Loạt bài: Đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy

Bài 1: Muôn hình vạn trạng tội phạm ma túy

Trần Huyền

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy lại càng "tiến hóa" muôn hình vạn trạng với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh. Thực tế này đặt ra vô vàn khó khăn, thách thức đối với lực lượng chức năng nói chung và lực lượng Hải quan nói riêng trong "cuộc chiến cam go" chống loại tội phạm này.

Hải quan Hà Nội phối hợp bắt giữ 179 kg ma túy tổng hợp MDMA, lớn nhất từ trước đến nay qua đường hàng không.
Hải quan Hà Nội phối hợp bắt giữ 179 kg ma túy tổng hợp MDMA, lớn nhất từ trước đến nay qua đường hàng không.

Tiềm ẩn ở tất cả các tuyến, địa bàn

Tội phạm ma túy toàn cầu ngày càng phát triển mạnh trong diễn biến căng thẳng chính trị, ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, xung đột vũ trang tại nhiều khu vực… Sự bùng nổ các dịch vụ trực tuyến khiến tội phạm ma túy thay đổi phương thức vận chuyển, tiếp cận các tiền chất và hóa chất thiết yếu cho việc sản xuất, giao dịch mua bán bất hợp pháp các chất ma túy.

Trong khi đó, việc nhiều quốc gia cắt giảm ngân sách cho công tác phòng, chống ma túy để dành ưu tiên cho phát triển kinh tế, quốc phòng, ứng phó với diễn biến căng thẳng chính trị đã tác động mạnh đến cuộc chiến phòng, chống ma túy trên thế giới.

Tình hình mua bán, vận chuyển ma túy tại Việt Nam cũng không nằm ngoài diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực. Tội phạm ma túy vẫn tiềm ẩn khắp các tuyến, địa bàn. Trên tuyến đường bộ, tội phạm ma túy tập trung qua các tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam – Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc. Các đối tượng lợi dụng đường biên giới dài, địa hình rừng núi phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở và kẽ hở, sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Thậm chí, các đối tượng bị truy nã trong quá trình lẩn trốn vẫn tiếp tục cấu kết, móc nối với đối tượng trong nước và đối tượng ở Lào, Trung Quốc hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam. Chúng trang bị các loại vũ khí quân dụng, rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả, tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Không chỉ trên tuyến đường bộ, tuyến hàng không, chuyển phát nhanh cũng là "mục tiêu" của tội phạm ma túy. Ma túy được vận chuyển trái phép chủ yếu qua các cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài (TP. Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng) từ các nước châu Âu, châu Mỹ. Trong đó, có sự chuyển dịch từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra sân bay quốc tế Nội Bài sau đó tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa.

Gần đây, lực lượng hải quan cũng đã phát hiện một số vụ vận chuyển ma túy qua đường hàng không từ các khu vực Nam Mỹ, các nước Châu Âu vào Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam rồi vận chuyển đi nước thứ 3 với nhiều phương thức, thủ đoạn phức tạp.

Tuyến đường biển cũng được đánh giá là tuyến trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ xuất lậu, nhập lậu chất ma túy, các loại tiền chất có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần không có giấy phép của cơ quan chức năng dưới danh nghĩa hàng kinh doanh... hòng qua mặt lực lượng chức năng.

Đủ kiểu "núp bóng"

Bên cạnh các phương thức thủ đoạn mà các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép thường xuyên sử dụng để cất giấu ma túy, nhằm che giấu lực lượng chức năng như: giấu trong hành lý ký gửi, tạo vách ngăn giả trong va ly, giấu giữa các đồ đạc thông thường gửi trong các kiện hàng chuyển phát nhanh, giấu trong lõi các máy móc, thiết bị, đồ gia dụng…, các đối tượng cũng thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn cất giấu mới để "núp bóng", trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Nhiều thủ đoạn cất giấu ma túy mới gầy đây đã bị cơ quan Hải quan phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy khác "lật tẩy". Trên tuyến đường bộ, đặc biệt là tuyến đường từ Lào về Việt Nam, lực lượng Hải quan đã phát hiện các đối tượng cất giấu ma túy trên trần xe ô tô khách để vận chuyển trái phép. Nhóm đối tượng sử dụng xe ô tô chở khách loại 07, 12, và 16 chỗ ngồi mang biển kiểm soát của Lào. Xe được cải tạo, gia cố tại các vị trí như trần, sàn và cửa xe để dễ cất giấu ma tuý nhằm qua mặt các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu.

Theo thông tin từ lực lượng hải quan qua quá trình đấu tranh thực tế, khi thực hiện thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, các đối tượng Lào thường cải trang, giả danh là khách tham quan, du lịch, nhằm tạo sự chủ quan cho các lực lượng chức năng kiểm tra. Trong nhóm này, một số đối tượng có thời gian dài sinh sống, học tập tại Việt Nam, nhiều lần xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ của nước ta, hộ chiếu đã được cấp thị thực, có thể giao tiếp sử dụng thành thạo ngôn ngữ và am hiểu về văn hoá, phong tục tập quán các vùng miền của Việt Nam.

Các đối tượng thực hiện thủ tục nhập cảnh người, phương tiện vào Việt Nam tại các thời điểm buổi trưa, cuối giờ chiều, tối, thời điểm các lực lượng chức năng mệt mỏi, lơ là mất cảnh giác. Sau khi thực hiện thủ tục nhập cảnh, đưa ma tuý trót lọt vào Việt Nam, nhóm đối tượng này thường dừng, nghỉ tại khách sạn, nhà nghỉ một số tỉnh, thành phố của miền Trung, đồng thời lấy ma tuý được cất giấu, gia cố trên phương tiện rồi bỏ vào các túi xách tiến hành giao dịch với các đối tượng tại Việt Nam.

Tội phạm trên tuyến đường hàng không cũng tinh vi không kém. Có thể kể đến hành vi cất giấu ma túy trong các hộp đồ mang theo hành lý xách tay, phủ thạch cao bên ngoài hoặc phủ các lớp keo cùng màu với vật thể ngụy trang nhằm cất giấu ma túy bên trong, đồng thời tránh sự phát hiện của chó nghiệp vụ.

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho hay, ma túy được giấu, mang theo người, khi lực lượng chức năng có yêu cầu kiểm tra, các đối tượng vận chuyển cố tình đánh rơi và không nhận tang vật, từ đó gây khó khăn trong quá trình điều tra, bắt giữ. Thậm chí, các đối tượng còn "nhét" ma túy vào các khoảng trống của các đồ vật xuất, nhập khẩu như xe lăn, nạng chống chân, cốc nến, hoặc tạo thêm vách ngăn giả trong đồ đóng hộp, ký gửi ra nước ngoài để cất giấu và vận chuyển ma túy số lượng lớn.

Tuyến đường biển cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tội phạm ma túy lợi dụng để vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Đáng chú ý, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng ma túy trôi dạt trên biển, một số gói ma túy còn được gắn định vị với số lượng lớn tại vùng biển các tỉnh Nghệ An, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… Điều này đặt ra yêu cầu phải áp dụng đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn tội phạm ma túy trên tuyến này.

Thực tế trên cho thấy, tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, khó lường với muôn vàn thủ đoạn "ẩn nấu". Cuộc đấu tranh với tội phạm này vì thế vẫn còn rất nhiều cam go, nguy hiểm và khó khăn. Đó cũng là thách thức lớn đối với lực lượng chức năng, trong đó có cơ quan hải quan, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bình yên cho đất nước.