APEC mang lại nhiều lợi ích, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam

PV.

APEC hiện gồm 21 nền kinh tế thành viên, với khoảng 2,8 tỷ dân và đóng góp 43 nghìn tỷ USD tổng GDP, 20 nghìn tỷ USD thương mại quốc tế; tương đương khoảng 39% dân số thế giới, 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu. Việc tham gia APEC đã và đang góp phần nâng cao nội lực đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam.

APEC mở ra nhiều cơ hội

Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998. APEC là diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC đã thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam đối với các đối tác APEC.

Hợp tác APEC mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận thị trường của các nền kinh tế thành viên. Các doanh nghiệp Việt được hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Sự gắn kết kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế thành viên tạo điều kiện cho người dân có thêm lựa chọn về việc làm, hàng hóa, dịch vụ, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, du lịch với chất lượng và giá cả tốt hơn.

APEC đang triển khai các chương trình giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, giao lưu sinh viên với mục tiêu cụ thể là trao đổi sinh viên giữa các trường đại học APEC đạt một triệu người vào năm 2020 và số lượt khách du lịch của APEC đạt 800 triệu người vào năm 2025.

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức APEC vào năm 2006, với hơn 100 hoạt động. Hàng chục hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế APEC đã được ký kết. Sự kiện này cũng quảng bá hình ảnh Việt Nam hòa bình, đổi mới, năng động và mến khách.

Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra vào ngày 6 - 11/11/2017, với sự tham dự của hơn 10.000 đại biểu quốc tế, trong đó có lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu khu vực và trên thế giới cũng như đại diện của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn.

Chủ đề năm APEC 2017 tại Việt Nam là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung". Việt Nam đề xuất 4 hướng ưu tiên lớn là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kỳ vọng của Việt Nam

Nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6-11/11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài viết nhan đề "Việt Nam năng động, hội nhập và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương". 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong 30 năm Đổi mới vừa qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam đạt gần 7%/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được 310 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn giải ngân thực tế là 165 tỷ USD, trong đó gần 80% là đến từ các nước Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong số 26 khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện mà Việt Nam đã thiết lập, có các cường quốc hàng đầu ở Châu Á - Thái Bình Dương, các nước ASEAN. 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả các hiệp định đã ký kết, thực thi và đang đàm phán là minh chứng cho chủ trương chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam cũng như mong muốn thúc đẩy hơn nữa tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực và trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thức 4, Chính phủ kiến tạo phát triển của Việt Nam rất coi trọng việc xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt, hỗ trợ tiếp cận thị trường minh bạch, duy trì chuẩn mực lao động tiên tiến, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo không ngừng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động tìm kiếm giải pháp của mình để ứng phó với những yếu tố gây cản trở quá trình hội nhập quốc tế như vấn nạn trốn thuế, chuyển giá, công nghệ lạc hậu, chủ nghĩa bảo hộ, khủng bố…; đồng thời tích cực triển khai các thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và định hình các thể chế đa phương, nhất là các cơ chế hợp tác khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, với không khí cải cách đang lan tỏa khắp vành đai Thái Bình Dương và với quy mô và vai trò của mình, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ góp phần định hình nên những thành tựu phát triển mới trong thế kỷ XXI. Theo đó, một tầm nhìn mới cho khuôn khổ APEC trong tương lai cần được xây dựng. Các khuôn khổ hợp tác kinh tế cần được xem xét, có thể dần được mở rộng sang các lĩnh vực phi kinh tế như văn hóa, môi trường, khoa học công nghệ và giáo dục, trong đó lấy phát triển con người làm trung tâm, là động lực mang tính quyết định các khuôn khổ và cấu trúc hợp tác mới. Nói cách khác, APEC cần góp phần thiết lập khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế mới với một mô thức quản trị mới, một chương trình nghị sự mới và một kiến trúc hợp tác mới.

Thủ tướng kỳ vọng, trong khuôn khổ APEC, sự trỗi dậy của một số nền kinh tế APEC không nên là sự đe dọa mà nên là những cơ hội cho xây dựng quan hệ đối tác tốt đẹp, là tấm gương sáng, bài học kinh nghiệm hay cho các quốc gia và nền kinh tế khác trên con đường dẫn tới thành công. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều sáng kiến, diễn đàn, và khuôn khổ hợp tác kinh tế mới, APEC cần tạo dựng cho mình một bản sắc riêng, một cơ chế nhằm tìm kiếm sự thống nhất cao trong các thành viên APEC.

Đứng trước thực tế hiện nay, mọi thành viên APEC cần cùng nhau hợp tác để có những phương thức tiếp cận sáng tạo nhằm thiết lập sự thống nhất trong đa dạng mang tính xây dựng, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế. Một Châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết, hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững phải là mục tiêu, trách nhiệm chung, đòi hỏi sự chung tay, kề vai sát cánh của mọi nền kinh tế APEC, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển ở vành đai Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh và chào đón các nhà lãnh đạo APEC tham dự Tuần lễ cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hơn nữa tiến trình tự do hóa thương mại, đồng thời cũng là dịp để các nền kinh tế thành viên hiểu rõ hơn về con người, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam hy vọng, nhân dịp này, bằng sự thông tuệ và tầm nhìn của mình, các nhà Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ đưa ra những giải pháp tối ưu để cùng nhau "tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung".