Bài toán khó với ngành sản xuất gỗ

Minh Đức

Phát triển thị trường trong nước là vấn đề được nhắc tới nhiều kể từ khi Mỹ thay đổi chính sách thuế quan, dẫn tới nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Dù vậy, do các yếu tố đặc thù, không phải ngành hàng nào cũng có thể tiếp cận và chinh phục người tiêu dùng trong nước một cách thuận lợi.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất gỗ của Việt Nam.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất gỗ của Việt Nam.

Minh chứng cho câu chuyện nói trên là thực tế đang xảy ở ngành gỗ. Hiện nay, có đến 56% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam là vào thị trường Mỹ. Gần 40% sản phẩm nội thất mà Mỹ nhập khẩu từ các nguồn trên thế giới đến từ Việt Nam. Hầu hết nội thất của các bất động sản Mỹ có giá trị từ 200.000-500.000 USD đến từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ "bỏ lơ" nội thất thuộc phân khúc trung lưu và chỉ còn Việt Nam, Trung Quốc cung ứng sản phẩm cho nhóm này.

Theo cách nói của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam là “bỏ trứng” vào “giỏ” Mỹ nhiều. Trước những thay đổi trong chính sách thuế quan của Mỹ, đương nhiên là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam gặp khó khăn ngay.

Thực tế là 3 năm qua, doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã phải chịu áp lực từ 3 cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế từ phía Mỹ, xem Trung Quốc có lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ hay không. Nhưng các đoàn kiểm tra của Mỹ không tìm được bằng chứng xác thực và tự hủy các cuộc điều tra.

“Hiện các doanh nghiệp gỗ trông đợi vào việc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời cũng trông đợi vào sự "nương tay" của chính quyền Mỹ. Chúng tôi coi mình như một đoàn người leo núi, có những lúc cần dừng và nhìn lại, để từ đó định vị lại, tìm đường đi tiếp” - ông Ngô Sỹ Hoài nói.

Trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ gặp khó khăn, thị trường trong nước được quan tâm nhiều hơn, nhưng theo ông Hoài, không có nhiều tín hiệu lạc quan cho doanh nghiệp gỗ. Thực tế là trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gỗ đã coi thị trường trong nước là phao cứu sinh, dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn.  

Theo nhận định của ông Ngô Sỹ Hoài, thị trường trong nước chỉ có quy mô khoảng 5 tỷ USD, trong 5 năm nữa chỉ có thể tăng gấp đôi lên 10 tỷ USD và đây vẫn là quy mô nhỏ. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, có 340 làng nghề gỗ, nhiều làng nghề trong số đó đã thực hiện đấu thầu đưa sản phẩm vào thành phố; sự cạnh tranh là không hề nhỏ.

Ông Hoài cũng chỉ ra một đặc thù, đó là khách hàng trong nước còn khó tính hơn thị trường Mỹ.

“Không giống như khách hàng Mỹ, vốn quen dùng sản phẩm được sản xuất theo mẫu đồng loạt, người Việt chỉ thích sản phẩm theo kiểu "may đo" và không thích mua những thứ hay mẫu mã có sẵn” - ông Hoài phân tích, đồng thời kết luận rằng, thị trường trong nước vẫn là phao cứu sinh nhưng với quy mô nhỏ, không thể có quá nhiều người bám vào đó được.

Theo thống kê của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 3/2025, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nước ta đạt 1,47 tỷ USD, qua đó nâng mức trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này trong quý I/2025 đạt 3,93 tỷ USD, tăng 11,1% (tăng 394 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 2,14 tỷ USD, tăng 12,9% (tăng 244 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 54% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu gỗ sang Nhật Bản đạt 511 triệu USD, tăng 21,8%; Trung Quốc đạt 413 triệu USD, giảm 13,4%.

Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng: Những doanh nghiệp vừa xuất khẩu và khai thác thị trường trong nước có thể sống sót qua những cơn “địa chấn” dạng như này. Dù vậy, đa số các doanh nghiệp trong ngành gỗ vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ với nhiều container lớn. Đây vẫn là một thực tế không dễ thay đổi trong tương lai gần./.