Bài học về Kế toán quản trị môi trường của các doanh nghiệp dệt may trên thế giới
Dù đóng góp cho nền kinh tế khá lớn, song ngành Dệt may đang đứng trước thách thức chung của toàn cầu khi lại là ngành gây ra ô nhiễm môi trường. Hiện nay, trước tình trạng biến đổi khí hậu và yêu cầu thực hiện các cam kết của quốc gia trong hoạt động bảo vệ môi trường, ngành Dệt may cần có những thay đổi nhằm phù hợp với tình hình thực tế. Đây chính là lí do khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may trên thế giới ngày càng quan tâm đến công tác kế toán quản trị môi trường nhằm mục tiêu phục vụ công tác điều hành cũng như công khai, minh bạch thông tin cho các bên liên quan. Bài viết trình bày kinh nghiệm của một số doanh nghiệp trong việc sử dụng kế toán quản trị môi trường, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Lợi ích của kế toán quản trị môi trường
Tuy là ngành quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, song ngành Dệt may lại có tác động rất lớn đến môi trường, do chất thải của Ngành này đang được xem như một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sống. Trong quá trình sản xuất, ngành Dệt may sử dụng rất nhiều loại hóa chất, thuốc tẩy, thuốc nhuộm và thải ra môi trường.
Với các loại vải sử dụng nhiều xơ sợi tổng hợp như polyester thì càng dùng nhiều thuốc nhuộm và các chất phụ trợ khó phân giải vi sinh, dẫn tới lượng chất gây ô nhiễm môi trường trong nước thải càng cao. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp (DN) ngành Dệt may trên thế giới cần phải áp dụng kế toán quản trị (KTQT) môi trường nhằm để phục vụ cho công tác điều hành DN, cho nhu cầu thông tin của các nhà đầu tư, các đối tác, xã hội…
Theo Ủy ban Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, KTQT môi trường là một sự hiểu biết tốt hơn và đúng đắn hơn về KTQT. Mục đích tổng quát của việc sử dụng thông tin kế toán môi trường nhằm phục vụ cho các tính toán nội bộ cũng như cho ra quyết định kinh doanh kịp thời của nhà quản trị DN. Quá trình xử lý thông tin của KTQT môi trường phục vụ cho việc ra quyết định bao gồm các tính toán vật chất như nguyên liệu, năng lượng tiêu thụ, dòng luân chuyển vật tư và lượng vật chất bị loại bỏ hoặc xả thải và các tính toán tài chính có tính chất tiền tệ đối với chi phí (cả phần bỏ thêm và tiết kiệm được), doanh thu và thu nhập có liên quan đến các hoạt động có khả năng ảnh hưởng và tác động tiềm tàng đến môi trường.
Các nghiên cứu cho thấy, KTQT môi trường được áp dụng trong DN sẽ mang tới các lợi ích sau: (i) Nhận dạng đầy đủ, xác định chính xác và phân bổ đúng đắn các khoản chi phí môi trường giúp cho việc định giá sản phẩm và xác định kết quả kinh doanh đúng, từ đó có quyết định hợp lý về chiến lược sản phẩm cũng như đầu tư thiết bị và công nghệ; (ii) Kiểm soát chi phí hoạt động và cải thiện môi trường nhờ vào việc kiểm soát chất thải gắn với nguồn phát sinh; (iii) Cải thiện quan hệ với chủ nợ, ngân hàng, cổ đông, khách hàng do đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường quốc tế, tạo được lợi thế thương mại, nâng cao uy tín trong cộng đồng nhờ phát triển hình ảnh “xanh”; (iv) Cải tiến hệ thống hạch toán hiện có nhờ vào việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán khoa học hơn và gắn kết được luồng thông tin của các hoạt động từ các bộ phận của DN.
Kinh nghiệm trên thế giới
Kinh nghiệm của Burberry
Burberry là một hãng thời trang nổi tiếng, phân phối quần áo thể thao và phụ kiện thời trang sang trọng ở Anh. Năm 2014, Burberry xếp hạng thứ 73 trong danh sách các thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới theo công bố của Best Global Brands. Nhằm thể hiện trách nhiệm của DN đối với xã hội, môi trường, tháng 9/2020, Burberry đã ra mắt Báo cáo bền vững rái phiếu để hỗ trợ các mục tiêu phát triển của mình. Theo đó, Burberry cam kết tiếp tục đầu tư vào các sáng kiến liên quan đến Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp (ESG) và nâng cao tham vọng xây dựng một tương lai bền vững và toàn diện hơn. Đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), Burberry khẳng định cam kết bền vững là mục tiêu lâu dài, dựa trên niềm tin rằng để phát triển trong tương lai, các DN cần tích cực giải quyết những thách thức đối với ngành công nghiệp thời trang hiện nay. Trong đó, Báo cáo ESG của Burberry thể hiện rõ các mục tiêu mà hãng thời trang này thực hiện với một số nội dung đáng chú ý như: Triển khai các đánh giá về khả năng phục hồi của việc sử dụng nước trên toàn chuỗi cung ứng; Năng lượng tái tạo hiện cung cấp 93% nhu cầu điện của Burberry trên toàn thế giới; Ra mắt các mục tiêu truy xuất nguồn gốc mới và nguyên liệu thô bền vững... Burberry khẳng định, sự thành công lâu dài trong hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào việc đầu tư vào tính bền vững về môi trường trong các hoạt động của Burberry, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và việc quản lý các tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Burberry đang hướng đến đạt được mục tiêu sử dụng 100% điện tái tạo, lượng khí thải carbon trung tính trong quá trình hoạt động. Đối với nguyên liệu theo hướng bền vững, Burberry đặt mục tiêu đảm bảo tất cả các nguyên liệu chính đều có thể truy nguyên 100% vào năm 2025; Giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 từ việc tìm nguồn nguyên liệu thô và sản xuất thành phẩm; Xây dựng nguồn bông, da và len bền vững hơn cũng như polyester và nylon có thể tái chế; Sử dụng bao bì bền vững...
Đối với các sáng kiến về biến đổi khí hậu, Hãng này thực hiện cân bằng lượng khí thải thông qua Quỹ Tái tạo Burberry. Thông qua Quỹ này, Burberry hỗ trợ danh mục các dự án hấp thụ carbon và bù đắp carbon đã được xác minh, cho phép Burberry lưu trữ carbon, thúc đẩy đa dạng sinh học, hỗ trợ khôi phục hệ sinh thái và hỗ trợ sinh kế của các nhà sản xuất địa phương. Các nỗ lực ứng dụng KTQT môi trường đã giúp Burberry kiểm soát chi phí hoạt động và cải thiện môi trường nhờ vào việc kiểm soát chất thải nguyên liệu gắn với nguồn phát sinh...
Kinh nghiệm của UNIQLO
UNIQLO là một trong những DN sản xuất, phân phối hàng dệt may lớn nhất Nhật Bản. Một trong những nguyên tắc hoạt động cốt lõi của UNIQLO là mang lại những giá trị tích cực cho xã hội. UNIQLO công bố các báo cáo bền vững (Sustainability Report) hàng năm trên trang web chính của mình, nhằm đưa đến cho công chúng cái nhìn tổng quát về các hoạt động kinh doanh của hãng và các vấn đề xã hội, môi trường đi kèm. Thực hiện trách nhiệm xã hội, từ rất sớm, UNIQLO đã thực hiện chiến lược đổi mới toàn diện trong cả quy trình sản xuất và nghiên cứu sản phẩm mới khi tiến hành đổi mới công nghệ trong khâu sản xuất với các phương thức sản xuất xanh, như: BlueCycle (sử dụng đá sinh thái và công nghệ ozon nhằm giảm tiêu thụ nước trong sản xuất, thay thế đá nhám bằng tia laser), Fast-Retailing (chỉ sản xuất và phân phối đủ lượng quần áo theo nhu cầu khách hàng). Nhờ đó, trong năm 2020, DN giảm được 15% lượng nước, 10% khí thải nhà kính trong quá trình sản xuất, bày bán sản phẩm, đồng thời tạo ra môi trường làm việc an toàn cho nhân viên.
UNIQLO cũng là một trong những DN có nhiều bước tiến mang tính bước ngoặt trong sử dụng nguyên liệu tái chế. Theo đó, thông qua chương trình RE.UNIQLO được thực hiện từ năm 2006, DN này đã thu gom lượng lớn quần áo đã qua sử dụng của khách hàng để tái chế và sản xuất các sản phẩm mới. Năm 2020, UNIQLO đã cho ra mắt dòng sản phẩm cao cấp áo lông vũ - cũng được cam kết sản xuất từ nguyên liệu có thể tái chế 100%. Các số liệu từ báo cáo tài chính công bố cho thấy, hiệu quả doanh thu của UNIQLO vẫn đạt mức kỷ lục trong các năm qua, đây là minh chứng rõ nét về vai trò của KTQT trong nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN, cụ thể là với ngành Dệt may.
Hình 1: Kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường lớn tính đến tháng 7/2023 (tỷ USD)
Nguồn: Lê Tiến Trường, Hoàng Mạnh Cầm và Nguyễn Trọng Nghĩa (2023)
Như vậy, đối với các DN này, quá trình áp dụng KTQT môi trường thực sự có hiệu quả, các thông tin môi trường đều được hãng công khai minh bạch, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về môi trường từ Chính phủ, người dân và kể cả đối tác thương mại.
Kinh nghiệm cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam
Dệt may là một trong ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của Việt Nam với những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu: năm 2020 là 29,81 tỷ USD, năm 2021 là 40,4 tỷ USD, năm 2022 là 37,5 tỷ USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 22,5 tỷ USD. 5 thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Dệt may Việt Nam có quy mô xuất khẩu trong tốp 3 thế giới, có năng lực cạnh tranh được đánh giá ở mức khá, có tiềm năng trở nên độc lập hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hiện đang giúp hơn 3 triệu người có công ăn việc làm.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về môi trường theo cam kết quốc tế, hiện nay, ngoài các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường tự động hóa; Quản lý chuỗi cung ứng; Đào tạo lao động có kỹ năng thì hai giải pháp quan trọng khác được ngành Dệt may Việt Nam đưa ra đó là số hóa quản trị và chuyển dịch sang sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo đó, giải pháp số hóa quản trị nhằm nâng cao hiệu quả của việc đưa ra các quyết định của nhà quản trị DN, trong khi nỗ lực chuyển dịch sang sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm đáp ứng ngày càng cao các tiêu chí khắt khe về môi trường của các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam.
Phần lớn DN dệt may tại Việt Nam lại có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính có hạn, đồng thời mới chỉ thực hiện một giai đoạn sản xuất gia công, chưa thể hoàn thiện khép kín thành phẩm, cũng như xây dựng được chuỗi cung ứng. Từ kết quả nghiên cứu thu được, tiếp thu kinh nghiệm áp dụng KTQT môi trường tại các DN dệt may lớn trên thế giới, nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng KTQT môi trường tại các DN dệt may Việt Nam:
Một là, nhà quản trị DN cần thay đổi và nâng cao nhận thức về việc áp dụng KTQT môi trường nhằm phục vụ cho công tác điều hành, ra quyết định và cung cấp thông tin kế toán cho các đối tượng liên quan.
Hai là, nên cung cấp các thông tin kế toán về môi trường trong các báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững hàng năm của DN.
Ba là, cần tạo môi trường lao động tốt, thúc đẩy quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, phát triển sản phẩm xanh...
Bốn là, việc áp dụng KTQT môi trường có thể khiến DN tốn chi phí tuy nhiên bù lại các thông tin được công khai, minh bạch sẽ giúp các đối tác, khách hàng tin tưởng, từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại các nguồn thu lớn để bù đắp cho chi phí KTQT môi trường.
Năm là, cần học hỏi các kinh nghiệm trong việc cung cấp và vận dụng thông tin KTQT môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Kết luận
Trong những năm qua, Dệt may là những ngành đem lại thặng dư xuất khẩu cho nền kinh tế; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và làm tăng phúc lợi xã hội. Xu hướng tập trung phát triển ngành Dệt may sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm tới, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những tác động không nhỏ đến môi trường. Do vậy, KTQT môi trường trong các DN dệt may cũng cần phải được quan tâm, triển khai quyết liệt hơn nhằm cung cấp các thông tin môi trường kịp thời, giúp DN giảm bớt chi phí sản xuất, năng lượng thất thoát trong quá trình hoạt động, góp phần vào sự phát triển chung của Ngành.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Tiến Trường, Hoàng Mạnh Cầm và Nguyễn Trọng Nghĩa (2023), Tình hình sản xuất kinh doanh ngành dệt may và một số giải pháp để phát triển bền vững. Tham luận Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023;
- Phan Thị Thu Hiền (2023), Kinh nghiệm áp dụng KTQT môi trường của các DN dệt may trên thế giới và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Công Thương số 4, tháng 2/2023;
- Burritt, R. L. (2004), “Environmental management accounting: roadblocks on the way to the green and pleasant land”, Business Strategy and the Environment;
- Burberry (2020), Burberry Environmental Social and Governance 2020/21;
- Kim, J. D. (2002), “A guideline for measurement and reporting of environmental costs”, in Bennett, M., Bouma, J. J. and Wolters, T. (Ed.), Environmental Management Accounting: Informational and Institutional Developments, Kluwer, Dordrecht, 51- 65;