Loạt bài: Tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, dành nguồn lực cho phát triển
Bài 1: Tinh gọn bộ máy để chống lãng phí, tiết kiệm nguồn lực cho đầu tư phát triển
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước mà còn là nhiệm vụ của mọi tầng lớp xã hội, góp phần xây dựng nền kinh tế tự cường và bền vững. Việc quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách không chỉ giúp tăng cường nguồn lực tài chính mà còn xây dựng lòng tin của người dân vào Nhà nước.
Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Tổng Bí thư chỉ ra rằng, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của Đất nước.
Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chống lãng phí được Tổng Bí thư chỉ ra đó là do bộ máy quản lý cồng kềnh kìm hãm phát triển. Tại phiên thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 31/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng vận hành của bộ máy công vụ các cấp cũng như việc cần thiết phải tiếp tục tinh gọn bộ máy. Việc bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, dẫn đến nhiều hệ lụy, được Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn chứng bằng nhiều ví dụ rất sinh động, chi tiết và bức xúc.
Tổng Bí thư cho biết, hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy. Trong khi đó, công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập, một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Tổng Bí thư nhận định, số ngân sách dùng để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động chiếm tới 70% tổng chi ngân sách nhà nước như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. “Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu?... Còn 30% thì tiền đâu để quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội? Vì sao không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80 - 90% chi ngân sách”, Tổng Bí thư trăn trở.
“Làm gì còn tiền ngân sách đâu để làm các hoạt động khác” – đó là điều mà Tổng Bí thư đang đau đáu khi nhìn vào thực trạng chi tiêu của ngân sách nhà nước. Đặc biệt là khi so sánh với đó các nước khác có mức chi hơn 40%, ít nhất phải được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...
Trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng…
Trước thực trạng đáng báo động trên, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra rằng, những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.
Giảm biên chế sẽ góp phần giảm mạnh chi thường xuyên
Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Điều này sẽ có tác động lớn tới việc cân đối lại tình hình chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển.
Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, muốn tiết kiệm chi ngân sách nhà nước phải thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; đồng thời đổi mới khu vực sự nghiệp công, nâng cao năng lực tự chủ, giảm phần chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị này, qua đó dành nguồn lực thực hiện cho nhiều ưu tiên cấp bách khác, nhất là chi cho đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội.
Các bộ, ngành, địa phương hiện đang quyết liệt thực hiện việc tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Việc kiểm soát tốt giao dự toán chi thường xuyên của các đơn vị gắn với tinh giản biên chế là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm chi thường xuyên - lĩnh vực chiếm phần rất lớn từ ngân sách hiện nay.
Theo thông tin từ Bộ Nội Vụ, trong giai đoạn 2021-2023, tại các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; Giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và bộ; Giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; Giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành. Tại các địa phương đã giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị, còn 46.385 đơn vị. Nhiều bộ ngành, địa phương đã thực hiện tinh gọn hàng nghìn đầu mối, giảm một loạt lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó và tinh giản hàng nghìn biên chế.
Trên thực tế, nhiều giải pháp hay, cách làm sáng tạo, quyết liệt đã được triển khai, tạo ra hiệu quả thực tiễn. Việc đẩy nhanh mô tả vị trí, việc làm cũng tạo ra những cách làm hay, tiến bộ, thúc đẩy việc tinh gọn bộ máy, loại bỏ được những người không phù hợp với vị trí và phát triển được những người có năng lực phù hợp.
Tuy nhiên, còn ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, những kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn khi mà việc thực hiện tinh giản vừa qua ở không ít địa phương, đơn vị vẫn còn mang tính cơ học. Bộ máy bên trong của một số đơn vị cũng có chiều hướng tăng ở các phân khúc, đặc biệt là số cơ quan chuyên môn. Các đơn vị, tổ chức đều xây dựng vị trí việc làm, khung năng lực và mô tả vị trí làm việc nhưng còn một số hạn chế, bất cập, chưa quyết liệt, chưa góp ích nhiều trong tinh giản biên chế.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, một trong những giải pháp cơ bản nhất để cơ cấu lại NSNN, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đó chính là tinh giản biên chế, sắp xếp, cắt giảm bộ máy. Thời gian qua chúng ta đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nhưng cần thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh đổi mới giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương; từ đó, giảm mạnh chi tiêu thường xuyên, có nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển và các mục tiêu ưu tiên khác.
Trong phiên thảo luận hội trường ngày 4/11 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác chống lãng phí. Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội thực hiện giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Và gần đây nhất, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.