Loạt bài: Chính sách tài khóa: “Bệ đỡ” hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển
Bài 3: Chính sách tài khóa qua góc nhìn các chuyên gia và cộng đồng quốc tế
Thời gian qua, các chính sách tài khoá đã thực sự phát huy hiệu quả, điều này thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đó là luôn đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây cũng là lý do mà các chính sách tài khoá nhận được những đánh giá tích cực từ giới chuyên gia và cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, cộng đồng doanh nghiệp “gồng mình” chống đỡ những khó khăn bủa vây, các chính sách tài khóa đã thực sự phát huy vai trò, thể hiện trách nhiệm là “bệ đỡ” vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và sự phục hồi của doanh nghiệp. Vừa phải thiết kế những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, vừa phải đảm bảo thu ngân sách đạt dự toán được giao để đủ nguồn chi cho các mục tiêu kinh tế - xã hội, ngành Tài chính đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, không nóng vội, đề xuất nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp có thêm động lực phục hồi.
Trong 4 năm (2020-2023), Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Việc Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong suốt 4 năm qua đã giúp giảm các nghĩa vụ tài chính, giảm chi phí sản xuất, góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, khôi phục và mở rộng sản xuất, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế.
Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp được người dân, doanh nghiệp, giới chuyên gia và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Phao cứu sinh trước nguy cơ “chết đuối”
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh nhận định, đây là các chính sách chưa có tiền lệ, được ban hành trong một thời điểm đặc biệt.
Những chính sách đó đã được Chính phủ cụ thể hóa thành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, đây được xem là những phao cứu sinh trước nguy cơ "chết đuối" do kiệt sức của phần đông người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.
Sau đại dịch COVID-19, nhiều chuyên gia cũng nhận định, đây là bước đi, là quyết sách đúng đắn kịp thời của một Quốc hội sáng tạo, đồng hành, chia sẻ và của một Chính phủ năng động, quyết tâm, sâu sát thực tiễn và đầy trách nhiệm đã giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.
Chính sách tài khóa phát huy vai trò trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Đánh giá cao hiệu quả điều hành chính sách tài khóa thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhấn mạnh, chính sách tài khóa đã phát huy vai trò của mình trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính sách tài khóa mở rộng phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định vĩ mô. Cùng với chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả với việc giảm lãi suất điều hành, ổn định tỷ giá và lạm phát, chính sách tài khóa thông qua giảm thuế, phí đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo các mục tiêu đã đề ra, năm 2024, cần tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả, đặc biệt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động…
Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt “sóng gió”
Cho rằng việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã đi đúng hướng, TS. Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt đã hỗ trợ rất tích cực cho phục hồi của kinh tế.
Theo bà Dorsati Madani, việc áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm chính là áp dụng khuôn khổ chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Chính sách này đáp ứng những diễn biến của nền kinh tế và góp phần giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Khi nền kinh tế đang gặp cú sốc tiêu cực như đại dịch COVID-19, việc áp dụng các biện pháp như giảm thuế cho hộ gia đình hoặc doanh nghiệp, tăng đầu tư công và mở rộng chính sách bảo trợ xã hội hiệu quả và có mục tiêu tốt giúp hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, qua đó hỗ trợ tổng cầu.
Điều hành hiệu quả chính sách tài khóa, ngành Tài chính đã “thắng lợi kép” khi vừa thu đạt và vượt ngân sách nhà nước, có nguồn chi các nhiệm vụ theo mục tiêu, vừa hỗ trợ được người dân và doanh nghiệp vượt “sóng gió”.
Chính sách hỗ trợ thuế, phí mang hiệu ứng “nuôi dưỡng nguồn thu” rất rõ ràng
Nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia, Luật sư Phan Hoài Nam - chuyên gia tư vấn thuế cho hay, điều quan trọng là các chính sách hỗ trợ đã thể hiện sự sát cánh và đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn. Các chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho doanh nghiệp thời gian qua đã mang hiệu ứng “nuôi dưỡng nguồn thu” rất rõ ràng. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ là mấu chốt để Nhà nước và doanh nghiệp cùng sát cánh đương đầu với khó khăn trước mắt, tiếp tục chinh phục những cột mốc tăng trưởng mới.
Trong năm 2024, kinh tế thế giới vẫn được dự báo còn nhiều thách thức. Mong rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách và giải pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, qua đó tạo nguồn lực và động lực tăng trưởng, tạo sự yên tâm về môi trường kinh doanh, pháp lý cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.