạnh tranh của các ngành, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh cho những ngành có lợi thế cạnh tranh và định hướng điều chỉnh sản xuất cho các ngành, doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh để tận dụng tối đa những lợi ích từ các FTA.
- Chủ động tiếp cận thông tin của các kênh thông tin chuyên môn như Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương, VCCI.
- Chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền vận dụng các biện pháp PVTM được phép ứng dụng trong WTO và các FTA để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trước sự cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.
- Tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, sản phẩm; tìm kiếm và mở rộng các kênh bán hàng, phân phối… Trong đó, chú trọng các nước đối tác trong các FTA hiện hành và có tiềm năng đem lại tác động tích cực cho thương mại Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng năng lực về PVTM, đáp ứng điều kiện pháp luật và thực tiễn liên quan, cụ thể:
- Tăng cường nguồn nhân lực của doanh nghiệp về PVTM thông qua đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực về vấn đề PVTM.
- Tăng cường nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp: Khởi kiện PVTM luôn đòi hỏi một khoản chi phí lớn. Bản chất của kiện PVTM là vì lợi ích và xuất phát từ chính nhu cầu của doanh nghiệp, nên không thể dựa vào các nguồn lực từ bên ngoài. Do đó, doanh nghiệp cần được tư vấn, tuyên truyền để có kế hoạch tài chính cho các hoạt động pháp lý, để tạo nguồn lực sẵn sàng cho việc đi kiện PVTM khi cần thiết. Các hiệp hội ngành hàng cần có một khoản quỹ dành cho việc này, được tạo thành từ ngồn lực của hiệp hội và từ các hội viên, bởi ngoài các chi phí riêng cho kiện PVTM từ doanh nghiệp, cũng có một số hoạt động cần hành động chung của nhiều doanh nghiệp.
- Đa dạng hóa các công cụ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả các công cụ PVTM.
- Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động có các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ PVTM để giải quyết các vướng mắc về năng lực này.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong một vụ kiện PVTM:
- Tăng cường phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp: Việc tăng cường phối hợp của doanh nghiệp với nhau cần tập trung vào các nội dung sau: Nâng cao khả năng tập hợp lực lượng của các hiệp hội ngành hàng. Việc tập hợp lực lượng thông qua hiệp hội ngành hàng có lợi thế rất lớn trong việc tận dụng “đầu mối sẵn có” cho tất cả các hoạt động cần thiết của một vụ kiện PVTM.
- Tăng cường việc kết nối, trao đổi thông tin giưa các doanh nghiệp. Trong bối cảnh mối liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn bất cập, việc tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp có chung sản phẩm có thể được thực hiện qua việc: Hình thành các nhóm doanh nghiệp cùng sản xuất các sản phẩm liên quan có nguy cơ cao; hoặc thiết lập các nhóm doanh nghiệp nhỏ trong hiệp hội ngành hàng liên quan tới một số sản phẩm quan trọng/có nguy cơ cao. Các nhóm này đồng thời cũng sẽ là hạt nhân cốt lõi trong các hoạt động tham gia vụ kiện PVTM khi vụ kiện được khởi xướng.
- Tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có liên quan như: Cơ quan điều tra là Cục PVTM – Bộ Công Thương (phụ trách cả điều tra phá giá/trợ cấp/tự vệ và điều tra thiệt hại đối với ngành hàng sản xuất nội địa); Bộ Công Thương (chủ thể ra quyết định áp dụng các biện pháp PVTM sơ bộ, chính thức); Cơ quan thuế (phụ trách việc thực hiện phân loại và thu thuế PVTM tạm thời, chính thức).
Ngoài ra, còn có những cơ quan nhà nước khác mặc dù không có thẩm quyền hay chức năng, nhiệm vụ trực tiếp trong vụ việc điều tra PVTM, nhưng lại có liên quan gián tiếp tới các vụ điều tra, ví dụ như cơ quan Hải quan… Đối với các cơ quan này, doanh nghiệp có thể đề nghị hỗ trợ dưới các hình thức sau: Đơn giản hoá, cải cách thủ tục hành chính liên quan tới việc áp dụng các yêu cầu của doanh nghiệp gắn với mục tiêu kiện PVTM; Phối hợp hiệu quả, kịp thời với cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra…
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017 của Quốc hội;
2. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016 của Quốc hội;
3. Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc Chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam;
4. Nghị định số 89/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam;
5. Nghị định số 150/2003/NĐ-CP ngày 8/12/2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam;
6. Pháp lệnh số 22/2004/Pl – UBTVQH11 ngày 20/8/2004 về chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam;
7. Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH11 ngày 7/6/2002 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam;
8. Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.