ASEAN trên con đường “cao tốc” tăng trưởng
(Tài chính) 5, 55, 2, 7, 46, 690, 9, 70, 1/3, 26. Dãy số rời rạc này phải không là một mã số bí mật mà đơn giản chỉ là 10 con số quan trọng để hiểu về ASEAN.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 bởi 5 thành viên sáng lập là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Sau đó, lần lượt Brunei gia nhập năm 1984, Việt Nam năm 1995, Lào năm 1997, Myanmar năm 1997 và Campuchia năm 1999, tạo nên danh sách 10 nước thành viên hiện nay. Nhiều người nhầm tưởng rằng ASEAN hoạt động tương tự như Liên minh Châu Âu (EU), nhưng thực tế không phải như vậy. ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận – đó là cách riêng của ASEAN. Không có cơ quan quyền lực trung ương như Ủy ban Châu Âu (EC) để bảo đảm các nước thành viên phải tuân thủ các cam kết mà họ đưa ra. Mục tiêu của ASEAN là hội nhập ngày một sâu rộng giống như một thị trường đồng nhất. Một sáng kiến quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến được thành lập vào năm 2015.
ASEAN là khu vực có sự phân hóa cao, ví dụ GDP bình quân đầu người của Singapore cao gấp 55 lần so với Campuchia. Không chỉ tồn tại cách biệt lớn về kinh tế, ASEAN còn bao gồm rất nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, hệ thống chính trị và nhiều dân tộc khác nhau. Sự phân hóa này có thể giải thích phần nào những khó khăn của khu vực trong quá trình hội nhập. Đồng thời, cách biệt lớn về kinh tế đòi hỏi quá trình hội nhập phải được thúc đẩy hơn nữa nhằm thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập ở trong khu vực. Tuy nhiên, sự phân hóa này không hoàn toàn mang tính tiêu cực bởi lẽ qua đó ASEAN mang đến cho các doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn khi hoạt động tại đây, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.
ASEAN lâu nay luôn là khu vực tăng trưởng cao và ổn định hơn các khu vực khác. Trong giai đoạn 1980-2013, tốc độ tăng trưởng hàng năm của ASEAN cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu 2 điểm phần trăm. Thành tựu này đã thu hẹp khoảng cách GDP bình quân đầu người giữa ASEAN và mức bình quân toàn cầu từ 6 lần vào năm 1980 xuống còn 2,7 lần vào năm 2013. Đáng chú ý hơn nữa là tốc độ tăng trưởng của khu vực luôn được duy trì ổn định. Từ 1980 đến 2013, tốc độ tăng trưởng chung đạt trên 5%; ngoại trừ thời gian khủng hoảng tài chính châu Á và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của ASEAN vẫn đạt 4,9%. Chúng tôi tin rằng hơn một nửa số thành viên của ASEAN có tiềm năng tăng trưởng ở mức 7% hoặc cao hơn. Hiện tốc độ tăng trưởng này đang được ghi nhận ở các quốc gia như Myanmar, Lào và Campuchia. Với tốc độ tăng trưởng 7%, quy mô của một nền kinh tế sẽ gia tăng gấp đôi sau mỗi chu kỳ 10 năm.
Dù ASEAN có mức tăng trưởng cao trong vài thập kỷ qua, cho nên sẽ tiếp tục có nhiều dư địa tăng trưởng trong khu vực. Tỷ lệ nông nghiệp của khu vực vẫn còn khá cao - tính đến năm 2013, chỉ có 46% dân số sống ở thành thị. Trong khi đó, trên thế giới, tỷ lệ đô thị hóa đã vượt mốc 50% từ năm 2007. Trong ASEAN, chỉ có Singapore, Brunei và Malaysia được xem như là đã đô thị hoá. Nền kinh tế Singapore và Brunei có thể sẽ tăng trưởng chậm trong những năm tới, nhưng tốc độ tăng trưởng của toàn khu vực ASEAN vẫn có thể đạt khoảng 5% hoặc cao hơn trong trung hạn. Với giả thiết xu hướng đô thị hóa của các nước ASEAN sẽ tiếp tục được thúc đẩy, ước tính GDP bình quân đầu người của ASEAN sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 3.900 USD năm 2013 lên 8.500 USD năm 2030. Đến lúc đó, tỷ lệ đô thị hóa của ASEAN có thể đạt tới 60%.
Nhờ quá trình đô thị hóa, thị trường tiêu dùng của ASEAN đang mở rộng. Dân số ASEAN dự kiến sẽ tăng thêm hơn 10% lên 690 triệu người vào năm 2020. Nhu cầu nhà ở sẽ gia tăng. Dân số đô thị của ASEAN dự kiến sẽ gia tăng tương đương với 3,3 lần dân số Thượng Hải, 4,4 lần dân số Delhi, và 9 lần đân số Tokyo hay London tính tại năm 2013. Cùng với đà gia tăng dân số đô thị, mức thu nhập có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Số lượng nữ giới tham gia vào lực lượng lao động sẽ gia tăng khi khu vực giáo dục công được mở rộng khắp khu vực với mức chi phí thấp hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số lượng gia đình trong đó có hai thành viên có thu nhập có thể sẽ gia tăng. Tin tưởng rằng, người tiêu dùng ASEAN sẽ là một nguồn cầu mạnh mẽ cho thị trường bất động sản nhà ở và thương mại, đồ gia dụng, các loại phương tiện cơ giới, sản phẩm thông tin và viễn thông, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tài chính.
Hấp dẫn và thu hút đầu tư
ASEAN là khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Khu vực này thu hút 9% dòng vốn FDI toàn cầu năm 2013, vượt qua cả Trung Quốc. Hầu hết vốn FDI được đổ vào lĩnh vực sản xuất và điều này cho thấy điểm tích cực của ASEAN: hấp dẫn vốn đầu tư vào cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, ASEAN không chỉ hấp dẫn đầu tư nhờ năng lực sản xuất; nhà đầu tư còn thấy ASEAN như một thị trường nội địa rất lớn. Nếu xem ASEAN là một quốc gia duy nhất, đó sẽ là thị trường lớn thứ ba trên thế giới về dân số sau Trung Quốc và Ấn Độ.
ASEAN có thể được lợi từ sự suy giảm sức cạnh tranh về chi phí của Trung Quốc. Lực lượng lao động của ASEAN dự kiến sẽ tăng thêm 70 triệu vào năm 2030 (so với năm 2010). Trong khi đó, lực lượng lao động của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm gần 70 triệu. Cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi của ASEAN giúp khu vực này thu hút các nhà đầu tư đang tìm kiếm khu vực đặt cở sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, ASEAN sẽ cần phải nâng cao năng suất lao động để thu hút đầu tư. Năng suất lao động tại hầu hết các nước ASEAN chỉ bằng khoảng 1/3 đến 1/2 so với năng suất lao động tại Mỹ, ngoại trừ Singapore (nước có năng suất lao động cao nhất châu Á). ASEAN có thể phần nào thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế có năng lực sản xuất cao hơn bằng cách gia tăng số lượng và chất lượng vốn cổ phần của mỗi công nhân. Trong khu vực ASEAN, trừ Singapore, chỉ số này chỉ khoảng 10-40% so với Mỹ.
Đón nhận xu hướng đầu tư ưu tiên cho ASEAN, khu vực này có thể đẩy mạnh vai trò của mình trong thương mại toàn cầu. ASEAN đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu và chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu trong năm 2013. Với việc dòng vốn FDI đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang ASEAN, khu vực này sẽ có thể bắt kịp với Trung Quốc – nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Trong dài hạn, ASEAN sẽ có lợi từ các hiệp định thương mại tự do hiện đang được đàm phán, đặc biệt trong số đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thông qua những hiệp định này, các nền kinh tế ASEAN có thể tiếp cận những thị trường có quy mô lớn hơn nhiều lần. Ngoài ra, thương mại nội khối ASEAN cũng có thể phát triển hơn nữa nhờ tăng cường hợp tác kinh tế ngày càng mạnh mẽ với sự hỗ trợ của các sáng kiến, trong đó có việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), và sự hỗ trợ của dòng vốn FDI cùng với sự thịnh vượng đang gia tăng trong khu vực. Năm 2013, thương mại nội khối chiếm khoảng 26% tổng khối lượng thương mại của ASEAN.
Trong một vài tháng trở lại đây, niềm tin vào nền kinh tế toàn cầu nằm ở mức thấp và ASEAN cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu có thể tăng trưởng "chậm" ở mức 5% trong ngắn hạn, ASEAN vẫn là một khu vực rất khả quan.