Lợi ích kép từ phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới
Với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống, các sản phẩm gắn với đặc trưng nông nghiệp vùng miền, khu vực nông thôn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, việc phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới (NTM) được xem là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép đã và đang được các bộ ngành hữu quan hướng đến. Bởi phát triển du lịch nông thôn sẽ là đòn bẩy để hoàn thành các tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM: thu nhập, lao động, môi trường… Ngược lại, kết quả thực hiện các tiêu chí về NTM cũng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc phát triển du lịch.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, hiện cả nước có trên 1.300 điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Du lịch nông thôn khá đa dạng, với các loại hình chủ đạo: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương nhấn mạnh: “Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Hướng đi này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương; góp phần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng “tích hợp đa ngành”. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn”.
Đồng quan điểm trên, theo TS. Nguyễn Mai Hương - Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, khu vực nông thôn sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và có nhiều dư địa để phát triển.
“Phát triển du lịch nông thôn gắn với NTM đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, về mặt kinh tế, du lịch nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ, nguồn thu ngoài sản xuất nông nghiệp, tăng đầu tư… Về mặt xã hội, du lịch nông thôn góp phần làm giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội; du lịch nông thôn còn góp phần phục hồi, bảo tồn văn hóa... Về môi trường, góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái; làm mới làng xã theo hướng xanh, sạch; nâng cao ý thức trách nhiệm với nông nghiệp…
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương ở nước ta có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn nhưng do hạn chế về điều kiện phát triển chung: tiếp cận giao thông khó khăn; đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ nguồn nhân nên du lịch nông thôn còn nhiều hạn chế hơn so với khu vực khác.
Hiện nay, nước ta vẫn chưa có chương trình tổng thể hỗ trợ cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia, một số hỗ trợ cho du lịch nông thôn chủ yếu lồng ghép trong chương trình hành động quốc gia về du lịch, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Nhiều địa phương đã có hỗ trợ cho du lịch nông thôn thông qua mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, tuy nhiên chưa có sự thống nhất về quy mô và định mức hỗ trợ dẫn đến dàn trải và manh mún.
Từ thực tế trên, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phối hợp Tổng cục Du lịch xây dựng dự thảo Chương trình về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Dự thảo hướng đến đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.
Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm đến du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Song song đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa; ít nhất có 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; 50% điểm du lịch nông thôn áp dụng thương mại điện tử...
Tại hội thảo góp ý Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 mới đây, bà Trương Thu Hương, Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng, việc hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn cần có sự thống nhất tập trung vào các nội dung sau để giải quyết các “điểm nghẽn” về điểm đến; sản phẩm du lịch nông thôn; năng lực tổ chức khai thác dịch vụ du lịch; hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn với các thị trường gửi khách; nguồn nhân lực du lịch nông thôn…
Đồng thời, hỗ trợ đầu tư và xây dựng mô hình điểm về phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu tại một số địa phương như du lịch cộng đồng gắn với khai thác giá trị văn hóa truyền thống, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp chất lượng cao, du lịch làng nghề; xây dựng làng du lịch thông minh...
Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển du lịch nông thôn trong thời kỳ “bình thường mới” hậu COVID-19 là một cơ hội lớn. Bởi khách du lịch ngày càng có xu hướng đến với thiên nhiên, các điểm du lịch hoang sơ và tránh xa các điểm du lịch đông khách truyền thống. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, du lịch nông thôn cho thấy những hiệu quả trong thúc đẩy phát triển nông thôn, cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai quản lý hoàn toàn tự do, không có kinh nghiệm và lộ trình cụ thể.
Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, các địa phương cần xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn sao cho phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, phải tuân thủ các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững và có trách nhiệm.