Loạt bài: Điều hành giá linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát 2024
Bài 3: Không chủ quan, lơ là dù kiểm soát lạm phát 2024 “dễ thở”
Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát song vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh. Vì thế, dù “dễ thở” nhưng không chủ quan, lơ là trong kiểm soát giá cả.

Lạm phát quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt
Theo dự báo của PGS.TS. Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế -Tài chính (Học viện Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,2%-3,5%.
Nguyên nhân chính là do lạm phát tại các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU đang có xu hướng giảm về mức 2% và cầu tiêu dùng dần phục hồi; Giá dầu và một số hàng hóa lương thực không có nhiều rủi ro tăng mạnh; Chính sách tài khóa mở rộng kết hợp chính sách tiền tệ nới lòng nhằm hỗ trợ tăng trưởng vẫn duy trì nhưng không mạnh như cuối năm 2023; Thị trường bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi...
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm 2023 và có thể sẽ tiếp tục giảm xuống khoảng 4,8% năm 2024.
Dự báo mức tăng “nhỉnh” hơn, theo TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp & Thương mại (Bộ Công Thương), CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng 3,6% - 3,8%. Lý giải lý do chính, chuyên gia này cho rằng do lạm phát ở các nền kinh tế lớn bắt đầu hạ, giá hàng hoá thế giới đang thấp và khó tăng đột biến. Cùng với đó, các điểm nóng trên thế giới kéo dài… đẩy giá hàng hoá tăng; Kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, cung hàng hoá dồi dào giúp kiềm chế tăng giá...
Chỉ ra những yếu tố tác động tới lạm phát của Việt Nam năm 2024 gồm cả nhân tố khách quan do tác động từ nền kinh tế thế giới và cả các nhân tố từ nội tại nền kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho biết, yếu tố đầu tiên là Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, chúng ta đã thực hiện giảm tới 4 lần trong năm qua. Cùng với đó, bối cảnh kinh tế thế giới, hàng loạt các chính sách tiền tệ sẽ đảo ngược chiều từ thắt chặt tăng lãi suất sang giảm lãi suất. Như vậy, Việt Nam có khả năng tận dụng được cả điều kiện thuận lợi bên trong và bên ngoài.
Yếu tố thứ hai là giá của nhiên liệu, đặc biệt là giá dầu thô, năm 2023 mặc dù giá dầu thô có những biến động do các yếu tố địa chính trị và được dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục biến động, thậm chí có những cái dự báo có thể là cao hơn.
“Tôi cho rằng với kinh nghiệm của Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ có các biện pháp để kiềm chế các tác động tiêu cực của việc tăng giá nhiên liệu, giá dầu thô trên thị trường thế giới vào mặt bằng lạm phát của Việt Nam”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Yếu tố thứ ba là việc điều hành và điều chỉnh một số các loại giá, phí của các dịch vụ công, ví dụ như giáo dục, y tế… cũng sẽ tác động tới mặt bằng giá và lạm phát trong năm 2024.
Trong ba yếu tố này, TS. Vũ Đình Ánh đặc biệt lưu ý đến yếu tố liên quan đến chính sách tiền tệ. Thực tế năm 2023 cho thấy, mặc dù chỉ số giá bình quân chỉ tăng 3,25% nhưng nếu loại bỏ yếu tố nguyên liệu và thực phẩm thì lạm phát cơ bản vẫn trên 4 %. Vì vậy, yếu tố lạm phát do tiền tệ cần đặc biệt quan tâm, trong khi có hai cái yếu tố có thể đẩy cung tiền năm nay tăng cao, đó là vấn đề về giải ngân đầu tư công và tăng tín dụng với việc giao chỉ tiêu đầu năm lên tới 15% trong năm 2024.
Nhận diện rủi ro tiềm ẩn để cẩn trọng trong kiểm soát
Kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên trong trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức, nhưng áp lực lạm phát không quá lớn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song các chuyên gia đều cho rằng bức tranh lạm phát năm 2024 vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh. Do đó, các chuyên gia lưu ý cần nhận diện rõ những rủi ro này để kiểm soát thật cẩn trọng.

Theo đó, PGS.TS. Vũ Duy Nguyên khuyến nghị, năm 2024 cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng nhưng cần kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất, tiêu dùng nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung và hiệu quả kinh doanh và gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân. Đồng thời, bình ổn thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng.
PGS.TS. Vũ Duy Nguyên đặc biệt lưu ý việc thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Các bộ, ngành nên chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng đầu năm 2024 (thời điểm tết âm lịch 2023), hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.
Còn theo ý kiến của ThS. Lê Thanh Nga - Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội, cần đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; khắc phục tình trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong bối cảnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, ThS. Lê Thanh Nga cho rằng, cần tăng cường công tác này để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ thao túng thị trường.
Đưa ra giải pháp dưới góc độ của chuyên gia trong mảng thị trường bán lẻ, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế cho hay, muốn ổn định được thị trường giá cả nội địa, góp phần kiềm chế lạm phát, cần phải tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển theo vùng một cách ổn định, sản xuất phải gắn với kho dự trữ và cơ sở chế biến sâu, nhằm tăng giá trị cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chống được ép cấp ép giá, tiêu thụ hàng hóa một cách chủ động theo chuỗi sản xuất phân phối của từng mặt hàng nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu rõ, điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng là đầu vào của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng gia đình như điện, xăng dầu, than theo hướng từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, tăng cạnh tranh bình đẳng giảm điều hành theo kiểu hành chính, nhiều đầu mối quản lý; kiểm soát chặt chẽ giá bán cho sản xuất và tiêu dùng một cách công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.