Bắc Ninh: Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút FDI

Minh Đức

Bắc Ninh đang tiếp tục tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra tiến độ triển khai các gói thầu thuộc dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra tiến độ triển khai các gói thầu thuộc dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội.

Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, khen thưởng doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư trong các khu công nghiệp.

Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 23 doanh nghiệp, tổng số vốn gần 1,1 tỷ USD (trong đó có 14 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đầu tư khoảng 324,6 triệu USD; 6 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đầu tư 320,5 triệu USD; 3 doanh nghiệp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư tăng vốn thêm 135,8 triệu USD) và 1 doanh nghiệp thỏa thuận đầu tư mở rộng, số vốn tăng thêm 260 triệu USD.

Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã trao tặng Bằng khen cho 5 doanh nghiệp thực hiện hiệu quả công tác giải ngân với tổng vốn gần 1,2 tỷ USD.

 

Năm 2023, đứng trước nhiều khó khăn, Bắc Ninh là một trong các địa phương ghi nhận mức tăng trưởng âm (-9.28%). Năm 2024, đà tăng trưởng được khôi phục đáng kể, đạt mức 6,03%. Năm 2025, Bắc Ninh xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng; trong đó, kịch bản cơ sở dự báo tăng trưởng đạt 7,62%; kịch bản cao kỳ vọng tăng trưởng đạt 9,55%.

Một lát cắt cho thấy, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đang thực sự cầu thị, trân trọng những đóng góp của các doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực tế, không phải đến sự kiện này mà trong suốt cả năm 2024 cũng như liên tục trong các tháng vừa qua, các hoạt động xúc tiến, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đã được UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo triển khai bài bản hơn.

Kết quả là, tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đã có sự khởi sắc, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2025 tăng 9,05% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp- xây dựng tiếp tục đóng vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, chiếm tỷ trọng ngày càng cao.

Cụ thể, công nghiệp - xây dựng chiếm 66,19%; dịch vụ chiếm 26,13%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,24%.

Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hấp dẫn các nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt 62%, chỉ số IIP tăng 12,06% so với cùng kỳ.

Riêng chỉ số xuất nhập khẩu chững lại do các đơn hàng của một số doanh nghiệp lớn chưa được thực hiện, cùng những tác động bất lợi từ hàng rào thuế quan.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến trung tuần tháng 3 ước đạt 14,01 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước 7,14 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2024; nhập khẩu ước 6,87 tỷ USD, tăng 7%.

Đặc biệt, trong quý I/2025 vừa qua, Bắc Ninh được ghi nhận là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với hơn 2 tỷ USD. Con số này cho thấy Bắc Ninh tiếp tục là một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới chọn Bắc Ninh làm “cứ điểm” sản xuất.

Tiêu biểu như: Dự án của Công ty Hainan Goertek (Trung Quốc) sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị điều khiển điện tử với tổng vốn đầu tư 270 triệu USD;  Công ty TNHH Công nghệ Victory Giant tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD (nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 520 triệu USD), cung cấp sản phẩm trong nhiều lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, Internet công nghiệp, ô tô năng lượng xanh và hàng không vũ trụ; Dự án của Công ty Green Precision Manufacturing, (doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc) với tổng số vốn hơn 120 triệu USD, chuyên sản xuất linh kiện chính xác cho các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng, loa và thiết bị thanh toán điện tử. Khi đi vào vận hành vào quý II/2026, nhà máy này dự kiến sản xuất 62 triệu sản phẩm mỗi năm và tạo ra giá trị sản xuất ước tính đạt 413 triệu USD.

Bắc Ninh đang tiếp tục tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ngoài các khu công nghiệp tập trung được chuẩn bị sẵn mặt bằng sạch, xây dựng nhà xưởng đón các dự án đầu tư mới, tỉnh chỉ đạo tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp, trong đó dành riêng một khu công nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số gắn với Dự án sân bay Gia Bình, đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội.

Từ đây, kỳ vọng sẽ tạo ra “Thung lũng công nghệ cao” đón các “Đại bàng công nghệ” về làm tổ, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ./.