Kế toán quản trị môi trường tại Nhật Bản
Khái niệm phát triển bền vững đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường khỏi bị phá hủy qua việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý và có trách nhiệm. Bài viết tìm hiểu về công tác kế toán quản trị chi phí môi trường ở Nhật Bản để thấy rõ được quốc gia này coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường và áp dụng vào doanh nghiệp...
Nhật Bản có chương trình hạch toán môi trường phát triển nhất trong các quốc gia châu Á. Năm 1997 Bộ Môi trường Nhật Bản đã tiến hành những dự án nghiên cứu đầu tiên về kế toán môi trường.
Năm 1998, Viện Kế toán công chứng của Nhật Bản đã công bố Báo cáo sử dụng thông tin chi phí môi trường để quản trị các vấn đề môi trường (JICPA, 1998).
Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE) và Bộ công thương (METI) đóng vai trò quan trọng trong quá trình hướng dẫn và thúc đẩy triển khai ứng dụng kế toán môi trường tại các DN Nhật Bản.
Từ năm 1999 đến 2000, MOE đã nghiên cứu và công bố hướng dẫn kế toán môi trường. Hướng dẫn của MOE tập trung vào kế toán chi phí môi trường và lợi ích môi trường cho mục đích báo cáo ra bên ngoài đơn vị, đây là những hướng dẫn mang tính tự nguyện không bắt buộc đối với doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, cách thức định nghĩa, phân loại và báo cáo về chi phí môi trường của hướng dẫn này rất khó áp dụng để phục vụ cho mục tiêu ra quyết định quản trị nội bộ DN. Song song với quá trình nghiên cứu và hướng dẫn của MOE, METI cũng tiến hành nghiên cứu các dự án về kế toán môi trường nhưng phục vụ cho mục đích quản trị nội bộ DN.
KTQT chi phí môi trường tại các DN Nhật Bản là không phức tạp. Chi phí môi trường được các DN nhận diện là tổng chi phí cho đầu tư cho môi trường và phí tổn môi trường trong thời gian nhất định.
Chi phí môi trường được phân loại theo hoạt động bao gồm: Chi phí môi trường ở bộ phận kinh doanh, chi phí môi trường đầu nguồn và cuối nguồn, chi phí hoạt động quản trị môi trường, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí xã hội, chi phí bồi thường thiệt hại môi trường.
Để phục vụ cho mục tiêu quản lý và kiểm soát chi phí trong nội bộ DN, các DN Nhật Bản còn nhận diện chi phí môi trường còn bao gồm cả chi phí vật liệu của chất thải và chi phí chế biến chất thải và thực hiện phân loại chi phí theo dòng vật liệu.
Theo đó, chi phí môi trường gồm chi phí bảo vệ môi trường, chi phí chi phí vật liệu của chất thải và chi phí chế biến chất thải. Tuy nhiên, các chi phí này chỉ được sử dụng trong các báo cáo quản trị nội bộ DN. Đối với báo cáo chi phí môi trường phát hành ra bên ngoài DN theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán Nhật Bản sẽ không bao gồm chi phí môi trường cho chất thải và chi phí xã hội.
Các DN có thể lựa chọn báo cáo thông tin về các khoản chi phí môi trường một cách tự nguyện theo 3 cách thức: Báo cáo độc lập chi phí môi trường và lợi ích môi trường; Báo cáo kết hợp chi phí môi trường và lợi ích môi trường; Báo cáo kết hợp chi phí môi trường, lợi ích môi trường và lợi ích kinh tế. Trong đó, cách báo cáo thứ 3 được khuyến khích áp dụng. KTQT chi phí môi trường trong các DN Nhật Bản được sử dụng với mục đích quản lý chi phí, kiểm soát dự toán chứ không phải cho quyết định kinh doanh.
Mô hình kế toán chi phí theo dòng vật liệu được áp dụng cho mục tiêu này và vận dụng thành công để kiểm soát, tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua kiểm soát và giảm chi phí chất thải của sản phẩm, tìm ra vật liệu cũng như cải tiến qui trình sản xuất phát sinh với chi phí thấp nhất.
Trong nghiên cứu về áp dụng MFCA tại các DN Nhật Bản được tiến hành bởi METI năm 2010 tại 15 DN thuộc khối sản xuất công nghiệp, 5 DN phi sản xuất công nghiệp và 3 DN trong chuỗi cung ứng cho thấy phương pháp này đang được áp dụng phổ biến tại Nhật Bản trong các DN nhỏ dưới 100 nhân công như TS Coorporation, Shinryo Co., Ltd hay trong các DN quy mô lớn hơn 1000 nhân công như Canon Inc, Nitto Denko Corporation trong mọi ngành nghề công nghiệp, dịch vụ, xây dựng, logistic...
Trong số các DN áp dụng thành công mô hình KTQT chi phí môi trường theo MFCA tại Nhật Bản phải kể đến 2 tập đoàn hàng đầu là Toyota và Canon. Trong đó, Toyota đã thu được lợi ích hàng tỷ Yên mỗi năm do cắt giảm năng lượng sử dụng, giảm thiểu chi phí chế biến chất thải và công nghệ sản xuất sạch hơn.
Canon giới thiệu hạch toán chi phí dòng vật chất (MFCA) từ năm 2001, qua đó, cắt giảm các chất thải (cũng là cắt giảm chi phí môi trường) đã làm tăng sản phẩm có ích từ 78% năm 2003 lên 90% năm 2007. Những phân tích MFCA đã khởi điểm cho một loạt sự cắt giảm trong cả những ảnh hưởng môi trường và chi phí phân loại lại rác kính như là hao hụt (phí tổn) vật liệu tại Canon.
Trước đó, rác thải kính được coi như kết quả không thể tránh được của quá trình sản xuất và không thể ngăn chặn. Dựa trên phân tích MFCA, Canon đã giới thiệu vật liệu kính mới mỏng hơn trong mối quan hệ với nhà cung cấp kính. Sau những thành công ban đầu, Canon đã mở rộng mô hình MFCA trong toàn bộ tập đoàn.