"Bà đỡ" nào cho tài chính vi mô?
(Tài chính) Mặc dù, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã xác định tổ chức tài chính vi mô (TCVM) là một loại hình tín dụng trong hệ thống, đặc biệt, Quyết định số 2195/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển tổ chức TCVM tại Việt Nam đến năm 2020, tuy nhiên, làm thế nào để tạo điều kiện cho TCVM phát triển qua đó phục vụ tầng lớp dân cư có thu nhập thấp thoát nghèo, đồng thời bảo đảm sự an toàn trong toàn bộ hệ thống đang là một câu hỏi khó.
Thực tế, người nghèo, người thu nhập thấp thường là đối tượng chậm được hưởng lợi sự phát triển của nền kinh tế, nhưng lại dễ bị tổn thương, ảnh hưởng khi tình hình kinh tế - xã hội có sự bất ổn. Thiếu vốn, khó khăn về tài chính đã buộc nhiều người nghèo phải đi vay theo hình thức cầm đồ, tín dụng đen với lãi suất cao, lên đến 70- 70%/năm. Ông Nguyễn Mạnh Cường Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ cho rằng, một tỷ lệ lớn người nghèo, người thu nhập thấp tại Việt Nam chưa có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính từ hệ thống các ngân hàng thương mại, vì thiếu tài sản bảo đảm, kiến thức, kinh nghiệm để có thể xây dựng những phương án sản xuất, kinh doanh đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng. Bản thân ngân hàng cũng không mặn mà với các khoản cho vay nhỏ, thời gian ngắn, chi phí cao, tạo ra ít lợi nhuận.
Trong bối cảnh đó, TCVM là hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính nhỏ, phù hợp với năng lực của người nghèo, chủ yếu là những khoản cho vay nhỏ (từ vai trăm nghìn đồng), không yêu cầu tài sản thế chấp, chỉ cần tín chấp bằng hình thức vay vốn bảo lãnh. Việc phát hành vốn và thu vốn tận địa bàn dân cư, cùng với hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao kiến thức đã giảm đáng kể chi phí đi lại, tạo cơ hội cho những người nghèo, người thu nhập thấp đa dạng hóa sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và vượt lên số phận nghèo đói. Đặc biệt, các sản phẩm dịch vụ TCVM thường áp dụng theo hình thức trả gốc, lãi hàng tuần, hàng tháng… dựa trên mô hình sản xuất kinh doanh nhỏ và khả năng hoàn trả của người nghèo. Vì vậy, nhiều chi phí mà lẽ ra người vay phải chịu đã chuyển sang cho tổ chức TCVM với các dịch vụ tài chính khác. Do đó, ở nhiều nước trên thế giới TCVM được Chính phủ đánh giá như một công cụ hữu hiệu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Có thể thấy rõ điều này qua sự đổi thay trong cuộc sống của 100.000 thành viên, khách hàng – đa phần là chị em phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn – của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Biên, cụm 9, Cửa Lò, Nghệ An cho biết, khi Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương phát triển mạng lưới tại Cửa Lò, chị Biên đã vay mức 10 triệu đồng, hiện giờ chị đang tham gia năm thứ 2 và hoàn trả gần xong vòng vốn thứ 2. Từ nguồn vốn vay của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương chị đã mở rộng sản xuất, phát triển cơ sở nước mắm Huyền Biên đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em khác.
Các thông lệ quốc tế
Mặt dù đã có những hành lang pháp lý, nhưng để hoạt động TCVM hoạt động bền vững theo thông lệ quốc tế thì đang là một vấn đề đặt ra đối với không chỉ là các tổ chức TCVM mà còn các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách. Có hai vấn đề lớn theo thông lệ quốc tế mà TCVM Việt Nam phải đối diện. Đó chính là khó khăn về thị trường, khả năng mất khách hàng truyền thống và nguồn vốn để tồn tại. Ông Cường nêu ví dụ, với sự hỗ trợ của Chính phủ (nguồn vốn, cấp bù chênh lệch lãi suất), hiện Ngân hàng Chính sách xã hội đang bảo đảm cho vay tất cả các hộ nghèo và khoảng gần 20 loại đối tượng chính sách khác với mức lãi suất bình quân chỉ bằng 80% lãi suất cho vay thương mại. Trong khi đó, hoạt động của TCVM theo thông lệ quốc tế thì phải yêu cầu tự vững về tài chính, bảo đảm chi phí hoạt động.
Bên cạnh khó khăn về thị trường thì nguồn vốn “khỏe” cũng là một thông lệ của quốc tế dành cho các TCVM, tuy nhiên khi đối chiếu với thông lệ này thì hiếm có TCVM nào đáp ứng được. Đối với các TCVM thì nguồn vốn càng nhiều thì càng nhiều người nghèo được cung cấp tài chính, và hiển nhiên nếu có nguồn vốn giá rẻ thì người nghèo cũng sẽ được vay với lãi suất thấp. Hơn nữa, tổ chức TCVM cần có nguồn vốn đủ lớn để cho vay với số lượng khách hàng nhất định thì mới có cơ hội tự vững về tài chính và tồn tại. Đơn cử như hai tổ chức TCVM chính thức đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép là Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương và M7MFI (Tổ chức tài chính vi mô TNHH M7) đang hết sức khó khăn về vốn do không được Nhà nước hỗ trợ và việc vay các tổ chức tín dụng khác cũng bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế.
Gỡ từ những quy định hay...
Liên quan đến những vấn đề này, một câu hỏi lớn được đặt ra chính là môi trường pháp lý đã thực sự phù hợp với các đặc thù của các tổ chức TCVM hay chưa? Thực tế cho thấy, kể từ khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, thì đến nay các văn bản hướng dẫn vẫn còn ở mức khiêm tốn. Bên cạnh đó, một số văn bản ban hành trước khi có Luật áp dụng cho các TCVM thường được quy định dưới góc độ của ngân hàng thương mại. Trong khi đó, TCVM lại có những đặc điểm đặc thù như đối tượng khách hàng là những người có thu nhập thấp; không cần tài sản thế chấp; cho vay theo nhóm…
Từ thực tế này cho thấy, để các tổ chức TCVM thực sự phát triển rất cần một hệ thống các văn bản điều chỉnh phù hợp với hoạt động TCVM, có tính đến đặc điểm, tính riêng biệt đối với các hệ thống TCVM. Theo đó, các quy định cầm bảo đảm cho các tổ chức TCVM hoạt động theo một hệ thống các chuẩn, qua đó tăng cường tính chuyên nghiệp; đồng thời các quy định cũng cần phải bảo đảm thật đơn giản, dễ hiểu, dễ tham chiếu, dễ thực thi và giảm thiểu tối đa việc áp dụng các quy chuẩn của các loại hình tổ chức tín dụng khác vào các tổ chức TCVM.
Nguồn vốn TCVM là để cho người nghèo vay, vì vậy những quy định liên quan đến việc thành lập, hoạt động và bảo đảm an toàn đối với TCVM cần xây dựng theo hướng tạo điều kiện cho các TCVM dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài, được sử dụng tối đa nguồn vốn để cho vay người nghèo. Liên quan vấn đề về vốn cũng cần thấy được vai trò của UBND các cấp. Bởi, tại nguồn vốn cho TCVM cũng đồng thời giúp người dân biết cách sản xuất, kinh doanh thoát nghèo bền vững thì chính quyền cần ưu tiên nguồn vốn ủy thác cho các tổ chức TCVM. Để tạm thời tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho TCVM, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã có phép Quỹ CEP thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các Quỹ xã hội thuộc mạng lưới M7 được vay nước ngoài, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thí điểm thành lập Quỹ bán buôn để cung cấp nguồn vốn cho các Quỹ xã hội.
Như vậy, có thể nói xâu chuỗi các giải pháp từ việc tiếp tục hoàn thiện chính sách theo hướng phù hợp hơn với đặc điểm đặc thù của các tổ chức TCVM cho đến việc tiếp tục có những chính sách tài chính hỗ trợ thì thấy rõ hơn vai trò của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, để sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước phát huy được hiệu quả thì cần hơn nữa tự vận động của các tổ chức TCVM chính thức và chưa chính thức.