Bạc Liêu phát triển mạnh công nghiệp và thương mại nông thôn

Theo Nguyễn Hà/ Báo Bạc Liêu

Để góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết thêm nhiều việc làm, tạo thu nhập cho lao động nông thôn, thời gian qua, ngành Công thương và các địa phương đã khuyến khích các DN đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại nông thôn.

Lao động nông thôn được giải quyết việc làm tại DNTN nhựa Tý Liên (huyện Phước Long). Ảnh: Tú Anh
Lao động nông thôn được giải quyết việc làm tại DNTN nhựa Tý Liên (huyện Phước Long). Ảnh: Tú Anh

So với những năm trước đây, sản xuất công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu có bước tăng trưởng mạnh, chỉ số phát triển công nghiệp tăng dần qua từng năm, quy mô sản xuất được mở rộng, dây chuyền công nghệ được cải tiến, đổi mới, năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh được nâng lên. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có sản lượng tăng lên.

Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn được quan tâm chỉ đạo, các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến phát triển khá ổn định và đạt kết quả quan trọng… Đặc biệt, hạ tầng thương mại không ngừng được đầu tư, nâng cấp và phát triển thêm nhiều khu, điểm thương mại, dịch vụ.

Đến nay, Bạc Liêu có 2 chợ cá và 131 cơ sở thu mua; 51 cơ sở sơ chế và 21 cơ sở sản xuất đồ khô, cùng hàng chục điểm thu mua, nhà máy chế biến xuất khẩu hàng nông - thủy sản và đồ gia dụng.

Cùng với đó, nhằm phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, thời gian qua UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở Công thương chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Qua đó, từng bước giảm tình trạng kinh doanh tự phát, ổn định tình hình kinh doanh, phát triển thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn; quy hoạch phát triển mạng lưới chợ làm tiền đề cho phát triển thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, hỗ trợ xây dựng một số điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào Việt Nam”, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng tại các địa phương chưa đầu tư xây dựng chợ.

Hiện nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có 63 chợ truyền thống, chợ đầu mối đang hoạt động trong quy hoạch (trong đó có 2 chợ hạng I, 10 chợ hạng II, 51 chợ hạng III). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 4 siêu thị và 25 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động và hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nông sản cho nông dân và cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng tại các địa phương…