Tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN

PGS., TS. NGUYỄN NGỌC HÙNG, ThS. TỐNG THỊ LỘC - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Để đánh giá tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN, nghiên cứu đã sử dụng hai phương pháp ước lượng FEM và REM dựa trên dữ liệu được thu thập từ 6 quốc gia ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào và Campuchia) trong giai đoạn 1989 - 2013 từ cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, đồng thời thực hiện một số kiểm định cần thiết để chọn ra phương pháp ước lượng tốt nhất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi tiêu công không gây ảnh hưởng, chỉ có đầu tư tư nhân mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước đây

Tính đến những năm 1970, các nhà kinh tế theo trường phái Keynes vẫn cho rằng, chi tiêu chính phủ - đặc biệt là các khoản chi tiêu thông qua vay nợ - có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ làm tăng sức mua (tổng cầu) của nền kinh tế.

Tuy nhiên, lý thuyết của Keynes đã gặp thách thức lớn khi nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong những năm 1970 và khi có sự bùng nổ kinh tế nhờ cắt giảm thuế kết hợp với thắt chặt chi tiêu trong những năm 1980.

Ngược với quan điểm của trường phái Keynes, trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nhà kinh tế tin rằng, việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là một vấn đề quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Theo Barro (1990), việc tăng chi tiêu chính phủ hay thuế chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi tác động tích cực của việc tăng chi tiêu lớn hơn tác động tiêu cực của việc tăng thuế.

Devarajan, Swaroop và Zou (1996) đã dựa trên mô hình của Barro (1990) và một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm khác để xây dựng mô hình nghiên cứu vai trò của các thành phần chi tiêu nào là không hiệu quả và sự chuyển dịch giữa các thành phần chi tiêu có tác động như thế nào đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong nghiên cứu của mình, Kormendi và Meguire (1985) lại chỉ ra rằng, chi tiêu dùng chính phủ không có tác động đến tăng trưởng. Kết quả nghiên cứu của Barro (1990) đã cho thấy, chi tiêu dùng chính phủ trên GDP có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó, Levine và Renelt (1992), Easterly và Rebelo (1993), Levine và Zervos (1993) đã chỉ ra rằng, chi tiêu công không có tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên theo nghiên cứu của Mesghena Yasin (2003), chi tiêu chính phủ, độ mở thương mại và chi tiêu đầu tư tư nhân, tất cả đều có tác động tích cực và đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ phát triển nước ngoài và tốc độ tăng trưởng dân số là không có ý nghĩa về mặt thống kê.

Alexiou (2009) đã cung cấp thêm bằng chứng về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chi tiêu chính phủ, chỉ ra rằng chi tiêu của chính phủ, sự hình thành vốn, hỗ trợ phát triển, đầu tư tư nhân và độ mở thương mại, đều có tác động tích cực và đáng kể về tăng trưởng kinh tế.

Mô hình và phương pháp nghiên cứu

Hàm sản xuất tân cổ điển được sử dụng làm cơ sở cho mô hình nghiên cứu thực nghiệm của nghiên cứu này. Mô hình nghiên cứu có dạng như sau:

Tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN - Ảnh 1

Phương trình trên cho thấy, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tỷ lệ chi tiêu ngân sách (GI), tỷ lệ đầu tư tư nhân (PI), thay đổi lực lượng lao động (PGR) và độ mở của nền kinh tế (TOP).

Kỳ vọng dấu các biến trong phương trình tăng trưởng kinh tế:

Biến

Kỳ vọng dấu

GI

-

PI

+

PGR

-

TOP

+/-

Phương pháp nghiên cứu: Tác giả sẽ kiểm tra tính dừng của dữ liệu, kế đến sẽ được hồi quy thông qua hai phương pháp ước lượng FEM và REM. Tác giả thực hiện kiểm định Hausman để chọn ra mô hình phù hợp nhất; Cuối cùng, sẽ thực hiện một số kiểm định cần thiết cho mô hình như: kiểm định hiện tượng phương sai sai số thay đổi, kiểm định hiện tượng tự tương quan.

Dữ liệu nghiên cứu: Dữ liệu được thu thập từ 6 quốc gia của ASEAN bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào và Campuchia trong giai đoạn 1989 - 2013 từ cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. Các quốc gia được lựa chọn là những quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm trung bình thấp, có nhiều nét tương đồng về văn hóa.

Kết quả nghiên cứu

Giai đoạn 1989-2013, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của khu vực ASEAN (6 nước kể trên) trung bình là 4,45, tỷ lệ chi tiêu của chính phủ (% GDP) ở mức bình quân là 20,34, tỷ lệ đầu tư tư nhân (đầu tư của nước ngoài FDI và trong nước) trên GDP ở mức trung bình là 28,31%, tốc độ tăng trưởng dân số hằng năm bình quân 1,67% và độ mở thương mại (tỷ lệ xuất khẩu + nhập khẩu trên GDP) bình quân là 106,62% (Bảng 1).

Tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN - Ảnh 2

Kết quả của phương pháp ước lượng FEM (Bảng 2) cho thấy, biến chi tiêu công trên GDP (DLOG GI) có tác động âm tới tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hằng năm ở 6 nước ASEAN nhưng lại không có ý nghĩa thống kê, với p_value là 0.432.

Tương tự như biến tỷ lệ chi tiêu công trên GDP, biến tốc độ tăng trưởng dân số hằng năm đại diện cho sự thay đổi trong lực lượng lao động (LOG PGR), độ mở thương mại (DTOP) có tác động lần lượt là dương và âm đến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhưng lại không có ý nghĩa thống kê với p_value có giá trị lần lượt là 0.928 và 0.326.

Ngược lại, biến DPI đại diện cho tỷ lệ đầu tư tư nhân trên GDP có tác động dương tới tăng trưởng GDP bình quân đầu người và có ý nghĩa thống kê với p_value đạt 0.000.  

Kết quả ước lượng bằng phương pháp REM (Bảng 3) cho thấy, chiều hướng tác động của các biến DLOG GI, DPI, LOG PGR, DTOP đến biến GDPGR trong phương pháp ước lượng REM giống với phương pháp FEM. Trong đó, biến DLOG GI tác động âm tới GDPGR nhưng lại không có ý nghĩa thống kê với p_value là 0.653.

Tương tự, biến LOG PGR và DTOP tác động dương và âm tới GDPPR nhưng cũng không có ý nghĩa thống kê, với p_value lần lượt là 0.857 và 0.662. Và chỉ riêng biến DPI có tác động dương đến GDPGR và có ý nghĩa thống kê với p_value đạt giá trị là 0.000.

Vì mô hình FEM và REM đều có những ưu, nhược điểm riêng nên bằng cách sử dụng kiểm định Hausman, có thể so sánh kết quả của mô hình tác động cố định và mô hình tác động ngẫu nhiên để chọn ra mô hình phù hợp.

Với giả thuyết H0 là tác động cá biệt của mỗi đơn vị chéo không gian không có tương quan với các biến hồi quy khác trong mô hình và theo kết quả từ kiểm định Hausman, giá trị p_value đạt 0.0018, nghiên cứu bác bỏ giả thuyết H0 ở mức ý nghĩa 5%, có nghĩa là có sự tương quan giữa tác động cá biệt của mỗi đơn vị chéo không gian và các biến hồi quy khác trong mô hình.

Đồng thời, theo kết quả từ kiểm định này, ước lượng bằng mô hình tác động cố định (FEM) được ủng hộ hơn. Nói khác đi, một số đặc điểm khác biệt của các quốc gia có tác động lên tăng trưởng kinh tế.

Kết luận và hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi tiêu công không tác động tới tăng trưởng giống như với các nghiên cứu của Levine và Renelt (1992), Easterly và Rebelo (1993), Levine và Zervos (1993). Vì vậy, việc tăng quy mô hay thu hẹp chi tiêu công đều không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Các biến khác như: Tốc độ tăng trưởng dân số đại diện cho tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động, độ mở thương mại đều không có tác động đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư tư nhân trên GDP lại có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế và có ý nghĩa thống kê.

Tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN - Ảnh 3

Theo kết quả nghiên cứu, tại các nước ASEAN có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp thì chi tiêu công không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Do vậy, khi thực hiện chính sách tài khóa, các nhà làm chính sách cần thấy được việc phân bổ nguồn ngân sách quá nhiều vào chi tiêu của chính phủ thực sự không có tác dụng làm gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Chính vì thế, để kích thích tăng trưởng kinh tế, các quốc gia khu vực ASEAN cần chú trọng hơn vào đầu tư tư nhân. Chính đầu tư tư nhân là một nhân tố tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Để làm được điều này, Nhà nước cần tạo được một môi trường đầu tư thực sự tốt để tạo các kênh thu hút nguồn vốn từ nước ngoài như FDI; Cần cố gắng xây dựng chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội ngày càng hoàn thiện hơn...

Tài liệu tham khảo

1. Alexiou, C, 2009. Government spending and economic growth: Econometric evidence from the South Eastern Europe (SEE). Journal of Economic and Social Research, 11(1), 1-16;

2. Barro, R. J, 1990. Economic growth in a cross section of countries (No. w3120). National Bureau of Economic Research;

3. Devarajan, S., Swaroop, V., & Zou, H. F, 1996. The composition of public expenditure and economic growth. Journal of monetary economics, 37(2), 313-344;

4. Easterly, W., & Rebelo, S, 1993. Fiscal policy and economic growth. Journal of monetary economics, 32(3), 417-458;

5. Keynes, J.M, 1936. The general theory of employment, interest, and money. New York: Harcout, Brace & World, Inc;

6. Kormendi, R. C., & Meguire, P. G, 1985. Macroeconomic determinants of growth: cross-country evidence. Journal of Monetary economics, 16(2), 141-163;

7. Levine, R., & Renelt, D, 1992. A sensitivity analysis of cross-country growth regressions. The American economic review, 942-963;

8. Levine, R., & Zervos, S. J, 1993. What we have learned about policy and growth from cross-country regressions?. The American Economic Review, 426-430;

9. Yasin, M, 2003. Public spending and economic growth: empirical investigation of Sub-Saharan Africa. Southwestern Economic Review, 30(1), 59-68.