Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/06/1925 – 21/06/2019:
Bác Hồ với báo chí Cách mạng Việt Nam
Với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 94 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức; cũng như sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo.
Từ ngày Báo Thanh niên ra số đầu tiên 21/6/1925 đến tháng 8/1945, trong vòng 20 năm, hoạt động báo chí nước ta luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của nhân dân. Sau bao năm bôn ba ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước và sáng lập tờ Việt Nam độc lập, nhằm kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp.
Hàng loạt tờ báo, tạp chí khác cũng được thành lập như Cứu quốc, Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản và nhiều tờ báo ở các địa phương đã góp phần tuyên truyền đường lối cứu nước trong cán bộ, nhân dân.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, báo chí cách mạng được Đảng trao cho sứ mệnh tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với quan điểm xuyên suốt: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây cũng là mục tiêu, là tiêu chí quy định chức năng, nhiệm vụ; đồng thời cũng là môi trường phát triển của nền báo chí nước nhà.
Với Bác Hồ, mặc dù bận rất nhiều công việc của một vị Chủ tịch nước, nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của nền báo chí cách mạng. Nói về mục tiêu của báo chí cách mạng, trong phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II (4/1959), Người chỉ rõ: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại, và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng.
Theo Người, giữa cách mạng và báo chí có sự thống nhất hữu cơ, bởi vì “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề, mọi người bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”.
Để thực hiện được chân lý đó, Người khẳng định: “Phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Tính tư tưởng cao của báo chí suy cho cùng chính là điều này.
Xuất phát từ mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng là vì dân và từ vai trò to lớn của báo chí đối với xã hội, Người nhắc nhở những người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Để báo chí luôn là diễn đàn của nhân dân, Người khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”, và “không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”.
Cũng là để bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nên với Hồ Chí Minh, báo chí không chỉ là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể; mà còn là vũ khí sắc bén chống lại mọi biểu hiện phản động, tiêu cực đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, của đất nước; báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp.
Trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á Phi (ngày 24/4/1965), Người viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Với đội ngũ các nhà báo nước ta Người nhắc nhở: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”, “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”, “cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Trong cách thể hiện, Người cho rằng, để báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng; là cầu nối giữa các quốc gia, là phương tiện để các cộng đồng hiểu biết nhau hơn, “cho nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.
Theo tư tưởng đó, Đảng ta khẳng định: báo chí, một mặt phải chủ động, sáng tạo “làm tốt công tác thông tin đối ngoại, giúp cho cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thông tin kịp thời, đúng đắn về tình hình đất nước, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân ta”. Mặt khác “không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, nghề nghiệp, từng bước hiện đại hóa”.
Thực tế đã chứng minh, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 94 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức; cũng như sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo.
Đặc biệt, qua hơn 30 năm đổi mới, báo chí nước ta đã đi đầu trong việc định hướng tư tưởng, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tích cực đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là một trong những động lực trực tiếp tham gia và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.