ASEAN và Nhật sẽ hoàn tất ký kết thỏa thuận kinh tế toàn diện trong tháng tới

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Cho đến hiện tại, Nhật đã ký thỏa thuận thương mại riêng rẽ với 7 nước thành viên ASEAN thế nhưng mức độ tự do hóa với từng nền kinh tế khác nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhật và nhóm nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang chốt lại những cập nhật cuối cùng trong thỏa thuận hợp tác kinh tế nhằm giải quyết nhiều vấn đề bao gồm tự do hóa hoạt động đầu tư và lĩnh vực dịch vụ, hoàn tất thỏa thuận được hình thành từ cách đây hơn 1 thập kỷ.

Theo Nikkei, Nhật và mỗi nước thành viên ASEAN sẽ ký thỏa thuận vào khoảng đầu tháng 3/2019, thỏa thuận sẽ có hiệu lực khi mà chính phủ mỗi nước hoàn tất việc phê chuẩn. Thủ tướng Abe từng gặp với nhiều nhà lãnh đạo ASEN vào tháng 11/2018 để xác nhận về ngày ký thỏa thuận.

Các cuộc đàm phán để hướng tới Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN Nhật (AJCEP) bắt đầu vào năm 2005. Việc gỡ bỏ dần các rào cản thuế quan trong giao dịch thương mại bắt đầu được thực thi từ năm 2008, các vấn đề như mở cửa đón đầu tư hoặc dịch vụ được triển khai.

Cho đến hiện tại, Nhật đã ký thỏa thuận thương mại riêng rẽ với 7 nước thành viên ASEAN thế nhưng mức độ tự do hóa với từng nền kinh tế khác nhau, Nhật chưa có thỏa thuận nào với Campuchia, Lào hay Myanmar. Số lượng các công ty Nhật có hoạt động tại 10 nước ASEAN tăng đến 70% trong khoảng thời gian 5 năm tính đến năm 2017 lên khoảng 12.500 công ty. 

Tại Myanmar, nơi mà tự do hóa còn chậm, việc hoàn tất AJCEP sẽ giúp nới lỏng kiểm soát với dòng vốn ngoại trong lĩnh vực xây dựng, giáo dục, truyền thông, tài chính và vận tải. Các công ty cần giữ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới mức 35% để hoạt động như một doanh nghiệp nhỏ, tuy nhiên quy định này không quá chặt chẽ. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ có thể mua thêm cổ phần theo thỏa thuận tính toán từ trước đó.

Tại Lào, ngành cho thuê thiết bị sẽ nằm trong nhóm ngành được tự do hóa nhiều nhất. Ngành kinh doanh dịch vụ nhà hàng và môi trường cũng sẽ mở cửa nhiều hơn nữa. Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ có thể được sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp lần đầu tiên khi họ bị phân biệt đối xử, nhờ vậy cũng giúp giảm đi rủi ro cho các doanh nghiệp Nhật.

Thỏa thuận cũng giúp cho minh bạch chính phủ tốt hơn. Nhóm các nước mới nổi thường đơn phương từ chối hoạt động của doanh nghiệp mới, tuy nhiên thỏa thuận mới nhất sẽ khiến giới chức phải nói rõ lý do.