Bạc Liêu huy động nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế
Tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cho thấy, cùng với những kết đạt được thì nền kinh tế tỉnh nhà cũng đứng trước hàng loạt các khó khăn, thách thức và gần như có dấu hiệu phát triển chậm lại. Trong đó, yếu và thiếu về nguồn lực được xem là nguyên nhân chính.
Yếu về nguồn lực
Năm 2024, nền kinh tế tỉnh Bạc Liêu tuy có nhiều khởi sắc và phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng nhìn trên tổng thể vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. Cụ thể, có đến 4 “chỉ tiêu cứng” không đạt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,62% (kế hoạch 9 - 10%); cơ cấu kinh tế; tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người năm 2024 đạt 70,66 triệu đồng/năm (kế hoạch là 74,44 triệu đồng/người/năm) và tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33.960 triệu đồng (kế hoạch là 43.700 triệu đồng).
Đây là năm thứ 4 trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 tỉnh Bạc Liêu không đạt các chỉ tiêu về kinh tế nêu trên và tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 chỉ mới đạt 6,74%. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10% - 11%/năm.
Do vậy, nếu như Bạc Liêu không tăng tốc và nỗ lực vươn lên không ngừng thì sẽ kéo theo nhiều chỉ tiêu khác không đạt, do 4 chỉ tiêu này có tính chi phối và tác động trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, trong thu hút mời gọi đầu tư, năm 2024 Bạc Liêu chưa tạo ra những đột phá mới và cần phải tập trung quyết liệt hơn nữa trong năm 2025 bằng một hội nghị chuyên đề cho công tác thu hút đầu tư với quy mô lớn, nhằm giải quyết ngay chỉ tiêu trước mắt là tổng vốn đầu tư toàn xã hội nếu như các dự án động lực được triển khai trong năm 2025.
Song, về lâu dài và tầm nhìn cho nhiệm kỳ sau vẫn cần những giải pháp căn cơ và bền vững hơn trong việc huy động, phát triển thêm nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế thông qua các chính sách phát triển doanh nghiệp. Bởi thực tiễn cho thấy, Bạc Liêu đã và đang rất yếu về nguồn lực khi cả năm 2024 chỉ có hơn 353 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 79,1% kế hoạch (446 doanh nghiệp) với số vốn đăng ký 3.238 tỷ đồng.
Cần ưu tiên cho hạ tầng
Phải khẳng định rằng, Bạc Liêu rất giàu tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thủy sản và du lịch. Thế nhưng, công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh chưa đạt được kết quả như kỳ vọng và hiệu quả mang lại chưa cao. Nguyên nhân chính là do hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ và phát triển kém, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật điện (đấu nối, giải tỏa công suất các dự án điện nguồn); chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nguồn nhân lực địa phương còn thiếu kỹ năng và trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp. Thiếu các chương trình đào tạo chuyên sâu để phát triển lao động trong các ngành công nghệ cao.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và quyết tâm tăng tốc trong năm 2025 và tạo nên những tiền đề, động lực cho những năm tiếp theo, Bạc Liêu cần tập trung huy động, tranh thủ và đẩy mạnh đầu tư vào phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và logistics. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề và tăng cường hợp tác giữa trường đại học, các trung tâm đào tạo nghề với doanh nghiệp.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các quy trình đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Sớm hoàn thiện và đồng bộ hệ thống quy hoạch của tỉnh Bạc Liêu. Tập trung thu hút, mời gọi các dự án đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới thân thiện với môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.