Bài học về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp

Lê Thu Thủy, Nguyễn Mai Lan - Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường vốn. So với các nước trên thế giới, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu tại Việt Nam còn khá mới mẻ và đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như hoạt động của các doanh nghiệp xếp hạng. Do vậy, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế là điều hết sức cần thiết cho sự phát triển bền vững của thị trường xếp hạng tín nhiệm trái phiếu Việt Nam.

Khái quát về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu là dịch vụ được cung cấp bởi doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm (XHTN) để đưa ra một đánh giá độc lập về khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ của chủ thể phát hành đối với công cụ nợ tại thời điểm đánh giá.

Ở các nước, việc thành lập các doanh nghiệp XHTN là một nhu cầu tất yếu của thị trường chứng khoán xuất phát từ bất đối xứng thông tin về rủi ro của các công cụ nợ. Rủi ro ở đây là rủi ro vỡ nợ hoặc thiếu khả năng thanh toán đầy đủ vốn gốc và lãi theo nghĩa vụ của tổ chức phát hành. Trên cơ sở độc lập khách quan, trung thực và minh bạch, các doanh nghiệp XHTN trái phiếu đưa ra ý kiến của bên thứ 3 về mức độ rủi ro vỡ nợ trái phiếu.

Doanh nghiệp XHTN đầu tiên công bố kết quả xếp hạng trái phiếu tại Mỹ được thành lập vào năm 1909 bởi John Moody. Tiếp theo sau Moody là Poor’s Publishing Company được thành lập vào năm 1916 và Fitch Publishing Company vào năm 1924. Kể từ đó đến nay, ba doanh nghiệp này vẫn luôn là các doanh nghiệp tiên phong, chiếm thị phần XHTN lớn nhất thế giới.

Kinh nghiệm quốc tế về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu

Bảng 1: Tổng hợp thông tin về các đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong khu vực châu Á

Quốc gia

Doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm

Trung Quốc

Dagong Global Credit Rating Co.Ltd

Shanghai Far East Credit Rating Co.Ltd

China Chengxin International Credit Rating Co.Ltd

Indonesia

PT PEFINDO Credit Rating Indonesia

PT Moody’s Indonesia

Nhật Bản

Japan Credit Rating Agency Ltd

Rating and Investment Information Co.Ltd

Hàn Quốc

Korea Investors Service, Inc

Korea Rating Corporation

Seoul Credit Rating & Information Inc

NICE Investors Service Co, Ltd

Malaysia

Malaysian Rating Corporation Behard

Rating Agency Malaysia Berhad

Philippines

Philippine Rating Services Corporation

Thái Lan

Thai Rating & Information Services Co Ltd

Thai Fitch Rating Ltd

Nguồn: Asianbondsonline.adb

 

Mô hình doanh nghiệp hoạt động của các doanh nghiệp XHTN thường được thành lập theo 4 mô hình như sau: (1) Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (2) Doanh nghiệp liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài; (3) Công ty cổ phần có các cổ đông chiến lược nước ngoài; (4) Doanh nghiệp nội địa.

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chủ yếu được thành lập ở các quốc gia có trung tâm tài chính lớn như: London, Singapore, Tokyo… Với các thị trường nhỏ, các doanh nghiệp như Moody’s Standard & Poors… chỉ tiến hành các hợp đồng theo yêu cầu của khách hàng hay đảm nhận vai trò đối tác chiến lược đối với các doanh nghiệp XHTN trong nước. Các doanh nghiệp XHTN nước ngoài thường đem lại các kinh nghiệm quốc tế sẵn có về XHTN trái phiếu, nhưng ngược lại họ không có lợi thế hiểu biết sâu sắc về thị trường và quy định pháp lý bằng các doanh nghiệp nội địa.

Tại các nước khu vực châu Á có sự phát triển kinh tế gần tương đồng với Việt Nam như: Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan… các doanh nghiệp XHTN đầu tiên đều được thành lập theo mô hình công ty cổ phần dưới sự hỗ trợ của Chính phủ.

Lựa chọn mô hình thành lập doanh nghiệp XHTN thường dựa trên cơ sở về đặc điểm môi trường kinh tế, trình độ phát triển thị trường tài chính của mỗi quốc gia. Bởi mỗi mô hình sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau, bởi vậy sự phù hợp là yếu tố quan trọng.

Trung Quốc

Thị trường xếp hạng tín nhiệm trái phiếu tại Trung Quốc được hình thành từ những năm 1990 với bước sơ khởi ban đầu chủ yếu tập trung đánh giá trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước. So với phương Tây và Mỹ, ngành XHTN trái phiếu Trung Quốc có lịch sử hết sức non trẻ và vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Chất lượng XHTN trái phiếu tại Trung Quốc chỉ thực sự đa dạng hơn khi có sự tham gia của các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Standard & Poor, Moody’s & Fitch. Các doanh nghiệp XNTN đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thị trường trái phiếu Trung Quốc hiện đang giữ vị trí lớn thứ hai trên thế giới.

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu tại Trung Quốc được quản lý và giám sát chặt chẽ bởi Chính phủ thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước. Ủy ban Điều tiết chứng khoán (CSRC) là cơ quan nhà nước giám sát các hoạt động xếp hạng tín nhiệm trái phiếu. Các doanh nghiệp XHTN muốn hoạt động tại Trung Quốc đều phải đăng ký và được chấp nhận bởi CSRC. Các doanh nghiệp XHTN được yêu cầu công khai phương pháp xếp hạng, quy trình xếp hạng nhằm mục đích đảm bảo sự minh bạch và khách quan. Chính phủ đặt trọng tâm kiểm soát rủi ro, do vậy các doanh nghiệp XHTN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác xếp hạng mà họ đưa ra.

Các doanh nghiệp xếp hạng nội địa như China Chengxin International (CCXI), China Lianhe Credit Rating và Dagong Global Credit Rating là những đơn vị chủ yếu xếp hạng trái phiếu tại thị trường nội địa và các sàn giao dịch trong nước. Trung Quốc đón nhận một kỷ nguyên quốc tế hóa mới sau những cải cách luật đầu tư gần đây, mở cửa thị trường xếp hạng tín dụng cho các doanh nghiệp nước ngoài từ năm 2018. S&P China chính thức trở thành doanh nghiệp XHTN hoàn toàn thuộc sở hữu quốc tế đầu tiên ở Trung Quốc với đăng ký với CSRC vào năm 2020. Kỷ nguyên quốc tế hóa mới sẽ giúp chuyển đổi ngành xếp hạng và thị trường trái phiếu của Trung Quốc bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Việc cho phép những doanh nghiệp XHTN quốc tế tham gia thị trường một cách độc lập cho thấy nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc tăng tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro vỡ nợ, cải thiện chất lượng của ngành xếp hạng tín nhiệm nội địa và cung cấp sự minh bạch hơn về mức độ tín nhiệm của các doanh nghiệp phát hành.

Lực lượng lao động trong ngành XHTN trái phiếu khá đa dạng, từ nhân sự Trung Quốc cho đến các nhân sự từ nước ngoài. Tính đến năm 2023, toàn ngành xếp hạng nội địa có khoảng 10.000 nhân sự tham gia với trình độ từ cao đến rất cao. Bên cạnh đó, sự gia nhập thị trường của các cơ quan xếp hạng toàn cầu cũng mang tới lực lượng chuyên gia mới cho ngành. Điều này sẽ giúp các nhân lực nội địa có cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng các kỹ thuật và phương pháp tiên tiến từ nước ngoài.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc có sự tăng trưởng nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2023, quy mô thị trường đạt gần 30 nghìn tỷ USD. Điều đó phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong việc đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp.

Mỹ

Mỹ là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực XHTN và cả 3 công ty XHTN hàng đầu thế giới đều đặt trụ sở tại Mỹ - Moody’s (1941), Fitch Ratings (1913) và Standard&Poor (1941). Quy định về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu được quản lý chủ yếu bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC - Securities and Exchange Commission). Các doanh nghiệp XHTN được công nhận bởi SEC được gọi là NRSROs (Doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được công nhận trên toàn quốc). Những doanh nghiệp này phải đăng ký với SEC và tuân thủ các quy định của cơ quan này. Các NRSROs phải công khai thông tin về quy trình xếp hạng và chịu trách nhiệm pháp lý nếu có sai sót lớn trong các xếp hạng của họ, đồng thời phải đưa ra các quy định nội bộ để giảm thiểu xung đột lợi ích, như việc một doanh nghiệp xếp hạng không được tham gia vào việc tư vấn cho công ty mà họ đang xếp hạng. NRSROs phải báo cáo định kỳ với SEC và công bố các thông tin về phương pháp xếp hạng, kết quả xếp hạng, và bất kỳ thay đổi nào về quy trình đánh giá.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Mỹ đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008 và đại dịch COVID-19. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới tại Mỹ trong những năm gần đây thường vượt 1.000 tỷ USD/năm, luôn giữ vững là thị trường trái phiếu lớn nhất toàn cầu. Sự phát triển của thị trường trái phiếu kéo theo nhu cầu đối với dịch vụ của các doanh nghiệp XHTN, đồng thời các doanh nghiệp này sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc duy trì chất lượng và tính chính xác của xếp hạng để đảm bảo lòng tin của nhà đầu tư.

Trong nhiều năm, vị trí độc tôn trên thị trường XHTN trái phiếu thuộc về bộ 3 doanh nghiệp XHTN Moody’s, Fitch Ratings và Standard&Poor. Mỗi doanh nghiệp sử dụng một hệ thống xếp hạng dựa trên chữ cái duy nhất để truyền đạt cho các nhà đầu tư khả năng trái phiếu có rủi ro vỡ nợ thấp hay cao và liệu doanh nghiệp phát hành có ổn định về mặt tài chính hay không. Để nâng cao tính minh bạch, tin cậy và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, SEC đã gia tăng thêm số lượng doanh nghiệp xếp hạng từ 3 lên 10 công ty: DBRS Morningstar, Kroll Bond Rating, A.M. Best Rating Services…

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Sự phát triển thị trường XHTN tại Việt Nam vẫn ở những bước khởi đầu khi con số này mới chiếm khoảng 9% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2023. So với các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tính đến 2030 chiếm 25% GDP là một con số khiêm tốn. Như vậy, trong tương lai, các doanh nghiệp XHTN tại Việt Nam có thể hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và từ các quy định mới của Chính phủ.

Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển của 2 thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất thế giới, có thể rút ra những bài học sau đây:

Thứ nhất, các quy định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và xếp hạng tín nhiệm được quy định chặt chẽ bởi một cơ quan của Chính phủ. Việt Nam cần xây dựng và phát triển một khung pháp lý rõ ràng để đảm bảo sự minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và giảm thiểu rủi ro tín dụng trong thị trường trái phiếu. Tăng cường sự giám sát đối với các doanh nghiệp XHTN nhằm đảm bảo kết quả xếp hạng mang tính khách quan, trung thực và tin cậy.

Thứ hai, tăng cường minh bạch và chuẩn hóa thông tin tài chính, kinh tế từ đó tạo điều kiện cho việc đánh giá tín nhiệm được chính xác hơn. Một yếu tố quan trọng trong hệ thống tín nhiệm là yêu cầu các công ty phải công bố đầy đủ và chi tiết thông tin tài chính, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Hệ thống thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam cần được chuẩn hóa để cải thiện mức độ tin cậy, các tiêu chuẩn báo cáo tài chính cần minh bạch và tuân thủ theo hướng tiệm cận quốc tế.

Thứ ba, xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội địa độc lập và đáng tin cậy. Điều này có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Trung Quốc để giảm bớt sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp xếp hạng quốc tế. Việt Nam cần phát triển các doanh nghiệp XHTN của mình với cơ chế quản trị minh bạch, tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ tư, thị trường trái phiếu là một yếu tố quan trọng để phát triển XHTN trái phiếu. Khi thị trường trái phiếu phát triển, các doanh nghiệp phát hành phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin, các quy định về tài chính, đồng thời gia tăng tính thanh khoản, giúp giảm thiểu rủi ro cho trái phiếu. Thị trường trái phiếu phát triển cũng đòi hỏi các cơ quan quản lý phải xây dựng và thực thi các quy định pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư, thúc đẩy sự minh bạch thông tin.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ánh Tuyết (2024). Xếp hạng tín nhiệm chuyển mình theo chu kỳ mới. Tạp chí Kinh tế Việt Nam, số 21-2024;
  2. Thanh Tuấn (2024). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Mỹ: Cơ hội song hành với rủi ro. https://bnews.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-my-co-hoi-song-hanh-voi-rui-ro;
  3. SEC Publishes Annual Staff Report on Nationally Recognized Statistical Rating Organizations https://www.sec.gov/newsroom/press-releases/2024-21;
  4. Nguyen Duy Thinh, Vu Ngoc Xuan (2021). Developing the Corporate Bond Market-International Experience and Lessons for Vietnam Companies. Asian Journal of Business and Management.Volume 9 – Issue 2;
  5. Chunping Bush (2022) The Chinese credit rating industry: Internationalisation, challenges and reforms. Journal of Economics and Business, Volume 118.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2024