Bài toán thị trường nội địa

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc chủ động phát triển sản phẩm và khai thác thị trường là chiến lược đúng đắn của DN. Các DN cần lưu ý là không nên phát triển dàn trải mà cần có trọng điểm, khai thác lợi thế của thị trường ngách, đặc biệt cần chú ý đến nhu cầu và thị hiếu riêng của người tiêu dùng Việt Nam.

Bài toán thị trường nội địa
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc chủ động phát triển sản phẩm và khai thác thị trường là chiến lược đúng đắn của DN. Nguồn: internet
Xây dựng những lợi thế sẵn có nhằm đón đầu cơ hội trước khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành và Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại khác, Tổng công ty May 10 đang tính đến chuyện sẽ đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường lân cận nhằm tận dụng lợi tế từ AEC. Trong đó, các thị trường được May 10 nhắm tới như Myanmar, Lào, Campuchia… sẽ được DN đẩy mạnh.

Nhưng, bước phát triển sắp tới của May 10 có nền tảng khá vững chắc từ việc đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa trong thời gian qua, giúp DN xây dựng niềm tin với khách hàng, chiếm lĩnh được thị phần… Với chiến lược coi thị trường nội địa là trọng tâm, bên cạnh xuất khẩu nên ngay từ đầu DN có “tên tuổi” trong ngành dệt may này đã chủ động xây dựng và phát triển sản phẩm, thương hiệu cùng hệ thống phân phối, đại lý của riêng mình, thông qua các cửa hàng và siêu thị riêng M10-Mart.

“Với những kinh nghiệm sau nhiều năm phát triển thị trường Việt Nam, chúng tôi sẽ nhắm đến thị trường có tính tương đồng cao về nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu, đặc thù thị trường để phát triển hệ thống phân phối. Theo đó, với lợi thế về sản phẩm có thương hiệu, đặc biệt là dòng sơ mi, veston và thời trang công sở, chúng tôi sẽ mở các cửa hàng, đại lý phân phối tại các nước này. Đây cũng là chiến lược để DN đón đầu cơ hội khi Cộng đồng AEC được hình thành vào năm nay”, ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nói.

Cũng có lợi thế từ các sản phẩm may mặc xuất khẩu trong nhiều năm liền, CTCP May Hưng Yên đã khai thác thế mạnh của mình để sản xuất ra các sản phẩm riêng phục vụ cho thị trường tiêu dùng nội địa. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT của May Hưng Yên cho biết, DN đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ việc may gia công cho các đơn hàng nước ngoài để thiết kế ra các sản phẩm riêng cho người tiêu dùng nội địa.

Điều này giúp cho DN có thể khai thác triệt để giá trị của nguồn nguyên liệu với chi phí thấp nhất, vừa có cơ hội khai thác thị trường nội địa, khi cung cấp ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, về chất lượng và mẫu mã, giá cả phù hợp. Do đó, mặc dù DN dệt may nội địa ngày càng chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ DN nước ngoài và hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, song May Hưng Yên vẫn “đi cả hai chân” và “sống khoẻ” ngay tại sân nhà.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thuận lợi về thị trường như vậy. Không có nhiều thế mạnh để phát triển hệ thống kênh phân phối riêng như May 10, CTCP Đầu tư hoá mỹ phẩm Hòa Hợp lại chọn con đường “ngách” để phát triển thị trường.

Theo ông Đỗ Trung Hoà, Tổng giám đốc Công ty Hòa Hợp, hóa mỹ phẩm là ngành phải cạnh tranh gay gắt với nhiều ông lớn “ngoại” có kinh nghiệm và nguồn lực trong phát triển sản phẩm và thị trường. Do đó, Hòa Hợp không chọn con đường đối đầu trực tiếp. Cùng với chiến lược phát triển sản phẩm tốt, có chất lượng với người tiêu dùng, Hòa Hợp tập trung nhắm đến các thị trường tiêu dùng truyền thống, thị trường nông thôn, thay vì đưa hàng vào các kênh hiện đại.

“Chúng tôi có một đội ngũ phát triển thị trường riêng, đi đến các thị trường truyền thống như chợ truyền thống, cửa hàng để giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tiếp ngay tại các điểm bán như chợ... Bên cạnh đó, Hòa Hợp còn liên tục mở rộng các đại lý phân phối ra các tỉnh thành, đến từng xã phường để khai thác sâu vào từng ngóc ngách của thị trường.

Trước tiên, tôi xác định đối tượng khách hàng của mình là ở vùng nông thôn, ngoại thành, nơi mà người tiêu dùng luôn coi trọng vấn đề chất lượng và giá cả hàng đầu. Nhưng sau đó, tôi hướng đến cả người tiêu dùng thành thị bằng việc cung cấp các sản phẩm phù hợp thị hiếu, như bột giặt AKA - ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất là đưa tinh chất hương nước hoa vào sản phẩm bột giặt và đã chinh phục được người tiêu dùng”, ông Hòa nói.

Theo ông Trần Đình Long, chuyên gia phân phối và thương hiệu (Công ty AMICA), trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc chủ động phát triển sản phẩm và khai thác thị trường là chiến lược đúng đắn của DN. Tuy nhiên, các DN cần lưu ý là không nên phát triển dàn trải mà cần có trọng điểm, khai thác lợi thế của thị trường ngách, xu hướng tiêu dùng ngách và đặc biệt cần chú ý đến nhu cầu và thị hiếu riêng của người tiêu dùng Việt Nam, để cung cấp sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phù hợp.

Ông Long cũng chỉ ra thực tế là có không ít DN làm hàng xuất khẩu phát triển thị trường nội địa theo kiểu, khai thác sản phẩm ế, thừa của kênh xuất khẩu đưa vào tiêu dùng nội địa. Cách làm này cần được cảnh báo, bởi người tiêu dùng trong nước có gu riêng, có nhu cầu và thị hiếu riêng, nên nếu không có chiến lược phát triển riêng thì sẽ bị người tiêu dùng quay lưng.