Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút vốn FDI tại Bắc Ninh

Vương Thị Minh Đức, Phan Thị Hồng Thảo, Trần Thị Thắng, Nguyễn Minh Loan, Đào Thị Sao Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh

Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất công nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp ở Việt Nam, nhiều ngành sản xuất công nghiệp còn thiếu công nghiệp hỗ trợ đi kèm, phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên bị động, chi phí cao. Bắc Ninh là địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bài viết phân tích thực trạng thu hút FDI tại tỉnh Bắc Ninh và vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Giới thiệu

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp của Tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước và các DN FDI. Số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2023, Bắc Ninh có hơn 500 DN CNHT hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như lắp ráp sản phẩm điện tử, cơ khí, thực phẩm, đồ uống công nghệ cao; trong đó ngành công nghiệp điện - điện tử và cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất. Thời gian qua, Bắc Ninh có nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển CNHT nhưng để nâng cao vai trò của địa phương hơn nữa thì cần có chiến lược quy hoạch phát triển các khu CNHT.

Đối với các DN hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bên cạnh những thuận lợi thì có những khó khăn nhất định như: Chi phí đầu vào, mặt bằng sản xuất, mức độ chủ động về nguồn nguyên liệu. Việc phát triển CNHT cần có chiến lược phát triển phù hợp để tạo điều kiện thu hút vốn FDI.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Bắc Ninh

Theo Điều 3, Luật Đầu tư năm 2005: “Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư”, “Đầu tư nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác để tiến hành hoạt động đầu tư”. Khái niệm của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF (1993): “FDI là loại hình đầu tư quốc tế trong đó một chủ thể kinh tế thuộc một nền kinh tế thu được lợi ích lâu dài từ một chủ thể kinh tế thuộc một nền kinh tế khác”. Từ những khái niệm này có thể hiểu đầu tư trực tiếp nước ngoài là hoạt động đầu tư trực tiếp nhằm mục tiêu lợi nhuận của chủ thể đầu tư nước ngoài tại một quốc gia nhất định.

Chính sách thu hút FDI tại Bắc Ninh

Ngày 12/8/2013, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 293/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Thu hút đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn 2030”. Theo đề án này, Bắc Ninh ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, có số thu ngân sách lớn, nâng cao mức sống của người lao động và Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, thu hút các dự án đầu tư đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường.

Tình hình thu hút FDI tại tỉnh Bắc Ninh

Trong những năm qua, tính hình thu hút vốn FDI tại tỉnh Bắc Ninh có sự gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ khi Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực thi hành.

Năm 1995, tỉnh Bắc Ninh thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên. Trải qua 28 năm, thu hút vốn FDI tại tỉnh có sự tăng trưởng mạnh mẽ, Bắc Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến hết năm 2022, tỉnh Bắc Ninh có 1.456 DN có vốn FDI, nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đã đầu tư vào Bắc Ninh như: Samsung, Nokia, Canon, Hồng Hải… tạo ra hệ sinh thái phát triển công nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Lũy kế đến hết năm 2023, Tỉnh này có khoảng gần 1.900 dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực với tổng số vốn hơn 23,91 tỷ USD, góp phần đưa địa phương này nằm trong Top 10 tỉnh thu hút lượng vốn FDI lớn nhất cả nước.

Trong cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bắc Ninh chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ trong đó lượng vốn đầu tư lớn nhất đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Singapore, Hongkong và Trung Quốc.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút FDI tại Bắc Ninh

Thuật ngữ CNHT được nêu tại “Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành CNHT Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến 2020” do Thủ tướng phê duyệt. Ngày 24/02/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg quy định: “CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh từ tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”.

Các lợi thế phát triển công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Bắc Ninh

Về điều kiện tự nhiên: Tỉnh Bắc Ninh có nhiều điều kiện tự nhiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và phát triển CNHT nói riêng, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây và Tây Nam giáp Thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương. Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các đường giao thông lớn quan trọng nối liền với các trung tâm kinh tế văn hóa thương mại lớn của miền Bắc như Quốc lộ 1A (Hà Nội – Bắc Ninh – Lạng Sơn), Quốc lộ 18 (sân bay Quốc tế Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long), Quốc lộ 38 (Bắc Ninh – Hải Dương – Hải Phòng), mạng lưới giao thông đường sắt, đường thủy thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao lưu hợp tác trong và ngoài nước.

Về điều kiện kinh tế - xã hội: Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực tạo điều kiện tối đa cho DN và các NĐT, qua đó bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn.

Năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh xếp thứ 7/63, chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) - bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh thứ 3/63, chỉ số chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 7/63 tỉnh trong toàn quốc; tạo điều kiện cho người dân và DN dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế.

Năm 2023, bối cảnh khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Bắc Ninh vẫn có nhiều điểm sáng, sản xuất có dấu hiệu phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp - IIP từ tháng 3/2023 đến nay có sự cải thiện. Đối với nhân lực cho phát triển công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng, Tỉnh đã quy hoạch và xây dựng các khu nhà ở cho công nhân, tạo điều kiện cho công nhân đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Về cơ sở hạ tầng: Đến năm 2023, tỉnh Bắc Ninh có 24 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại 16 khu công nghiệp với tổng số vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 2,118 tỷ USD, các khu công nghiệp thu hút được 22,95 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ các quốc gia khác nhau. Các ngành sản xuất CNHT ở Bắc Ninh phát triển theo hướng đa dạng ngành nghề, trong đó ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo phục vụ xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp. Hệ thống đường nội bộ ở các khu công nghiệp, các khu đô thị mới được xây dựng hiện đại đáp ứng quá trình đô thị hóa.

Thực trạng công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Bắc Ninh

Về quy mô các DN hỗ trợ: Cùng với sự gia tăng thu hút vốn FDI, CNHT cũng có những bước phát triển đáng kể. Nếu như năm 2012, Bắc Ninh có 126 DN hoạt động CNHT thì đến năm 2016 số DN CNHT là 430, đến năm 2023 số DN CNHT hoạt động trong các KCN gần 600 DN bao gồm cả DN là vệ tinh cấp 1 và DN vệ tinh cấp 2, phần lớn là DN FDI và hầu hết trong số này là các DN đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore. Đáng chú ý là ngành công nghiêp điện tử với sự góp mặt của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như: Samsung (Hàn Quốc), Canon, Sumitomo (Nhật Bản), Foxcon (Đài Loan)… kéo theo sự thu hút hàng loại các nhà cung ứng giúp cho Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất, lắp ráp điện tử hàng đầu trên cả nước.

Về chất lượng công nghiệp hỗ trợ: Tỉnh Bắc Ninh xây dựng cụm CNHT Cách Bi, Quế Võ và cụm CNHT Tân Chi, Tiên Du. Mô hình này đã giúp cho việc quản lý nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp hỗ trợ (DNHT) tốt hơn trong đó tại cụm CNHT đã xây dựng nhà xưởng và thực hiện cung cấp các dịch vụ kỹ thuật để bán, cho thuê đáp ứng quy mô hoạt động khác nhau của DNHT. Tại cụm CNHT tại KCN Quế Võ với mặt bằng 70 ha xây dựng 200.000m2 nhà xưởng tiếp nhận 40 DN CNHT cho lắp ráp điện tử và ôtô, chi tiết linh kiện cơ khí chính xác.

Việc xây dựng cụm CNHT được đánh giá là hiệu quả trong việc phát triển chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng hoạt động của DNHT. Các DNHT từng bước nâng cao trình độ sản xuất các sản phẩm chứa đựng hàm lượng công nghệ cao.

Các DNHT tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ hiện đại vào sản xuất, chế tạo, nhiều tiêu chuẩn, phương pháp quản lý chất lượng hiện đại đã được áp dụng như các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng (ISO 9000/ISO 9001), An toàn nghề nghiệp (OHSSAS 18000), Môi trường (ISO 14000; 140001); Trách nhiệm xã hội (SA 8000), Phương pháp quản lý (LEAN, 5S), Quản lý năng lượng (ISO 50001)...

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy đa số các DN FDI đánh giá khá cao về việc áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ trong sản xuất của các DNHT. Tuy nhiên, công nghệ áp dụng trong các DNHT theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu vẫn còn có ý kiến cho rằng chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN sản xuất linh kiện, bán thành phẩm và DN lắp ráp sản phẩm hoàn thiện.

Về khả năng cung ứng: Bắc Ninh được đánh giá là tỉnh có lợi thế so sánh và cơ sự đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; môi trường đầu tư được chú trọng, là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đối với ngành CNHT vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp, nguyên vật liệu linh kiện một tỷ trọng lớn vẫn nhập từ nước ngoài, tỷ lệ nội địa hóa và tỷ lệ giá trị gia tăng thấp. Khi các tập đoàn lớn sang Việt Nam hoạt động cũng kéo theo một lượng không nhỏ các DNHT từ các nước khác, hoạt động của các DN hỗ trợ trong nước chủ yếu là làm bao bì hay sản xuất những chi tiết đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao cho các tập đoàn lớn như: Sam sung, Canon, Nokia…

Một số khuyến nghị nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Bắc Ninh

Ngày 30/6/2015, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định 229/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành CNHT tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có đề ra định hướng phát triển: “Xây dựng cơ chế hỗ trợ liên kết các DN trong chuỗi giá trị; hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong nước tham gia từng bước vào chuỗi giá trị, tạo điều kiện để DN tiếp cận kỹ thuật, công nghệ theo các hình thức thuê, mua, nhận chuyển giao từng phần từ các nhà đầu tư nước ngoài”.

Tại Quyết định số 295/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đưa ra định hướng “Tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT có nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và CNHT của tỉnh Bắc Ninh gồm: Sản xuất, lắp ráp sản phẩm linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, chế biến thực phẩm - đồ uống.”

Nhằm thúc đẩy CNHT phát triển, tạo điều kiện thu hút vốn FDI, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước, đẩy mạnh liên kết giữa các DN trong nước và các DN đa quốc gia. Xây dựng chiến lược thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất, giảm sự phụ thuộc từ nước ngoài về các yếu tố đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển các cụm CNHT, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có sự liên kết, tổ chức giao lưu kết nối giữa các DNHT và các tập đoàn đa quốc gia. Tận dụng lợi thế của các tập đoàn trong việc hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho phát triển CNHT.

Thứ ba, các DNHT chủ động đổi mới, nâng cao năng lực khoa học công nghệ, phát triển thị trường, chủ động tìm kiếm đối tác liên kết đầu tư, cung ứng sản phẩm; tăng cường hợp tác với các DN FDI trong nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ. Nâng cao tiềm lực về vốn, nhân lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất từ đó nâng cao chất lượng cung ứng, trở thành những đối tác quan trọng của các tập đoàn.

Kết luận

CNHT có mối liên hệ chặt chẽ với việc thu hút FDI. Các DNHT có xu hướng tập trung chuyên môn hóa vào các công đoạn hoặc chi tiết sản phẩm, là cơ sở để phát triển sản xuất công nghiệp. CNHT phát triển góp phần tạo đà để thu hút vốn FDI, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các DNHT trong nước cũng tồn tại những bất cập nhất định, trình độ công nghệ còn hạn chế, khó khăn trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, tính minh bạch trong sản xuất… cũng là những rào cản cần khắc phục. Để thúc đẩy CNHT phát triển nhằm thu hút FDI tại Bắc Ninh cần sự phối hợp của Chính phủ, các bộ ngành trung ương cũng như các DNHT.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật Đầu tưnăm 2005;
  2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ;
  3. Quyết định số 295/QĐ-UBND do UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025;
  4. UBND tỉnh Bắc Ninh, Quyết định 229/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đếnnăm 2030;
  5. Niên giám thống kê tỉnh Bắc Ninhnăm 2022;
  6. Thái Uyên (2023), Dấu ấn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Báo Bắc Ninh online.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2024