Ảrập Xêút “lọt vào danh sách đen” của EU
Ảrập Xêút bày tỏ “rất lấy làm tiếc” về các đề xuất mới đây của Liên minh châu Âu (EU) khi bổ sung quốc gia này cùng 6 nước khác vào danh sách đen rửa tiền.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Riyadh và các nước châu Âu về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cuối năm ngoái. Ông Khashoggi, cộng tác viên tờ Washington Post (Mỹ), được cho là bị các đặc vụ Ảrập Xêút thủ tiêu. Vụ án mạng đã khiến chính quyền Riyadh rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất.
Cách đây 2 hôm, Ủy ban châu Âu cho biết đã bổ sung 7 quốc gia, trong đó có Ảrập Xêút và Panama, vào danh sách đen vốn đang có tên 16 nước như Iran, Iraq, Pakistan, Ethiopia và Triều Tiên… Một vài quốc gia châu Âu như CH Síp hay Vương quốc Anh cũng bị điểm danh.
Việc nằm trong danh sách không có nghĩa các nước có tên sẽ là mục tiêu của lệnh trừng phạt, nhưng nó sẽ buộc các ngân hàng châu Âu phải áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn những giao dịch với khách hàng và tổ chức thuộc các quốc gia đó.
Hãng thông tấn báo chí chính thức của Ảrập Xêút đã dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mohammed Al-Jadaan cho biết Riyadh “lấy làm tiếc trước việc Ủy ban châu Âu đề xuất sửa đổi danh sách các quốc gia có nguy cơ cao”. Ông nhấn mạnh, “cam kết chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Riyadh là ưu tiên chiến lược”, đồng thời “sẽ tiếp tục phát triển và tăng cường khung pháp lý để đạt được mục tiêu trên”.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo vừa qua tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Ủy viên Tư pháp châu Âu Vera Jourova tuyên bố, EU muốn “đưa ra các tiêu chuẩn cao nhất thế giới” để chống lại các giao dịch tài chính bất hợp pháp. Bà nói, EU muốn bảo đảm rằng tiền bẩn từ các quốc gia khác sẽ không kết thúc trong hệ thống tài chính của khối. Bà Jourova nói thêm, hoạt động rửa tiền là “động lực” đằng sau các nhóm tội phạm và khủng bố có tổ chức, đồng thời kêu gọi các quốc gia có tên trong danh sách “nhanh chóng khắc phục thiếu sót của mình”.
Đề xuất này phải được Nghị viện châu Âu và 28 quốc gia thành viên chấp thuận. Tuy nhiên, Anh và Pháp đang phản đối. Một nhà ngoại giao giấu tên nhận định, những phản đối của London và Paris đối với danh sách mới không có liên quan gì đến việc muốn xoa dịu Riyadh, đặc biệt sau những căng thẳng hậu vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Theo nhân vật này, sự phản đối không hẳn nằm ở việc bổ sung các tên mới mà do lo ngại về “phương pháp” Ủy ban châu Âu sử dụng. Nghị sĩ châu Âu Eva Joly, một cựu thẩm phán điều tra, dù lên tiếng hoan nghênh danh sách đen mới nhưng đề nghị Ủy ban “công bố các đánh giá quốc gia để tăng tính minh bạch của quy trình và tránh cáo buộc thương lượng chính trị”.