Loạt bài: Điều hành giá linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát 2024

Bài 4: Kịch bản nào cho lạm phát năm 2024?

Gia Hân (thực hiện)

Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), năm 2024, có 3 kịch bản lạm phát, trong đó, kịch bản cao nhất là khi kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng bình thường, giá nhiên, nguyên, vật liệu ổn định, lạm phát trung bình năm của Việt Nam sẽ ở mức khoảng 3,5%.

Phóng viên: 2023 được đánh giá là một năm kiểm soát lạm phát thành công của nước ta. Ông có phân tích thế nào về diễn biến lạm phát trong năm qua?

Bài 4: Kịch bản nào cho lạm phát năm 2024? - Ảnh 1

TS. Nguyễn Đức Độ: Theo tôi, căn cứ trên những số liệu Tổng cục Thống kê đã công bố, diễn biến lạm phát tại nước ta năm qua có thể chia thành 2 mốc thời gian. Cụ thể:

Thứ nhất, 6 tháng đầu năm. Lạm phát ở thời điểm 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ có xu hướng giảm từ 4,9% vào tháng 1/2023 xuống còn 2,0% vào tháng 6/2023. Có 3 nguyên nhân kìm đà tăng lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 là tổng cầu trong nửa đầu năm 2023 rất yếu, điều này thể hiện qua việc tăng trưởng GDP thấp.

Cùng với đó, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới, nhất là giá dầu cũng có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ. Và theo tôi, một nguyên nhân nữa tác động giảm lạm phát là do ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng cung tiền thấp trong năm 2022 (3,85%) và nửa đầu năm 2023 (2,53%), còn lãi suất cho vay thực vẫn neo ở mức cao 6,9% vào tháng 6/2023.

Thứ hai, 6 tháng cuối năm. Nửa sau của 2023, bên cạnh việc các nền tảng kinh tế vĩ mô dần cải thiện như: tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh; cung tiền và tín dụng tăng nhanh hơn… lạm phát có xu hướng gia tăng chủ yếu do một loạt các cú sốc từ phía cung.

Cụ thể ở đây là việc điều chỉnh tăng học phí, khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,06% trong tháng 9/2023, giá dịch vụ y tế khiến chỉ số giá nhóm này tăng 2,9% trong tháng 11/2023 và 2,15% trong tháng 12/2023, giá gạo và giá xăng dầu có xu hướng tăng trở lại theo giá thế giới. Đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng đột biến trong tháng 8 và tháng 9/2023.

Như vậy, lạm phát trung bình năm 2023 chỉ ở mức 3,25%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra.

Phóng viên: Ông dự báo ra sao về lạm phát năm 2024, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Độ: Trong năm 2024, lạm phát so với cùng kỳ nhiều khả năng sẽ có xu hướng giảm do kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn, đồng thời kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, do lạm phát so với cùng kỳ tháng 12/2023 ở mức khá cao, nên theo dự báo của tôi, lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức khoảng 3,0% (+/- 0,5%).

Như vậy, áp lực lạm phát như dự báo thì sẽ không quá lớn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết phải nhìn rộng ra kinh tế thế giới, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, nguy cơ kinh tế Mỹ bị suy thoái chưa được loại trừ. Với triển vọng kinh tế thế giới không thật sự khả quan, giá dầu sẽ khó tăng mạnh, thậm chí có thể giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ thực sự rơi vào suy thoái. Dự báo giá dầu WTI trong năm nay sẽ xoay quanh mức 67 USD/thùng.

Cũng xuất phát từ bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nên xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Hơn nữa, do thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp – xây dựng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024.

Nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh mức 6% như nhiều dự báo, tính chung giai đoạn 2020-2024, GDP sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 4,64%, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Đây là yếu tố kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.

Ngoài ra, một yếu tố nữa chính là nguyên nhân khiến áp lực lạm phát năm nay không quá lớn là liên quan đến cung tiền. Cung tiền và tín dụng năm 2023 chỉ tăng trưởng 10-11%. Mặc dù lãi suất giảm mạnh trong nửa cuối của năm 2023, nhưng so với lạm phát lãi suất huy động 12 tháng vẫn ở mức thực dương khoảng gần 2%. Đồng thời, áp lực lạm phát từ yếu tố tỷ giá tăng trong năm 2024 cũng được dự báo sẽ không lớn khi đồng USD đang trong xu hướng giảm giá, còn Fed nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ quý II/2024.

Có thể nói, môi trường tiền tệ - tỷ giá đang ở mức trung tính và sẽ không khiến giá cả tăng đột biến trong năm 2024.

Theo nhận định của tôi, năm nay sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ cho công tác kiểm soát lạm phát. Do vậy, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng trong năm 2024 nhiều khả năng sẽ không cao hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2023.

Phóng viên: Từ những phân tích, dự báo của ông về lạm phát 2024, ông có thể chỉ ra các kịch bản cho lạm phát ở Việt Nam trong năm nay không, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Độ: Tôi cho rằng, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam kém lạc quan, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới khó tăng mạnh, đồng thời môi trường tiền tệ - tỷ giá ở mức trung tính, CPI được dự báo sẽ tăng khoảng 3,0%, chênh lệch khoảng 0,5%. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thận trọng, không chủ quan, vì vậy, theo tôi sẽ có 3 kịch bản lạm phát ở nước ta. Cụ thể:

Một là, nếu kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng bình thường, giá nhiên, nguyên, vật liệu ổn định, CPI có thể tăng trung bình 0,24%/tháng. Lạm phát trung bình năm 2024 sẽ ở mức khoảng 3,5%. Đây là kịch bản cao nhất.

Hai là, ở kịch bản thấp, nếu kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong nửa sau của năm 2024 và Việt Nam chịu tác động mạnh, giá nhiên, nguyên, vật liệu giảm mạnh như năm 2020, CPI tăng trung bình 0,05%/tháng. Do đó, lạm phát trung bình sẽ ở mức 2,5%.

Ba là, mức trung bình, trường hợp kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nhưng không rơi vào suy thoái, Việt Nam bị ảnh hưởng không nhiều, giá nguyên, nhiên, vật liệu giảm nhẹ thì CPI tăng trung bình 0,15%/tháng. Lúc này, lạm phát trung bình sẽ ở mức 3,0%.

Như tôi đã nhấn mạnh, dù là kịch bản nào thì vấn đề điều hành cũng không được lơi là, phải hết sức thận trọng để kiểm soát lạm phát đảm bảo mục tiêu đã đề ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!