Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024
Chuyên gia nghiêng về kịch bản tăng trưởng tuyến tính với GDP tăng ở mức 5,5-6%, tăng tưởng tín dụng đạt 11-12%, tỷ giá tăng 3-3,5%.
Ba kịch bản tăng trưởng
Tại hội thảo về thị trường chứng khoán do Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn thị trường tài chính trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đưa ra ba kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024.
Ở kịch bản tuyến tính, tăng trưởng kinh tế từ 5,5-6%, với tăng trưởng tín dụng đạt 11-12%, tỷ giá tăng 3-3,5%. Ở kịch bản tốt, tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5%, tăng trưởng tín dụng đạt 15%, tỷ giá tăng 4-5% ở một số thời điểm. Kịch bản xấu, tăng trưởng kinh tế dưới 5%, tăng trưởng tín dụng dưới 10%, tỷ giá tăng 8-9%. Chuyên gia cho rằng, kịch bản này có xác suất thấp và nhiều khả năng sẽ theo kịch bản tuyến tính.
Chuyên gia đánh giá, tình huống hiện nay có phần tương tự giai đoạn 2008-2009 khi kinh tế năm 2008 tăng trưởng 9%, sau đó kinh tế duy trì tăng trưởng 5-5,5%. Năm 2022, tăng tưởng kinh tế 8%, năm 2023 là 5,05%. Tuy nhiên, chuyên gia cũng nêu, hiện nay khác hơn nhiều so với giai đoạn trước, bởi chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm điều hành nền kinh tế và cần nhiều thời gian để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Đề cập động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2024, chuyên gia cho rằng động lực chính vẫn là xuất khẩu, từ khu vực FDI, từ giải ngân vốn đầu tư công, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
GDP quý I/2024 tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Xuất nhập khẩu có chuyển biến tích cực, trong đó xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 9,7% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng điện tử và dệt may có dấu hiệu hồi phục trở lại. Nhập khẩu nguyên vật liệu có xu hướng tăng, là tin tốt cho xuất khẩu và sự hồi phục của cầu thế giới. Vốn FDI tăng nhẹ 7,1% so với cùng kỳ.
Tỷ giá có xu hướng tăng trong quý đầu năm do ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh lên, nhu cầu nhập khẩu tăng và lượng kiều hối không còn về nhiều như tháng 12/2023 và tháng 1/2024. Theo chuyên gia, tỷ giá ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhưng việc tăng nhập khẩu, trong đó có việc tăng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, cho thấy sản xuất phục hồi.
“Điều này cũng được dự báo trước. Một khi nền kinh tế hồi phục tốt thì tỷ giá tăng. Bởi Việt Nam là nền kinh tế gia công, khi đơn hàng nhiều trở lại thì nhu cầu nhập khẩu tăng, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất, theo đó tác động tới tỷ giá. Ngoài ra, tỷ giá còn ảnh hưởng bởi giá vàng, do nhu cầu nhập lậu vàng, hay chênh lệch lãi suất thị trường liên ngân hàng gây tình trạng đầu cơ ngoại tệ”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định.
Theo đó, chuyên gia này đánh giá áp lực tỷ giá chỉ mang tính mùa vụ. Việt Nam vẫn là quốc gia xuất siêu, thu hút FDI tốt, cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối tốt, tỷ giá chỉ gây tác động một số lĩnh vực nhất định và không quá căng thẳng. Tình trạng dư thừa động nội tệ trong ngân hàng gây ảnh hưởng nhất định tới lãi suất bình quân liên ngân hàng.
Bên cạnh những thông tin tích cực, chuyên gia chỉ ra nền kinh tế vẫn đối diện với nhiều khó khăn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất cao. Bởi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ cánh mềm, nên Fed không vội vã hạ lãi suất.
“Nếu Mỹ vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao sẽ ảnh hưởng nhiều tới kinh tế thế giới. Tốc độ kinh tế Trung Quốc giảm, châu Âu nguy cơ rơi vào suy thoái ngắn. Động lực chính của kinh tế Việt Nam là xuất khẩu, nếu tổng cầu thế giới giảm thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Kinh tế trong năm nay phục hồi là điều dễ thấy nhưng sẽ không có đường cong mỹ miều mà là hồi phục tuyến tính”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.
Việt Nam có là cá chép hóa rồng?
Ông Nguyễn Hữu Huân đánh giá, thời gian qua, kinh tế Việt Nam phát triển theo chiều ngang. Nếu vẫn duy trì và dựa trên thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên thì xu hướng tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm lại, có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Năng suất lao động Việt Nam hiện chỉ bằng 2/3 so với Thái Lan, 1/8 so với Singapore.
Liệu Việt Nam có là cá chép hóa rồng trong tương lai? Những quốc gia đạt bước đại nhảy vọt ở châu Á có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, để đạt được thành tựu này, Nhật Bản mất 20 năm, Trung Quốc mất 30 năm, Hàn Quốc mất 40 năm. Việt Nam thực hiện đổi mới năm 1986, đến nay là gần 40 năm. Hiện Việt Nam đang ở giữa đường để đạt được bước đại nhảy vọt.
Chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam vẫn tăng trưởng đi ngang, không tập trung phát triển kinh tế theo chiều sâu thì sẽ dừng lại giữa đường. Muốn phát triển phải tập trung phát triển theo chiều dọc và có hai chìa khóa cần đạt được. Thứ nhất là gồm cải cách thế chế và thứ hai là năng suất lao động, để cải thiện cần tập trung vào giáo dục và phát triển công nghệ, chuyển đối số, là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể đạt được bước nhảy vọt trong tương lai hay không.
“Nếu hai yếu tố này phát triển đúng định hướng, thời gian tới, ngành công nghệ ngày càng chiếm tỷ trọng quan trọng trong nền kinh tế, đó là tiềm năng quan trọng để đầu tư, là động lực tương lai Việt Nam đạt được thịnh vượng. Tôi cho rằng, khoảng 20-25 năm nữa Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu nhất định”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định.