APO hỗ trợ Việt Nam phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo
Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tổng thể phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo được Chính phủ phê duyệt tại Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay, hoạt động hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo đang được triển khai mạnh mẽ trên nhiều cấp độ và là một xu thế lớn mà Chính phủ và Nhà nước đang quan tâm và triển khai tại Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ đã mời các chuyên gia từ các cơ quan chính phủ, Bộ ngành liên quan, hiệp hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng tiêu chuẩn quốc tế thuộc các Ủy ban kỹ thuật của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế liên quan đến tự động hóa, thương mại số, thương mại điện tử, sản xuất thông minh, đổi mới sáng tạo để nắm bắt những xu thế mới nhất hiện nay và tư vấn cho Chính phủ về đổi mới sáng tạo.
Năm 2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục thảo luận với các thành viên của các tổ chức quốc tế và khu vực về các hoạt động chuyên môn trong đó có đổi mới sáng tạo. Trong khuôn khổ Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), năm 2022 các thành viên sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm về các chủ đề cụ thể như: Năng suất và Đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế số, các tiêu chuẩn và khung về quản lý đổi mới sáng tạo trong tổ chức, các mô hình kinh doanh đổi mới cho du lịch nông thôn, các công nghệ đổi mới cho nông nghiệp thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm tươi sống, mô hình nông nghiệp thông minh đổi mới. Đồng thời, Tổng cục tiếp tục trao đổi hợp tác song phương và đa phương về tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực về các công nghệ mới nổi, thương mại điện tử, thương mại số, sản xuất thông minh và đổi mới sáng tạo.
Có thể thấy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến những cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), các nền kinh tế thành viên thảo luận và nghiên cứu các giải pháp để tăng năng suất, trong đó có đi tắt đón đầu thông minh thông qua đổi mới sáng tạo, cải cách mô hình quản lý đồng thời mở rộng năng lực áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới.
APO cũng thúc đẩy các nghiên cứu của các nền kinh tế thành viên để tư vấn xây dựng môi trường pháp lý giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo. APO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tổng thể phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch tổng thể về năng suất quốc gia là sáng kiến của APO nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên xây dựng các mục tiêu, chiến lược và hành động giúp nâng cao năng suất.
Kế hoạch tổng thể về năng suất cũng góp phần đưa năng suất vào các chương trình phát triển quốc gia, tăng cường vai trò của năng suất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nền kinh tế thành viên APO. Kế hoạch tổng thể sẽ đề xuất các hành động cần phải được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, xây dựng năng lực hấp thụ vốn con người, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông và hạ tầng logistic, bố trí và phân bổ các nguồn lực.
Tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng chất lượng chính là một trong các yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua công tác tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực mới như IoT, blockchain, thương mại số, thương mại điện tử, in 3D, sản xuất thông minh sẽ tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động này. Cụ thể, hoạt động hợp tác song phương với đối tác hàng đầu trong lĩnh vực này như Úc, Mỹ trong hai năm vừa qua về tiêu chuẩn hóa cho các công nghệ mới nổi, in 3D, hợp tác đa phương trong ASEAN để xây dựng lộ trình và biện pháp triển khai sản xuất thông minh là minh chứng cho hoạt động hợp tác đó.